Thị trường hàng hóa
Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) vừa có thông báo ngày 21/3/2023 ngân hàng sẽ chốt danh sách cổ đông hưởng cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 25%. Ngày thanh toán là 3/4/2023, nguồn vốn chi trả lấy từ lợi nhuận chưa phân phối, sau khi trích lập các quỹ theo báo cáo tài chính năm 2021 đã kiểm toán (hơn 5.486 tỷ đồng). Với khoảng 1,58 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, ước tính ngân hàng này sẽ chi 3.955 tỷ đồng để trả cổ tức. Đến thời điểm này TPBank được cho là ngân hàng có tỷ lệ chia cổ tức bằng tiền mặt nhiều nhất.
Cùng với TPBank, Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) vừa có nghị quyết phê duyệt việc thực hiện phương án tạm ứng cổ tức tiền mặt năm 2022 cho cổ đông hiện hữu với số tiền tạm ứng là hơn 2.107,6 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ 10% vốn điều lệ.
Theo đó, nguồn vốn sử dụng để chia cổ tức là lợi nhuận chưa phân phối tại thời điểm 30/9/2022, trong đó lợi nhuận để lại từ các năm trước chưa sử dụng là 565 tỷ đồng và lợi nhuận thuần lũy kế ba quý đầu năm 2022 là hơn 1.542 tỷ đồng. Ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách cổ đông được nhận tạm ứng cổ tức tiền mặt là ngày 10/2/2023. Ngày VIB thực hiện chi trả tạm ứng cổ tức tiền mặt là 3/3/2023.
VIB vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2022 với lợi nhuận trước thuế đạt hơn 10.580 tỷ đồng, tăng 32% so với năm trước. Hiệu suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE) liên tục đạt trên 30%. Kết quả tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng của VIB đến từ các mảng kinh doanh cốt lõi, đặc biệt là ngân hàng bán lẻ.
Với kết quả kinh doanh tích cực năm 2022, VIB cho biết, sẽ tính toán mức cổ tức tối ưu để trình Đại hội đồng cổ đông vào đầu năm 2023, phù hợp với chủ trương của Ngân hàng Nhà nước. VIB thường là ngân hàng tiến hành đại hội đồng cổ đông sớm nhất vào tháng 3.
Nếu phương án trên được đại hội thông qua và Ngân hàng Nhà nước chấp thuận, dự kiến VIB có thể chia cổ tức tiền mặt lên tới 35% vốn điều lệ, tương đương với mỗi cổ phiếu sở hữu cổ đông có thể nhận 3.500 đồng cổ tức. Đại diện VIB cho biết, con số 35% có thể cao hơn nếu các khoản thu bất thường kịp ghi nhận trong năm 2022.
Theo lãnh đạo VIB, liên tục trong 3 năm qua, theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, VIB đã không chi cổ tức bằng tiền mặt, chỉ chia cổ tức bằng cổ phiếu. Do vậy, việc chia cổ tức bằng tiền mặt trong năm 2023 sẽ đáp ứng được nhu cầu và nguyện vọng chính đáng của các cổ đông ngân hàng.
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) có kế hoạch trả cổ tức năm 2022 với tỷ lệ tương tự năm 2021 là 25% trong đó, dự kiến chia 10% bằng tiền mặt và 15% bằng cổ phiếu. Trong năm 2022, ACB đạt lợi nhuận trước thuế hợp nhất 17.114 tỷ đồng, tăng hơn 40% so với năm 2021.
Như vậy, sau 7 năm, cổ đông ACB mới có cơ hội nhận được cổ tức bằng tiền mặt. Lần gần nhất ACB chi trả cổ tức bằng tiền mặt là vào năm 2015 với tỷ lệ 7%.
Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư cá nhân và cập nhật kết quả kinh doanh quý 4 cũng như cả năm 2022 mới đây, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cho biết, Ngân hàng sẽ triển khai bán vốn cho nhà đầu tư chiến lược thông qua phát hành cổ phiếu trong năm 2023, qua đó củng cố nguồn vốn và là cơ sở để thực hiện chia cổ tức bằng tiền mặt.
Năm 2022, VPBank đạt lợi nhuận hợp nhất trước thuế hơn 21.200 tỷ đồng, tăng gần 50% so với năm 2021.
Trước đó, trong cuộc họp đại hội cổ đông năm 2022, Chủ tịch HĐQT VPBank Ngô Chí Dũng cũng cho biết, nền tảng vốn đạt được năm 2022 không những đủ cơ sở để đảm bảo cho VPBank tăng trưởng cao theo kế hoạch 5 năm tới mà HĐQT còn dự kiến sẽ trình đại hội chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 30% lợi nhuận sau thuế hàng năm.
Nếu được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận, đây sẽ là lần đầu tiên VPBank tiến hành trả cổ tức bằng tiền mặt kể từ sau khi đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán năm 2017.
Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, đã có 4 ngân hàng đang tiến hành các thủ tục cần thiết hoặc có kế hoạch dự kiến chi trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông trong năm 2023. Điểm chung của các nhà băng này là đều có sức khỏe tài chính vững mạnh và khả năng tạo lợi nhuận đứng đầu nhóm ngân hàng cổ phần tư nhân.
Trước đó, các ngân hàng niêm yết chỉ có 3 “ông lớn” nhà nước là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) thường xuyên trả cổ tức bằng tiền mặt. Trên thực tế, các ngân hàng này đều đề xuất phương án giữ lại lợi nhuận để tăng vốn, tuy nhiên Bộ Tài chính lại không đồng tình.
Bên cạnh việc chia cổ tức bằng tiền mặt, không ít ngân hàng cũng dự kiến chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng thêm vốn điều lệ. Chẳng hạn HĐQT Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) vừa thông báo chốt danh sách cổ đông thực hiện quyền nhận cổ tức bằng cổ phiếu. Đây là lần đầu tiên sau gần 10 năm, ngân hàng này thực hiện chia cổ tức cho cổ đông.
Theo đó, cổ đông Eximbank sẽ được chia cổ tức bằng cổ phiếu theo tỷ lệ 20%, tức cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu tại ngày chốt quyền nhận 20 cổ phiếu mới. Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận cho Eximbank tăng vốn điều lệ thêm tối đa 2.459 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối theo phương án tăng vốn điều lệ đã được Đại hội đồng cổ đông Eximbank thông qua.
Với hơn 1.229 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, Eximbank dự kiến phát hành tối đa gần 245,9 triệu cổ phiếu để trả cổ tức. Nguồn vốn phát hành từ nguồn lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ các năm 2017, 2018, 2019, 2020 và 2021. Vào kỳ đại hội đồng thường niên năm 2021, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Eximbank là ông Yasuhiro Saitohcho thông tin năm 2022, Eximbank đã thỏa mãn điều kiện cuối cùng để chia cổ tức sau khi tất toán xong toàn bộ trái phiếu Công ty quản lý Tài sản (VAMC). Sau đợt chia cổ tức bằng cổ phiếu 20% trong năm 2023 này, vốn điều lệ của Eximbank lên 14.814 tỷ đồng.
Cổ tức cũng là câu chuyện được nhắc đến nhiều ở mỗi kỳ đại hội cổ đông của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank). Lãnh đạo ngân hàng này nhiều lần cho biết vẫn liên tục trình phương án sử dụng lợi nhuận giữ lại để chia cổ tức cho cổ đông, nhưng việc chia cổ tức ở một ngân hàng đang tái cấu trúc cần cần được sự phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước.
Lãnh đạo Sacombank cho biết chậm nhất đến năm 2023 sẽ hoàn tất xử lý toàn bộ các vấn đề tồn đọng thuộc Đề án tái cơ cấu, qua đó chính thức hoàn thành trước hạn đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt. Trên cơ sở đó, Sacombank sẽ thực hiện các thủ tục xin phép Ngân hàng Nhà nước để thực hiện chi trả cổ tức cho cổ đông.
Thực tế, trong những năm qua, Sacombank thực hiện Đề án tái cơ cấu sau sáp nhập thêm Ngân hàng Phương Nam (Southern) nên chưa được phép chia cổ tức. Lần chia cổ tức gần nhất của ngân hàng này diễn ra vào năm 2015 với tỷ lệ 20% bằng cổ phiếu.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm