Thị trường hàng hóa
Celsius Network và Voyager Digital từng là hai tên tuổi lớn trong thị trường cho vay tiền mã hóa. Họ cung cấp cho các nhà đầu tư bán lẻ lợi nhuận hàng năm (APY) cao ngất ngưởng, có khi lên tới 20%. Nhưng cả hai hiện đều đã phá sản do giá token và thanh khoản sụt giảm sau hàng loạt đợt tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Việc vay tiền và cho vay để kiếm lợi suất dễ dàng trên thị trường tiền điện tử chấm dứt được nhiều nhà phát triển blockchain (chuỗi khối) hàng đầu thế giới hoan nghênh. Họ cho rằng đòn bẩy này chỉ thu hút những người muốn kiếm tiền nhanh chóng và cần phải có một hệ thống loại bỏ các tác nhân xấu.
Phần lớn sự hỗn loạn của thị trường có khả năng bắt nguồn từ những công ty tiền ảo trị giá hàng tỷ USD. Theo Walter Teng, chuyên gia chiến lược tài sản mã hóa tại Fundstrat Global Advisors nhận định, cuộc khủng hoảng thanh khoản vốn đã ảnh hưởng đến lợi suất DeFi, một số nhân tố trung tâm thiếu trách nhiệm khiến tình trạng này càng trầm trọng hơn.
Thời điểm lãi suất của Fed gần như bằng 0, trái phiếu chính phủ và tài khoản tiết kiệm chỉ mang lại mức lợi suất hạn chế, nhiều người đã bắt đầu tìm đến nền tảng cho vay tiền mã hoá. Trong thời kỳ giá tài sản mã hóa bùng nổ, các nhà đầu tư bán lẻ có thể kiếm tiền một cách dễ dàng bằng cách gửi token trên Celsius, Voyager hay Anchor.
Anchor là giao thức từng được Terra (LUNA) cung cấp hàng triệu stablecoin UST và mời chào người dùng với lợi nhuận hàng năm (APY) lên đến 20%. Lúc này hệ thống cho vay tiền điện tử vẫn tỏ ra rất hiệu quả và thậm chí khách hàng có thể vay tiền mà không phải trả thêm lãi suất.
Sau đó, Công ty nghiên cứu Bernstein đã lên tiếng cảnh báo thị trường tiền mã hóa sẽ gặp phải vấn đề tương tự như các tài sản rủi ro khác vì biến động thị trường có mối tương quan chặt chẽ với chính sách của Fed. Chỉ trong vài tháng gần đây, Bitcoin cùng các token vốn hóa lớn khác đã giảm song song với các đợt tăng lãi suất của Fed.
Theo giới công nghệ, thanh khoản lao dốc trong nhiều năm qua cho thấy thời kỳ kiếm tiền dễ trên thị trường tiền ảo sắp kết thúc. Alkesh Shah, nhà chiến lược tài sản mã hóa tại Bank of America, hy vọng sẽ sớm có quy định bảo vệ chặt chẽ và thông tin cần thiết để giảm mức lợi suất DeFi (tài chính phi tập trung) cao đến mức phi lý như hiện tại.
Hiện tại, một số nền tảng nhỏ hơn đang tìm cách chuyển tiền của khách hàng vào những nền tảng khác đều cung cấp lợi nhuận ở mức rất cao như vậy. Đáng chú ý, chỉ cần một sự cố phát sinh, toàn bộ hệ thống tiền điện tử sẽ đứng trên bờ vực sụp đổ.
Sự lao dốc của thị trường crypto mà Bitcoin là đồng dẫn dắt, một phần gây ra bởi các cuộc khủng hoảng tại những công ty chủ chốt trong lĩnh vực. Các nhà tạo lập thị trường tin rằng, bất kỳ đợt sụt giảm nào trong tương lai, cũng có thể tạo ra hiệu ứng domino (phản ứng chuỗi) bán tháo do các lệnh gọi ký quỹ và cắt lỗ.
Theo Nik Bhatia, Giáo sư Tài chính và Kinh tế Kinh doanh của Đại học Nam California, hiệu ứng domino cũng giống như rủi ro liên ngân hàng. Nếu tín dụng đã gia hạn không được thế chấp hay lưu trữ hợp lý, thất bại sẽ nối tiếp thất bại.
Hiện tại, người dùng có thể dựa vào một số đặc điểm để phân biệt CeFi (tài chính tập trung) và DeFi (tài chính phi tập trung). Thông thường, các nhà cho vay CeFi sẽ áp dụng cách tiếp cận từ trên xuống.
Cụ thể, những người nắm quyền sẽ quyết định dòng tài chính và cách thức hoạt động của những bộ phận khác nhau. Ngoài ra, người đi vay không thực sự biết nền tảng hoạt động như thế nào.
Trái lại, nền tảng DeFi sẽ qua bỏ qua những bên trung gian như luật sư và ngân hàng, dựa vào thuật toán để vận hành. Một trong những vấn đề lớn của nhà cho vay tiền mã hóa CeFi là thiếu tài sản thế chấp để hỗ trợ khoản vay.
Điển hình, theo hồ sơ phá sản của Celsius, công ty có hơn 100.000 chủ nợ. Tuy nhiên, phần lớn trong số đó đã cho nền tảng vay tiền mặt mà không có bất kỳ tài sản thế chấp nào. Nếu không có tài sản hỗ trợ đằng sau những khoản vay này, toàn bộ thỏa thuận phụ thuộc vào lòng tin.
Trong khi đó, ở DeFi, người đi vay thế chấp 100% tài sản cho mỗi khoản vay. Nguyên nhân là do DeFi có tính ẩn danh, tức người cho vay không biết danh tính hay điểm tín dụng của người vay. Họ cũng không có dữ liệu khác về dòng tiền hoặc vốn để làm căn cứ quyết định gia hạn khoản vay.
Đồng thời, các giao dịch trong DeFi được quản lý qua hợp đồng thông minh. Hợp đồng được viết trên một blockchain công khai (Ethereum, Solana) và sẽ tự động thực hiện khi đáp ứng đủ những điều kiện nhất định.
Do đó, mức lợi suất được quảng cáo bởi các nền tảng DeFi như Aave và Compound, sẽ thấp hơn nhiều so với Celsius và Voyager. Bên cạnh đó, lợi suất của giao thức DeFi thay đổi dựa trên tác động thị trường thay vì cố định ở mức 20%, thậm chí có thời điểm lên tới 30%, mức lợi suất đầy rủi ro.
Trên thực tế, các khoản vay DeFi hoạt động giống như sản phẩm giao dịch tinh vi hơn là một khoản vay tiêu chuẩn. Dù là các nhà cho vay CeFi nhưng Celsius vẫn cố đa dạng hóa tài sản của mình trong hệ sinh thái DeFi bằng cách gửi tiền mã hóa vào những nền tảng DeFi để kiếm lợi nhuận.
Vài ngày trước khi tuyên bố phá sản, Celsius bắt đầu trả nhiều khoản nợ cho các công ty cho vay DeFi như Maker và Aave. Công ty buộc phải làm vậy mới được phép giải phóng tài sản thế chấp của mình.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm
Business Networking
Mạng lưới kết nối của Trí Tuệ Mới