Thị trường hàng hóa
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố số liệu mới nhất về tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng. Theo đó, tính đến cuối tháng 8, lượng tiền gửi tiết kiệm của người dân tại các ngân hàng đạt 6,92 triệu tỷ đồng, tăng 6% so với cuối năm 2023 và tăng thêm 86.475 tỷ đồng so với cuối tháng 7.
Như vậy, trong tháng 8, trung bình mỗi ngày người dân gửi vào ngân hàng khoảng 2.882 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, tiền gửi từ các doanh nghiệp và tổ chức kinh tế tại các ngân hàng đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng, giảm nhẹ so với cuối năm trước. Tuy nhiên, từ tháng 6 đến tháng 8, lượng tiền gửi từ nhóm này đã có dấu hiệu phục hồi, với 69.586 tỷ đồng được gửi thêm vào cuối tháng 7.
Tổng lượng tiền gửi tiết kiệm của cả dân cư và doanh nghiệp, tổ chức kinh tế đến cuối tháng 8 đạt kỷ lục hơn 13,76 triệu tỷ đồng. Đây là mức cao nhất từ trước đến nay.
Lượng tiền tiết kiệm được người dân gửi vào ngân hàng đã tăng liên tiếp trong suốt 2 năm nay.
Tại cuộc họp báo thường kỳ về hoạt động ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước vừa tổ chức, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, cho biết tổng tiền gửi tính đến cuối tháng 10 ước đạt 14,5 triệu tỷ đồng.
Theo các chuyên gia tài chính, sự thận trọng của nhà đầu tư trước các kênh như chứng khoán, bất động sản... là một trong những nguyên nhân chính khiến dòng tiền tiếp tục đổ vào ngân hàng.
Đặc biệt, giá vàng quốc tế biến động mạnh đã làm gia tăng rủi ro khi đầu tư vào vàng. Còn để tích trữ vàng, người dân thường chỉ mua khi giá mặt hàng này ổn định.
Mặt khác, lãi suất huy động cũng có xu hướng tăng kể từ tháng 4. Các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân đang niêm yết lãi suất cho kỳ hạn 12 tháng từ 5 - 6%/năm và từ 4,5-4,8%/năm cho kỳ hạn 6-9 tháng.
Ở một diễn biến có liên quan, báo cáo tài chính quý III/2024 của 28 ngân hàng thương mại vừa công bố cho thấy, tổng lượng tiền gửi của khách hàng cá nhân và tổ chức tính đến 30/9 vượt trên 10,755 triệu tỷ đồng, tăng 7,13% so với cuối năm 2023.
Thống kê này chưa bao gồm Agribank do ngân hàng luôn dẫn đầu hệ thống về huy động này chưa công bố báo cáo tài chính quý III. Nhóm các ngân hàng yếu kém gồm OceanBank, GPBank, CB, Dong A Bank, và SCB cũng không nằm trong danh sách thống kê do không công bố báo cáo tài chính.
Đứng đầu là BIDV khi huy động được 1,853 triệu tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm. Xếp thứ hai là VietinBank khi hút được 1,514 triệu tỷ đồng, tăng 7,46%. Đứng thứ 3 là Vietcombank với số tiền huy động được là 1,432 triệu tỷ đồng, tăng 2,15%.
Như vậy, dòng tiền lớn tiếp tục đổ vào ngân hàng cho thấy niềm tin của người dân vào hình thức tiết kiệm truyền thống, đặc biệt trong bối cảnh các kênh đầu tư khác vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm