Thị trường hàng hóa
Kết thúc quý 3/2024, Công ty Cổ phần Thép Nam Kim (mã cổ phiếu NKG - sàn HoSE) ghi nhận doanh thu đạt hơn 5.188 tỷ đồng, tăng 21,7% so với cùng kỳ. Nhờ giá vốn hàng bán có tốc độ tăng thấp hơn, lợi nhuận gộp trong kỳ đã tăng tới 120%, đạt hơn 451 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp của Thép Nam Kim tiếp tục được cải thiện từ 4,8% lên 8,7%.
Trong kỳ, doanh thu tài chính của Thép Nam Kim giảm 24%. Trong khi đó, chi phí tài chính tăng 40%, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 83%.
Kết quả, Thép Nam Kim ghi nhận gần 65 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 174% so với cùng kỳ năm trước, xác lập quý có lãi thứ 7 liên tiếp.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu đạt 16.140 tỷ đồng, tăng 14,2% so với cùng kỳ, và lợi nhuận sau thuế tăng gần gấp 4 lần, đạt hơn 434 tỷ đồng.
Năm nay, Thép Nam Kim đặt kế hoạch với tổng doanh thu 21.000 tỷ đồng, tăng 12,8% so với cùng kỳ, lợi nhuận trước thuế 420 tỷ đồng, tăng 137% so với năm 2023. Như vậy, doanh nghiệp đã hoàn thành 129% mục tiêu lãi cả năm.
Tuy nhiên, báo cáo lưu chuyển tiền tệ cho thấy dòng tiền của Thép Nam Kim lại rơi vào tình trạng âm trong 9 tháng đầu năm. Cụ thể, dòng tiền kinh doanh chính của doanh nghiệp này ở mức âm hơn 739 tỷ đồng, so với mức dương 483 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài ra, dòng tiền đầu tư cũng âm gần 797 tỷ đồng và dòng tiền tài chính ghi nhận dương khoảng 1.291 tỷ đồng, chủ yếu do gia tăng vay nợ.
Thép Nam Kim đã trải qua hai năm dòng tiền âm liên tiếp là năm 2021 (âm 308 tỷ đồng) và năm 2022 (âm 828 tỷ đồng), và vừa mới dương trở lại trong năm 2023 (dương 268 tỷ đồng).
Tính đến cuối tháng 9/2024, tổng tài sản của Thép Nam Kim đạt 13.782 tỷ đồng, tăng 13% so với hồi đầu năm nay. Trong đó, hàng tồn kho chiếm đến 48% tổng tài sản, đạt 6.577 tỷ đồng, tăng 15% so với hồi đầu năm. Theo sau là các khoản phải thu ngắn hạn chiếm 19% tổng tài sản, đạt 2.561 tỷ đồng, tăng 33% so với thời điểm đầu năm.
Xem thêm: "Tập đoàn Hoa Sen (HSG), Thép Nam Kim (NKG)… hưởng lợi như nào khi tôn mạ Trung Quốc bị áp thuế?" trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Thép Nam Kim cho biết, trong cơ cấu hàng tồn kho, thành phẩm chiếm 2.701 tỷ đồng; nguyên liệu, vật liệu chiếm 1.860 tỷ đồng; hàng đang đi trên đường chiếm 1.743 tỷ đồng; còn lại là công cụ, dụng cụ, và hàng hoá gửi bán. Trong đó, tồn kho tăng chủ yếu liên quan hàng đang đi trên đường.
Về phần nguồn vốn, tính tới cuối quý 3/2024, toàn bộ nợ vay của Thép Nam Kim là nợ vay ngắn hạn, tăng 27% so với đầu năm, đạt 6.044 tỷ đồng.
Về triển vọng kinh doanh thời gian tới, nhiều hãng chứng khoán nhận định Thép Nam Kim sẽ là đơn vị hưởng lợi trực tiếp từ việc Bộ Công Thương gia hạn biện pháp chống bán phá giá đối với tôn mạ nhập khẩu có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc thêm 05 năm (đến tháng 10/2029).
Dữ liệu lịch sử cho thấy, trong đợt áp thuế hồi năm 2016, Thép Nam Kim đã ghi nhận sản lượng tiêu thụ nội địa hàng quý tăng tới 29% so với giai đoạn trước khi áp thuế.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm