Thị trường hàng hóa
Ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý
Phát triển hạ tầng, ứng dụng phục vụ CĐS được xem là một trong những khâu đột phá mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội đề ra nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.
Với vai trò là đơn vị tham mưu, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Hà Nội đã quy hoạch và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp viễn thông triển khai hạ tầng mạng 5G; khuyến khích doanh nghiệp lắp đặt hệ thống WiFi miễn phí tại các khu du lịch, di tích và khu công nghiệp; triển khai mã địa chỉ bưu chính Vpostcode đến từng hộ gia đình, dựa trên nền tảng bản đồ số, gắn với các ứng dụng, phần mềm dùng chung.
Tới thời điểm hiện tại, các cơ quan quản lý nhà nước của TP. Hà Nội đều sử dụng phần mềm quản lý văn bản kết nối, liên thông trên môi trường mạng, sử dụng chữ ký số trong gửi, nhận văn bản điện tử. Thành phố đã hình thành các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cốt lõi và chuyên ngành (dân cư, doanh nghiệp, tài chính, bảo hiểm). Nhờ việc triển khai đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, ứng dụng công nghệ số trong công tác quản lý nhà nước, chính quyền, doanh nghiệp, lẫn người dân đã tiết kiệm được tiền bạc, công sức và thời gian trong việc xử lý các thủ tục hành chính.
Ví dụ điển hình của việc ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý nhà nước phải kể tới lĩnh vực giáo dục, khi mà hiện nay, hình thức tuyển sinh trực tuyến đầu cấp đã trở nên phổ biến, chấm dứt tình trạng xếp hàng nộp đơn xin học căng thẳng, gây bức xúc dư luận.
Hay ở lĩnh vực y tế, trong đợt dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Hà Nội đã đẩy mạnh các ứng dụng công nghệ nhằm hỗ trợ người dân khai báo y tế online và điều trị, theo dõi sức khỏe tại nhà.
Phấn đấu trở thành địa phương dẫn đầu về CĐS
Mục tiêu tới năm 2025, tầm nhìn năm 2030, Hà Nội phấn đấu trở thành một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về CĐS.
Theo lãnh đạo Sở TT&TT Hà Nội, đây là mục tiêu đòi hỏi sự nỗ lực, vào cuộc đồng bộ của các sở, ngành. Với vai trò là cơ quan chủ trì, Sở đã trình UBND Thành phố ban hành Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025.
Kế hoạch đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm, gồm: hoàn thiện cơ chế, chính sách; phát triển hạ tầng số; phát triển nền tảng, hệ thống; phát triển dữ liệu; phát triển ứng dụng; bảo đảm an toàn thông tin. Cùng với đó là các giải pháp bảo đảm nguồn nhân lực công nghệ thông tin; hợp tác giữa cơ quan nhà nước và doanh nghiệp; cải cách hành chính, chuẩn hóa quy trình, nghiệp vụ; hợp tác trong nước và quốc tế.
Trong giai đoạn từ nay tới năm 2025, Hà Nội đề ra mục tiêu lọt vào nhóm 5 địa phương dẫn đầu cả nước về CĐS, công nghệ thông tin, chỉ số cạnh tranh, đổi mới sáng tạo và an toàn - an ninh mạng. Phấn đầu tới năm 2030, Hà Nội sẽ là một trong ba địa phương dẫn đầu cả nước về những chỉ số trên. Đồng thời đứng trong nhóm dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về khoa học dữ liệu (Data Science) và trí tuệ nhân tạo (AI). Cụ thể, Hà Nội đặt ra các chỉ tiêu như 100% hồ sơ công việc tại cấp thành phố, cấp huyện và 80% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng; hoàn thành quá trình CĐS cho các cơ quan nhà nước, cơ quan Đảng của thành phố; hình thành đầy đủ nền tảng dữ liệu của đô thị thông minh phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Đối với phát triển kinh tế số, tới 2030, Hà Nội xác định thành phần này sẽ chiếm trên 40% GRDP của thành phố. Năng suất lao động tăng bình quân trên 7,5%/năm. Dịch vụ mạng Internet băng rộng cáp quang, 5G sẽ được phổ cập. Tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 80%. Đồng thời, Hà Nội sẽ là trung tâm khởi nghiệp sáng tạo của cả nước./.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm