Thị trường hàng hóa
Mới đây, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) phối hợp với Tạp chí Thông tin và Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề “Chuyển đổi số báo chí Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn”.
Tại hội thảo các đại biểu đã tập trung đi sâu vào các vấn đề đặt ra trong việc triển khai xây dựng nền báo chí Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp, đa nền tảng, đa phương tiện, phù hợp với xu thế phát triển công nghệ số, truyền thông thế giới. Đồng thời, các đại biểu cũng đề xuất tới cơ quan quản lý nhà nước trong việc định hướng, dẫn dắt chuyển đổi số báo chí, hỗ trợ các cơ quan báo chí trong quá trình thử nghiệm công nghệ hiện đại.
Trong nhiều năm qua, các cơ quan báo chí đã nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số trong việc gia tăng hiệu quả hoạt động và đảm bảo sự phát triển bền vững của tờ báo. Nhiều tờ đã bước vào một cuộc đua mới trong việc áp dụng chuyển đổi số, thay đổi mô hình, cách thức hoạt động, kinh doanh để vượt qua “khủng hoảng” thành công.
Ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại, hướng đến cá nhân hóa nội dung; đa nền tảng chia sẻ; thực hiện báo chí di động; báo chí dữ liệu; siêu tác phẩm báo chí… Một số cơ quan báo chí khá thành công, trở thành các đơn vị báo chí đa phương tiện hiện đại như: Nhân Dân, Thông tấn xã Việt Nam, VOV, VTV hay Vietnamplus, VnExpress, Zing…
Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn nhiều tòa soạn khó khăn trong quá trình chuyển đổi số. Nhà báo Trần Anh Tú - Trưởng ban điện tử Báo Đại Đoàn Kết chia sẻ: Nhiều cơ quan báo chí đến nay chưa tuyển được nhân viên kỹ thuật giỏi, việc này tương đối khó, mặc đã có cơ chế đặc thù lương cho cán bộ chuyên làm chuyển đổi số, nhưng vẫn chưa lựa chọn được. Ngoài ra, việc đào tạo bồi dưỡng cho chính lãnh đạo các cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản cơ quan báo chí cũng là điều quan trọng, lãnh đạo cơ quan báo chí phải thông qua chiến dịch, có tư duy về chuyển đổi số thì mọi thứ mới có thể được tiến hành.
Nhà báo Trần Anh Tú cũng mong muốn cơ quan quản lý Nhà nước hỗ trợ mở các lớp tập huấn chuyển đổi số cho lãnh đạo cơ quan báo chí và thậm chí cả cơ quan chủ quản. Bởi lãnh đạo phải có tư duy thì mới thực hiện tốt chuyển đổi số được.
Bên cạnh đó, các phóng viên, những người làm báo trực tiếp cũng cần phải được đào tạo bồi dưỡng để tạo ra các bài báo được lập trình một cách nghiêm túc. Bởi chuyển đổi số là sự chuyên nghiệp của các nhà báo và ứng dụng công nghệ sẽ mang đến cho độc giả một tác phẩm báo chí toàn diện.
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cũng chia sẻ, chuyển đổi số là một xu thế ảnh hưởng đến tất cả mọi mặt của đời sống xã hội. Báo chí phải đi đầu, vì muốn truyền thông chuyển đổi số cho toàn bộ xã hội thì báo chí đóng một vai trò rất quan trọng.
Theo ông, để hỗ trợ cho các cơ quan báo chí chuyển đổi số, Bộ TT&TT đã có những chính sách trao đổi với các nhà mạng, các nhà quảng cáo Việt Nam để nâng giá trị quảng cáo. Đồng thời cũng nghiên cứu kiện toàn các văn bản quy phạm pháp luật để phù hợp với thực tiễn.
Các cơ quan báo chí cần phải đi cùng nhau, thật sự đoàn kết tập hợp nhau lại để cùng có những định hướng phát triển. Tổng biên tập các báo cũng cần thay đổi, không chỉ tăng doanh thu bằng các cách truyền thống, mà cần có động lực cho thay đổi. Sau khi tập hợp nhau lại Bộ TT&TT sẽ cùng với Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam và các cơ quan báo chí thực hiện các giải pháp đồng bộ nâng giá quảng cáo trên không gian mạng từ đó góp phần tăng doanh thu cho các cơ quan báo chí.
Được biết, trong thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục hỗ trợ các cơ quan báo chí chuyển đổi số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành tác nghiệp thông qua ứng dụng nền tảng quản lý tòa soạn điện tử tại các cơ quan báo chí. Trong đó, ưu tiên hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ trong chuyển đổi số lĩnh vực báo chí qua các chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia.
Chuyển đổi số là sự lựa chọn của nhiều cơ quan đơn vị báo chí, tuy nhiên một câu hỏi khá lớn là rất ít cơ quan xác định mục tiêu thật sự của chuyển đổi số là gì, nghĩa là sau khi chuyển đổi số xong, ứng dụng các công nghệ tiếp cận bạn đọc xong sẽ tiếp tục làm gì?
Nếu như trước đó phần áp dụng công nghệ số vào từng khâu của quá trình sản xuất báo chí, các cơ quan báo chí xác định được mục tiêu rất rõ ràng. Trong lĩnh vực phát thanh truyền hình, nhiều đài cũng có một lộ trình chuyển đổi số trong toàn bộ lĩnh vực này. Như việc đưa vào số hóa dữ liệu, hình ảnh, nâng cao chất lượng sản phẩm, phân phối sản phẩm đến các nền tảng mạng xã hội…
Ở góc nhìn xa hơn, nhà báo Nguyễn Kim Khiêm - Tổng Giám đốc Đài PT-TH Hà Nội chia sẻ: tôi thấy rằng ở mục tiêu xa hơn chúng ta không xác định được một cách rõ ràng. Tôi thấy nhiều cơ quan báo chí bị cuốn vào guồng như nhiều cơ quan báo chí khác, như thay đổi ứng dụng website có giao diện đẹp, ứng dụng APP, long-form, e-magazine hay megastory, lập fanpage, lập các kênh youtube, nhưng sau khi lập xong liệu có kéo được bạn đọc, công chúng đến với báo nhiều hơn không và có duy trì được không. Vấn đề chính không phải chúng ta có thể chuyển đổi số được hay không mà là chúng ta chuyển đổi số rồi thì làm sao nữa?
Lấy dẫn chứng từ thực tế sự phát triển của báo in, nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, khi mà hiện nay quảng cáo báo in đang ngày một sụt giảm thì việc chuyển đổi số báo chí là cần thiết và cấp bách. Việc chuyển đổi số sẽ đa dạng được các nguồn thu, đa dạng việc kinh doanh dịch vụ dữ liệu, PR, truyền thông…
Thực tế ở nhiều cơ quan báo chí nước ngoài, chính quyền sẽ đứng ngoài cuộc trong việc hỗ trợ các cơ quan báo chí, nhưng trong nước Bộ TT&TT sẽ làm công việc gợi mở, gợi ý các cơ quan báo chí chuyển đổi số và sẽ làm tuỳ từng nhu cầu của các cơ quan báo chí. Và Hội Nhà báo Việt Nam luôn đồng hành cùng các cơ quan báo chí, mở các lớp đào tạo, hiện nay trung bình mở ra khoảng 100 đến 120/năm cuộc đào tạo khác nhau, nhưng những chương trình đào tạo liên tục sẽ được đổi mới để đáp ứng với nhu cầu thực tế hiện nay.
Nhấn mạnh về vai trò không thể thay thế của chuyển đổi số, nhà báo Lê Quốc Minh cho rằng: “Không chuyển đổi số là chết, vì độc giả đang chạy khỏi các nền tảng truyền thống, mình sẽ buộc phải đi đến các nền tảng mới. Báo chí bị thu hẹp thậm chí chết đi, thì sẽ hạn chế việc tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, không nuôi sống được đội ngũ người làm báo. Khi độc giả chuyển đổi cách tiếp cận thông tin chúng ta phải đuổi theo thậm chí là đón đầu”.
Về các giải pháp trong thời gian tới, kể cả sau khi thực hiện chuyển đổi số, nhà báo Lê Quốc Minh chia sẻ: Các cơ quan báo chí cần có tư duy sản phẩm, nếu cứ sản xuất theo số lượng như những dòng suối, dòng thác, hôm nay trăm tin, mai trăm ảnh, video thì sẽ mãi mãi như vậy, không thu hút được độc giả nữa. Cách thức làm báo trong tương gần sắp tới phải thay đổi nhiều, đó là từ nhận thức và hành vi của độc giả thay đổi nên chúng ta phải thay đổi, trước đây độc giả thụ động tiếp nhận thông tin, mua tờ báo, bật ti vi đúng giờ lên mạng tìm kiếm web… nhưng giờ tin tự đi tìm độc giả, chứ độc giả không đi tìm tin.
“Nên có sản phẩm này sản phẩm kia, tạo điểm nhấn thu hút, chúng ta không thể sản xuất hàng ngày nhiều bài đặc biệt như vậy, nhưng lâu lâu có những bài viết chuyên sâu, để tạo điểm nhấn. Sau khi chúng tôi có những sản phẩm như vậy, khách hàng biết đến và có thể hợp tác, chúng tôi hoàn toàn có thể áp được mức giá cao. Thay vì những bài PR thông thường với chi phí thấp, chúng tôi có thể sản xuất những bài có quy mô hơn, giá cao gấp nhiều lần hơn, đó là những bài báo chí thực thụ”, nhà báo Lê Quốc Minh chia sẻ thêm.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm