Thị trường hàng hóa
Theo thông tin từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), phiên giao dịch vừa qua mặc dù diễn biến phân hoá chia bảng giá hàng hoá nguyên liệu thế giới thành hai nửa xanh đỏ; tuy nhiên, lực mua chiếm ưu thế đã hỗ trợ chỉ số MXV-Index tăng 0,7% lên mức 2.698 điểm, nối dài đà tăng sang ngày thứ 6 liên tiếp.
Đáng chú ý, hoạt động giao dịch tại thị trường Việt Nam đang cho thấy những tín hiệu rất tích cực và sôi nổi. Giá trị giao dịch toàn Sở tăng hơn 15%, đạt mức 5.500 tỷ đồng. Trong đó, theo Khối Quản lý Giao dịch MXV, dòng tiền ghi nhận sự chuyển dịch rất nhanh đến nhóm Nguyên liệu công nghiệp, nơi đang diễn ra những biến động mạnh của các mặt hàng quan trọng, có tác động trực tiếp đến thị trường trong nước như cà phê, bông, cao su. Giá trị giao dịch tính riêng nhóm này đã tăng bứt phá gần 60%, lên mức 1.502 tỷ đồng, tiến rất sát mức đỉnh cao nhất từ đầu năm nay, được thiết lập vào ngày 07/01.
Giá dầu tiếp tục tăng trong ngày hôm nay, với WTI tăng 1,23% lên 94,89 USD/thùng trong khi giá Brent tăng 1% lên 101,22 USD/thùng. Các diễn biến mới xung quanh thỏa thuận hạt nhân giữa Mỹ và Iran, trở thành chất xúc tác để giá dầu liên tục tăng trong tuần này.
Dầu thô phần nào chịu áp lực sau báo cáo tối qua của Cơ quan Năng lượng Mỹ EIA cho thấy mặc dù tồn kho dầu thô giảm mạnh 3,3 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 19/08, tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu đến từ lượng xuất khẩu vững mạnh, do các khách hàng châu Âu đang ráo riết bổ sung các nguồn năng lượng. Trong khi đó, tiêu thụ nhiên liệu thực tế tại Mỹ giảm mạnh 1,9 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó nhu cầu tiêu thụ xăng giảm đến 0,9 triệu thùng/ngày bất chấp giá xăng tại Mỹ đã giảm gần 11% so với tháng trước.
Thông tin Nga tăng sản lượng dầu và khí ngưng tụ trong tháng 7, từ mức 10,7 triệu thùng/ngày lên 10,76 triệu thùng/ngày cũng gây áp lực cho giá dầu. Bất chấp hiện tượng “tự tẩy chay”, tức là các tập đoàn năng lượng lớn tại châu Âu tự giảm các đơn hàng từ Nga ngay cả trước khi lệnh cấm vận nhập khẩu của EU đi vào hiện thực cuối năm nay, ngành dầu khí của Nga vẫn chưa cho thấy sự suy yếu đáng kể nào.
Ngày hôm qua, phía Mỹ đã chính thức đưa ra phản hồi về dự thảo hạt nhân và gửi đến Iran. Nếu các bên đạt được thỏa thuận chung, Iran sẽ được gỡ bỏ các lệnh cấm vận xuất khẩu dầu và quay trở lại với thị trường dầu quốc tế. Bên cạnh đó, nước này cũng sẽ có cơ hội tiếp cận lại với các công nghệ, thiết bị dầu của phương Tây và các khoản đầu tư tiềm tàng để nhằm khôi phục lại ngành dầu khí, sau nhiều năm chịu ảnh hưởng của việc thiếu hụt đầu tư.
Tuy vậy, việc Iran chưa đưa ra bất cứ phát biểu chính thức nào về số phận của thỏa thuận, khiến cho các nhà đầu tư kỳ vọng rằng một thỏa thuận mới vẫn chưa thể nhanh chóng hoàn thành. Hơn thế nữa, khả năng OPEC+ tiếp tục can thiệp thị trường trong trường hợp Iran quay lại xuất khẩu, thông qua hình thức cắt giảm sản lượng trong các cuộc họp tháng, cũng hỗ trợ đà tăng trong nửa cuối phiên.
Đáng chú ý trên thị trường nguyên liệu công nghiệp, 2 mặt hàng cà phê đồng loạt tăng mạnh, cụ thể arabica tăng gần 5%, giúp giá chạm mức cao nhất trong hơn 2 tháng qua và Robusta tăng gần 4% đẩy giá lên mức cao nhất kể từ 22/01.
Hai mặt hàng dẫn đầu đà tăng của nhóm khi tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ thời tiết khô hạn và dự báo không khí lạnh vào cuối tháng 08 ở các vùng trồng cà phê chính tại Brazil, điều này làm dấy lên lo ngại nguồn cung niên vụ 22/23 sẽ thu hẹp do không đủ độ ẩm để duy trì sự phát triển của cà phê. Thêm vào đó, tính đến ngày 19/08, thu hoạch cà phê tại xưởng cà phê lớn nhất thế giới Cooxupe đạt 85,48% so với dự kiến, tăng khoảng 5 điểm phần trăm, nhịp điệu thấp hơn 1 chút so với tuần trước. Tiến độ này cũng thấp hơn 1 chút so với mức 85,65% cùng kỳ niên vụ trước và mức 89,17% năm 2020. Điều này biểu hiện cho sự sụt giảm về tiến độ thu hoạch so với cùng kỳ năm trước.
Cùng chung xu hướng tăng với 2 mặt hàng cà phê, bông trong phiên hôm qua cũng quay đầu với mức tăng 1,64%. Nguyên nhân lý giải cho điều này đến từ việc giá dầu thô tăng hơn 1%, khiến polyester, chất thay thế chính của mặt hàng này tăng giá và kéo theo bông.
Theo dữ liệu từ Unica, sản lượng ép mía khu vực Trung Nam Brazil đạt 38,62 triệu tấn trong nửa đầu tháng 08, giảm 13,7% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cũng dẫn đến sản lượng đường cùng kỳ đạt 2,63 triệu tấn, giảm 12% so với năm trước đó. Càng dấy lên lo ngại thiếu hụt nguồn cung sau khi Conab cũng dự báo sản lượng đường niên vụ này sẽ giảm mạnh từ 40,3 triệu tấn xuống còn 33,9 triệu tấn. Chính điều này đã thúc đẩy giá đường 11 trong phiên hôm qua tăng nhẹ gần 1%.
Bất chấp Indonesia gia hạn lệnh miễn thuế xuất khẩu đối với dầu cọ đến 31/10 với mong muốn mở rộng xuất khẩu và tăng giá dầu cọ tươi cho nông dân, giá mặt hàng này trong phiên hôm qua vẫn nối tiếp đà tăng của phiên hôm trước với mức tăng gần 2%.
Theo MXV, trên thị trường nội địa, trong sáng nay (25/08), giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ đã dễ dàng vượt mốc kỷ lục 50.000 đồng/kg, sau khi tăng rất mạnh 1.500 đồng/kg. Giá cà phê trong nước được giao dịch trong khoảng 50.200 - 50.700 đồng/kg, mức cao nhất được ghi nhận tại Đắk Lắk. So với đầu tháng 8, giá cà phê thu mua nội địa đã tăng mạnh 14%. Còn nếu tính từ đầu năm đến nay, mặt hàng này thậm chí tăng vọt gần 22%.
Theo thống kê mới nhất từ Tổng Cục Hải quan Việt Nam, tính từ 01/08 -15/08, nước ta đã xuất khẩu 48,8 nghìn tấn cà phê, tương đương kim ngạch xuất khẩu đạt 114 triệu USD. Luỹ kế từ đầu năm đạt 1,8 triệu tấn với trị giá 2,6 tỷ USD.
So với cùng kỳ năm ngoái, lượng cà phê xuất khẩu tính đến ngày 15/08 đã tăng 18% lên mức 1,18 triệu tấn, tương đương trị giá 2,6 tỷ USD; tăng vọt 44% do giá nội địa tăng cao. Đây là tín hiệu đáng mừng đối với ngành cà phê nước ta, tuy nhiên cũng dấy lên lo ngại tồn kho giảm mạnh gây nên thiếu hụt nguồn cung toàn cầu. Là quốc gia sản xuất cà phê robusta lớn nhất thế giới và đứng thứ 2 về xuất khẩu cà phê toàn cầu, chỉ sau Brazil, điều này sẽ tác động rất mạnh đến giá cà phê thế giới, nhất là trong bối cảnh người tiêu dùng đang chuyển dịch dần thị hiếu sang cà phê nhanh như cà phê đóng gói, hoà tan.
Theo MXV, giá cà phê nội địa và thế giới sẽ còn nhiều dư địa tăng giá do nguồn cung đang dần thắt chặt ở cả Việt Nam và Brazil, trong khi nhu cầu tiêu thụ được ổn định và tăng cao sau đại dịch Covid-19.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm