Thị trường hàng hóa
Chuỗi cửa hàng được lấy từ tên của người sáng lập, ông Loi Ah Koon (Ya Kun là tên theo phiên âm tiếng La Tinh từ tên Ah Koon trong tiếng Trung Quốc). Công ty Ya Kun Kaya Toast đã có sự khởi đầu khiêm tốn với một quầy cà phê tại một khu vực ở Singapore vào năm 1944.
Cơ duyên xây dựng công việc kinh doanh của ông Ah Koon bắt đầu từ năm 1926, khi ông mới 15 tuổi từ Trung Quốc sang Singapore và được giới thiệu vào làm trợ lý cho một quán cà phê Đảo Hải Nam. Với đầu óc nhanh nhẹn và nhạy bén, Ah Koon nắm bắt được các mánh khóe buôn bán nhanh chóng.
Ông đã hợp tác với 2 người nhập cư Trung Quốc để bắt đầu kinh doanh quán cà phê tại Telok Ayer Basin. Tuy nhiên, không lâu sau đó các đối tác của ông quyết định tách ra kinh doanh riêng.
Ah Koon vẫn quyết tâm điều hành công việc kinh doanh diễn ra như bình thường. Ban đầu, ông phục vụ cà phê, trà, trứng và bánh mì nướng hướng đến mọi đối tượng khách hàng. Những thương gia, cảnh sát, người lái thuyền đều tận hưởng cuộc sống “húp cà phê nóng trong ống” và nhấm nháp chiếc bánh mì nướng than của Ah Koon.
Sau đó, Ah Koon kết hôn trong một lần về nước ở Trung Quốc. Năm 1936, vợ của Ah Koon cùng ông đến Singapore. Người dân Singapore nói rằng sản phẩm mà Ah Koon cung cấp rất bình dị: bánh mì nướng kẹp với mứt kaya, trứng luộc mềm và cà phê đặc. Nhưng Ah Koon đã xây dựng được tiếng tăm cho cửa hàng nhờ vào chất lượng dịch vụ tốt, mùi hương thức ăn toát ra từ bàn tay vợ ông, từ lọai mứt kaya do chính gia đình ông chế biến và loại cà phê mà Ah Koon đã kì công pha chế với công thức riêng của chính mình.
Sau khi hoạt động hơn 15 năm tại lưu vực Telok Ayer, Ah Koon chuyển địa điểm kinh doanh của mình ở bên kia đường đến Lau Pa Sat. Sau đó quầy hàng được gọi đơn giản là Ya Kun Coffeestall, tên 'Ya Kun' tương đương với bính âm Hán ngữ của “Ah Koon”. Công việc kinh doanh ở Lau Pa Sat đã giúp Ya Kun Coffeestall giành được giải thưởng “Cửa hàng lịch sự nhất ở Lau Pa Sat”. Vào năm 1998, Ya Kun Kaya Toast Coffeestall được định cư tại Quảng trường Viễn Đông.
Sau 60 năm lao động, ông Ah Koon bị ốm và khó có thể quay trở lại công việc. Andrin Loi, con trai của ông Ah Koon cảm thấy sẽ rất đáng tiếc nếu việc kinh doanh của gia đình bị mất đi. Khi ấy, phần lớn anh chị em của ông đều đã lớn tuổi và không muốn tiếp quản cửa hàng.
Loi cùng người anh Algie quyết định xin phép cha tiếp tục kinh doanh. Sau khi tiếp quản cửa hàng, Loi và anh trai cũng phải chuyển địa điểm hiện tại do khu này bị phá đi xây công trình khác. Họ đặt lại tên cửa hàng là Bánh mì Kaya của Ya Kun và vay 10.000 đôla Singapore (8.000 USD) để duy trì việc kinh doanh.
Sau đó, Loi nộp đơn xin hỗ trợ từ Chính phủ Singapore. Việc này đã cho phép ông tìm hiểu cơ hội nhượng quyền. Loi cho rằng quyết định này đã giúp ông thành công, khi họ nhận được tới 400 lời đề nghị nhượng quyền chỉ trong 6 tháng.
Kể từ đó, ông đã phát triển việc kinh doanh ra hơn 50 cửa hàng Ya Kun tại Singapore, cũng như 49 cửa hàng khác trên toàn cầu, từ Indonesia đến Abu Dhabi. Năm ngoái, doanh thu của họ đạt gần 25 triệu đô la Singapore (gần 20 triệu USD), tăng gấp hơn 20 lần so với thời mới tiếp quản.
Loi cho rằng sự độc đáo trong thói quen ăn uống của người Singapore đã khiến chuỗi cửa hàng thành công. Tại Singapore, phần lớn mọi người ăn 5 bữa mỗi ngày. Họ ăn bữa sáng, trưa, ăn nhẹ buổi chiều, tối và ăn trước khi ngủ. Vì thế, tần suất khách hàng quay lại cửa hàng Ya Kun rất nhiều.
Hiện thói quen khởi động buổi sớm mai bằng vài lát kaya toast (bánh mì nướng kaya) được gọi là bữa sáng đặc trưng của người Singapore. Để xứng đáng với danh tiếng của công ty, Ya Kun đã tiếp tục giữ lại những cảm nhận truyền thống từ quầy cà phê đầu tiên bằng việc trang bị các cửa hàng nhiều bộ bàn ghế gỗ truyền thống duyên dáng. Loi cũng mở rộng thực đơn sang các món như mì, đồ ăn trưa, các loại bánh mì và cà phê khác nhau.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm