Thị trường hàng hóa
Năm 2022 được kỳ vọng là một năm phục hồi đối với các DN sau một thời gian dài khó khăn do đại dịch COVID-19, tuy nhiên, cuối cùng nó lại không thực sự thành công như mong đợi đối với nhiều DN Đông Nam Á, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ.
Tình trạng mất việc làm diễn ra tại nhiều DN, nguồn vốn đầu tư hạn chế và tái cấu trúc chiếm vị trí trung tâm, với nhiều công ty khởi nghiệp và công ty công nghệ thực hiện chiến lược dừng tuyển dụng, cắt giảm nhân sự hàng loạt và xoay trục chiến lược để cố gắng tồn tại.
Bất chấp tình trạng khó khăn này, ngân hàng số trong khu vực Đông Nam Á vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ và năm 2022 đã chứng kiến sự ra mắt của hàng loạt các thương hiệu, sản phẩm và dịch vụ mới sáng tạo được phát triển bởi ngày càng nhiều nhà cung cấp dịch vụ tài chính và công nghệ tài chính hiện đang hoạt động trên khắp khu vực.
Nhận định về sự phát triển của ngân hàng số trong khu vực Đông Nam Á, ông William Dale, Phó Chủ tịch Mambu châu Á - Thái Bình Dương cho biết: “Năm 2023, chúng tôi kỳ vọng sự tăng trưởng trong lĩnh vực ngân hàng số sẽ tiếp tục, với sự cạnh tranh ngày càng lớn hơn trong toàn ngành khi nhiều ngân hàng số mới được cấp phép hoạt động ở một số quốc gia và các ngân hàng truyền thống cũng đang tiếp tục nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi số”.
“Big Tech” thúc đẩy sự phát triển của ngân hàng số ở Đông Nam Á
Trong khi bối cảnh phát triển và mở rộng ngân hàng số trên toàn cầu bị chi phối bởi các công ty khởi nghiệp fintech, thì cho đến nay, các ngân hàng số ở Đông Nam Á chủ yếu được ra mắt bởi các tập đoàn lớn gồm các doanh nghiệp đã thành công, và đáng chú ý nhất là các “ông lớn” công nghệ (big tech) và các ngân hàng hiện có.
Sự gia tăng nhanh chóng của các tập đoàn công nghệ lớn dẫn đầu trong lĩnh vực này là kết quả của các chính sách khuyến khích sự cạnh tranh và đổi mới đồng thời giảm thiểu rủi ro của các quốc gia khu vực.
Mặc dù cách tiếp cận này có thể đã phần nào kìm hãm sự đổi mới của các công ty khởi nghiệp, nhưng điều đó có nghĩa là các ngân hàng số mới nổi ở các quốc gia Đông Nam Á đang được xây dựng trên nền tảng tài chính vững chắc.
Ngoài việc có tiềm lực tài chính ổn định, tiềm lực công nghệ nội tại của các tập đoàn công nghệ lớn, cùng với cơ sở dữ liệu khách hàng hiện có, mang lại cho họ lợi thế đáng kể khi tung ra các sản phẩm và dịch vụ ngân hàng số lấy khách hàng làm trung tâm.
Các công ty công nghệ lớn hiểu rất rõ khách hàng của họ cũng như khả năng cung cấp các dịch vụ siêu cá nhân hóa được người tiêu dùng đón nhận nhiệt tình. “Năm 2023, chúng tôi hy vọng sẽ có nhiều tổ chức tận dụng phân tích dữ liệu dựa trên đám mây và thông tin chi tiết về thị trường để phát triển thêm những trải nghiệm khách hàng được cá nhân hóa hơn”, ông William Dale nhấn mạnh.
Theo ông William Dale, kỳ vọng ngày càng tăng của khách hàng và ảnh hưởng của các tập đoàn công nghệ lớn được dự đoán sẽ tạo ra tác động đáng kể đến lĩnh vực ngân hàng số trong năm nay và kết hợp lại sẽ buộc các ngân hàng truyền thống phải dành nhiều nguồn lực hơn cho quá trình chuyển đổi ngân hàng số của họ.
Trong khu vực Đông Nam Á, chúng ta cũng đã chứng kiến một số công ty công nghệ lớn đã lấn sân sang lĩnh vực dịch vụ tài chính, như Grab, AEON và SEA Group, tất cả hiện là một phần của các tập đoàn đã có giấy phép ngân hàng số. Trên toàn cầu, các “ông lớn” công nghệ như Apple, Amazon và Facebook cũng đã tạo ra những tác động đáng kể đến các dịch vụ tài chính và chúng ta kỳ vọng sẽ thấy điều này nhiều hơn nữa trong năm 2023.
Các dịch vụ tài chính nhúng giúp cuộc sống trở nên dễ dàng hơn cho tất cả mọi người
Các ngân hàng và tổ chức fintech đều đã và đang nhận ra những lợi ích cho cả DN và người tiêu dùng của việc nhúng các dịch vụ vào các nền tảng thương mại và siêu ứng dụng, tạo ra một hệ sinh thái các dịch vụ hoạt động liền mạch với nhau.
Theo đó, dịch vụ tài chính nhúng cho phép người tiêu dùng quản lý tất cả các hoạt động tài chính, công việc, sức khỏe, xã hội và “quản trị cuộc sống chung” của họ trên cùng một nền tảng hoặc một ứng dụng.
Với những lợi ích và tiện lợi đó, tài chính nhúng được dự đoán sẽ tiếp tục là một chủ đề nóng trong năm 2023, khi ngày càng có nhiều công ty tích hợp các dịch vụ tài chính vào các sản phẩm và quy trình kinh doanh phi ngân hàng.
Theo Phó Chủ tịch Mambu khu vực châu Á - Thái Bình Dương, năng lực của tài chính nhúng cho phép các tổ chức cung cấp các giải pháp tài chính sáng tạo, thuận tiện và tiết kiệm chi phí cho người tiêu dùng là điều sẽ giúp lĩnh vực này tiếp tục phát triển, với sự hợp tác hiệu quả, cùng có lợi giữa các ngân hàng, tổ chức fintech và nhà bán lẻ hoặc các nhà cung cấp dịch vụ thiết yếu khác.
Bên cạnh đó, bằng cách sử dụng tài chính nhúng, các nhà bán lẻ, B2B, B2C và các DN ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số (có khả năng thu thập dữ liệu) có cơ hội thêm các luồng doanh thu mới có lợi bằng cách khai thác cơ sở khách hàng hiện tại của họ.
Thanh toán di động và trực tuyến tăng đột biến
Các giải pháp thanh toán trực tuyến, thanh toán số và dựa trên thiết bị di động đã có sự gia tăng đột biến kể từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, đặc biệt trong bối cảnh đó Đông Nam Á nổi lên là một trong những khu vực sử dụng ví kỹ thuật số và thanh toán trực tuyến sôi nổi nhất trên thế giới.
Khi lĩnh vực thanh toán phát triển, chúng ta có thể mong đợi sự thay đổi trọng tâm của các ngân hàng và nhà cung cấp dịch vụ thanh toán - những tổ chức hiện đang phải tập trung vào việc xây dựng và tung ra các giao diện mang thương hiệu của riêng họ - nhằm mục đích xây dựng lòng trung thành của khách hàng thông qua các ứng dụng hấp dẫn và được cá nhân hóa, thay vì sử dụng các nền tảng hiện có.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực dịch vụ tài chính sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng đối với tất cả các DN đang nỗ lực tạo ra sự đổi mới cũng như những bước đột phá trong bối cảnh ngân hàng số được dự báo sẽ phát triển mạnh mẽ ở khu vực Đông Nam Á vào năm 2023./.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm