Thị trường hàng hóa
Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, mã cổ phiếu DCM - sàn HoSE) vừa thông qua việc thành lập Văn phòng đại diện tại Campuchia.
Đây được xem là động thái mới nhất của Đạm Cà Mau trong việc đẩy mạnh thâm nhập Campuchia - thị trường xuất khẩu quan trọng hàng đầu với tốc độ tăng trưởng cao qua các năm. Theo dữ liệu của Chứng khoán An Bình, nhu cầu tiêu thụ urê hàng năm của Campuchia ở mức 380.000 - 410.000 tấn, phân DAP là 250.000 - 280.000 tấn/năm và phân NPK là 260.000 - 300.000 tấn/năm.
Đặc biệt, 90% nhu cầu tiêu thụ ure của Campuchia hiện nay là urê hạt đục, tập trung tại các vùng nông nghiệp trọng điểm như khu vực Biển Hồ và các tỉnh giáp ranh. Trong khi đó, Đạm Cà Mau hiện là doanh nghiệp phân bón Việt Nam duy nhất sản xuất được urê hạt đục với công suất 800.000 tấn/năm.
Nhờ tận dụng lợi thế về khoảng cách địa lý, Đạm Cà Mau đã giảm thiểu chi phí logistics và thời gian vận chuyển, từ đó duy trì giá bán hợp lý nhằm cạnh tranh vượt trội so với các đối thủ trên thị trường Campuchia.
Gia nhập thị trường Campuchia từ đầu năm 2015, chỉ sau 1 thập kỷ, Đạm Cà Mau đã chiếm 35 - 40% thị phần urê của Campuchia và đặt mục tiêu tăng lên mức 50 - 60% trong thời gian tới thông qua việc áp dụng kết hợp nhiều chiến lược kinh doanh.
Xem thêm: "Thị trường Campuchia - “Mỏ vàng” của Đạm Cà Mau (DCM)" trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Bên cạnh việc giới thiệu các dòng sản phẩm mới phù hợp cây trồng , Đạm Cà Mau đang đẩy mạnh việc triển khai các mô hình trình diễn và chương trình hỗ trợ kỹ thuật cho người nông dân Campuchia, góp phần mang lại những vụ mùa hiệu quả và nâng cao đời sống kinh tế.
Xét về kết quả kinh doanh, ban lãnh đạo Đạm Cà Mau ước tính doanh thu cả năm nay đạt 13.661 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế khoảng 1.270 tỷ đồng, lần lượt tăng hơn 5% và 1% so với năm 2023.
Bước sang năm 2025, công ty đặt mục tiêu tổng doanh thu đạt 13.983 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 864 tỷ đồng. Đồng thời, Đạm Cà Mau đang lên kế hoạch nâng công suất thiết kế của nhà máy ure lên 125% so với mức hiện tại, đạt khoảng 1 triệu tấn/năm, với vốn đầu tư khoảng 836 tỷ đồng, dự kiến vận hành thương mại vào năm 2028. Nguồn cung khí cho nhà máy mở rộng dự kiến sẽ đến từ các mỏ Nam Du - U Minh và Khánh Mỹ - Đầm Dơi.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm