Thị trường hàng hóa
Chiều ngày 7/7, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã tham dự Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm ngành tài chính. Tại hội nghị, Phó Thủ tướng biểu dương nỗ lực, quyết tâm của toàn ngành để đạt được kết quả tích cực trong việc thực hiện nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2022.
Theo đó, trong 6 tháng đầu năm, Bộ Tài chính đã hoàn thành 15/18 đề án nhiệm vụ được giao và chủ động đề xuất cấp có thẩm quyền kịp thời ban hành các chính sách miễn, giảm, giãn thuế, tiền thuê đất, phí và lệ phí nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân. Kết quả thực hiện các chính sách miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất trong 6 tháng đầu năm thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế đạt khoảng 39,8 nghìn tỷ đồng.
Trong đó, số tiền gia hạn khoảng 7,4 nghìn tỷ đồng, bằng 5,5% số dự kiến gia hạn (135 nghìn tỷ đồng) khi xây dựng chính sách; số tiền miễn, giảm khoảng khoảng 32,4 nghìn tỷ đồng, bằng 35,8% trên tổng số dự kiến miễn, giảm (90,5 nghìn tỷ đồng) khi xây dựng chính sách. Tính cả 6,1 nghìn tỷ đồng số tiền miễn, giảm theo Nghị quyết số 406, chính sách ban hành từ năm 2021, thì tổng số tiền đã thực hiện miễn, giảm, gia hạn khoảng 45,9 nghìn tỷ đồng.
Trong thời gian qua, thị trường xăng dầu thế giới diễn biến phức tạp, giá xăng dầu tăng mạnh, gây áp lực lên lạm phát và hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân. Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 18/2022 giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn.
Đối với nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước (NSNN), lũy kế đến hết tháng 6, thu NSNN ước đạt 941,3 nghìn tỷ đồng, bằng 66,7% dự toán, trong đó: thu nội địa đạt 63,6%, thu từ dầu thô đạt 125,6%, thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 79,4% dự toán. Theo phân cấp, thu ngân sách trung ương đạt 66,4% dự toán, thu ngân sách địa phương đạt xấp xỉ 67% dự toán.
Nhờ chủ động trong điều hành, các nhiệm vụ chi ngân sách trong 6 tháng được thực hiện theo dự toán, tổng chi NSNN 6 tháng đầu năm ước đạt 713 nghìn tỷ đồng, bằng 40% dự toán. Trong đó chi đầu tư phát triển đạt 28,6%, chi thường xuyên đạt 45,8%, chi trả lãi đạt 50,1% dự toán.
Trong 6 tháng đầu năm, Bộ Tài chính tăng cường quản lý nhà nước đối với thị trường tài chính, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp; điều hành giá cả, thị trường phù hợp với tình hình thực tế. Tính đến hết ngày 30/6/2022, cả nước đã thực hiện phát hành 69 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, với kỳ hạn bình quân 14,75 năm, lãi suất bình quân 2,45%/năm, thị trường bảo hiểm có nhiều khởi sắc, tổng doanh thu phí bảo hiểm 6 tháng đầu năm tăng 14,25% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, nhờ các kết quả đạt được trong quá trình khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam trở thành 1 trong 2 nền kinh tế trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương được Tổ chức S&P nâng mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn lên mức BB+ “Triển vọng Ổn định”.
Chia sẻ về nhiệm vụ Tài chính - Ngân sách trong 6 tháng cuối năm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, nhiệm vụ của ngành Tài chính khá nặng nề vì yêu cầu giảm thuế nhưng vẫn phải cân đối được thu ngân sách. Để hoàn thành kế hoạch được giao đòi hỏi ngành Tài chính phải nỗ lực xây dựng và sửa các văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp với thực tế.
Đồng thời, ngành cũng cần xây dựng các kịch bản điều hành toàn diện. Trong đó, Bộ Tài chính quyết tâm nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách, đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư công, đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp; tăng cường tuyên truyền và phối hợp với các Bộ, ngành để thúc đẩy nền kinh tế phát triển.
Với mức tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 6,42%, để đạt được mức tăng trưởng cả năm 6,5%, các ngành, các cấp từ trung ương đến địa phương cần tiếp tục nỗ lực, tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, phấn đấu đạt cao nhất mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và NSNN đã đề ra. Do đó, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp chính sách tài khóa, tiền tệ thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Những giải pháp trọng tâm trong 6 tháng cuối năm sẽ tập trung vào các tiêu điểm bao gồm:
Thứ nhất, Bộ cần triển khai kịp thời, trọng tâm, trọng điểm các giải pháp chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu hoàn thành và vượt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022 đã đề ra.
Thứ hai, các cơ quan chức năng thuộc Bộ Tài chính nhanh chóng xây dựng, hoàn thiện thể chế, các đề án tài chính - NSNN theo chương trình công tác của Chính phủ và yêu cầu thực tế, đảm bảo yêu cầu về thời hạn, chất lượng, khả thi, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh.
Thứ ba, Bộ sẽ tổ chức thực hiện các luật thuế và nhiệm vụ thu NSNN năm 2022; phấn đấu thu vượt mức dự toán Quốc hội quyết định; tăng cường công tác quản lý thu, nắm chắc nguồn thu trên địa bàn để có giải pháp phù hợp với từng lĩnh vực, đối tượng thu.
Thứ tư, Bộ Tài chính cam kết điều hành chi NSNN năm 2022 theo dự toán, chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, đảm bảo nguồn lực cho phòng, chống dịch Covid-19, hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Thứ năm, Bộ đẩy mạnh tái cấu trúc, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập; nâng cao hiệu quả hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, bảo đảm dự toán thu và giảm áp lực chi NSNN.
Thứ sáu, phát triển bền vững, vận hành an toàn, thông suốt thị trường tài chính và dịch vụ tài chính; thực hiện quản lý giá theo nguyên tắc thị trường, kiểm soát lạm phát, ổn định các cân đối lớn, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Thứ bảy, Bộ Tài chính siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch và đẩy mạnh hoạt động kiểm tra chống buôn lậu, gian lận thương mại của Ban chỉ đạo 389 quốc gia để chống buôn lậu, gian lận thương mại; thực hiện nghiêm các kết luận thanh tra, kiểm toán.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm