Thị trường hàng hóa
Trong 68 năm qua (27/2/1955 - 27/2/2023), ngành y tế Việt Nam có những bước tiến dài trong chuyên môn, ở những lĩnh vực đòi hỏi kỹ thuật rất cao đội ngũ y, bác sĩ Việt Nam đã gặt hái được những thành tựu rất đáng tự hào.
Minh chứng sinh động nhất, mới đây Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức đã thành công trong việc ghép đa tạng cho một bệnh nhân ở Gia Lai. GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, ghép đa tạng - tức là cùng lúc ghép từ 2 tạng trở lên cho một người bệnh, là phẫu thuật rất khó và phức tạp. Ở Việt Nam mới thực hiện thành công được 3 ca ghép đa tạng.
Đây là ca ghép đa tạng thành công lần thứ 4 ở Việt Nam nhưng là ca ghép đa tạng gồm tim và thận đầu tiên ở Việt Nam. “Thành công này khẳng định một bước tiến mới của ngành ghép tạng Việt Nam đúng dịp kỷ niệm lần thứ 68 Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2” - Giáo sư Trần Bình Giang tự hào.
Cũng theo Giáo sư Trần Bình Giang, thành công của ca ghép đa tạng chính là món quà mà bệnh viện gửi tới tất cả người bệnh, người dân để có thêm niềm tin vào sự phát triển y tế chuyên sâu của nước ta cũng như đội ngũ nhân viên y tế trong toàn ngành, mặc dù trong hoàn cảnh khó khăn vất vả hiện nay nhưng các y bác sĩ trên cả nước vẫn luôn cố gắng đưa những tiến bộ kỹ thuật mới để cứu sống người bệnh.
Không chỉ làm chủ trong kỹ thuật ghép đa tạng, mà nhiều nhiều kỹ thuật đòi hỏi phức tạp không kém cũng được đội ngũ y, bác sĩ Việt Nam thực hiện một cách thuần thục mà ngành tim mạch là một minh chứng.
Theo nhận định của các chuyên gia, hiện nay kỹ thuật khám chữa bệnh tim mạch ở Việt Nam tiệm cận trình độ ngang bằng thế giới, người dân Việt Nam không còn cần phải ra nước ngoài chữa bệnh.
PGS.TS. Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia - Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ: “Cho đến giờ phút này, chúng tôi có thể khẳng định Viện Tim mạch quốc gia - Bệnh viện Bạch Mai luôn đi đầu trong việc triển khai các kỹ thuật cao trong điều trị tim mạch. Chúng tôi đã và đang tiệm cận được với các kỹ thuật tiên tiến trên thế giới chứ không chỉ riêng trong khu vực”.
Theo đó, tim mạch được chia thành ba lĩnh vực chính: Lâm sàng nội khoa tim mạch; ngoại khoa tim mạch và tim mạch can thiệp. Hiện nay, Bệnh viện Bạch Mai đã phát triển rất mạnh, đồng đều cả ba lĩnh vực, nhưng theo xu thế phát triển của thế giới thì lĩnh vực tim mạch can thiệp cũng được chúng ta chú tâm và phát triển nổi trội hơn cả.
Trong những năm gần đây, lượng người Việt Nam ra nước ngoài chữa bệnh liên quan đến các vấn đề về tim mạch giảm, từ các vị lãnh đạo cao cấp, các bệnh nhân có điều kiện kinh tế đến những người dân Việt Nam nói chung đã có niềm tin vào chuyên ngành tim mạch của nước nhà.
Có thể nói, chuyên ngành tim mạch Việt Nam đã xây dựng được trình độ chuyên môn tốt, kỹ thuật tốt, sánh vai với các nước, tạo được niềm tin cho người dân, khiến người dân tin tưởng và chữa bệnh trong nước. Sự phát triển này đã đáp ứng chủ trương của Chính phủ là không để người dân phải ra nước ngoài chữa bệnh.
PGS.TS Phạm Mạnh Hùng tự hào cho biết: Viện Tim mạch quốc gia - Bệnh viện Bạch Mai không chỉ khẳng định vị thế là đơn vị đầu ngành trong cả nước mà còn có thể chia sẻ kinh nghiệm với các nước trong khu vực và trên thế giới.
“Chúng tôi không chỉ đào tạo nguồn nhân lực tim mạch nói chung mà còn đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực tim mạch can thiệp cho các đồng nghiệp trong nước. Bên cạnh đó, chúng tôi còn góp phần chia sẻ, đào tạo một số lĩnh vực về tim mạch cho các trung tâm tim mạch trên thế giới. Trước đây, chúng ta luôn trong tâm thế là đi học của nước ngoài” - PGS.TS Phạm Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Cũng theo vị này: Bây giờ, chúng ta vẫn học tập, không ngừng trao đổi kinh nghiệm nhưng bên cạnh đó, Viện Tim mạch đã phát triển một số kỹ thuật mới khiến một số trung tâm lớn trên thế giới đến với chúng ta để được chia sẻ và hướng dẫn. Ví dụ như, chúng ta có thể chia sẻ về lĩnh vực can thiệp tim bẩm sinh, can thiệp bệnh lý van tim như nong van hai lá, can thiệp các bệnh lý động mạch chủ, đặt stent graft...
Điều đó được thể hiện qua việc hàng chục năm nay, đội ngũ bác sĩ tim mạch chúng tôi luôn được mời là những báo cáo viên, những chủ tọa đoàn, thậm chí là đồng trưởng ban tổ chức các chương trình hội nghị chuyên ngành quốc tế lớn.
Làm chủ kỹ thuật ghép tạng, chữa trị các bệnh về tim mạch… cùng nhiều chuyên ngành kỹ thuật cao khác đã được đội ngũ các nhà khoa học, các bác sĩ Việt Nam làm chủ.
Hiện tại một số bệnh viện đã đạt được chứng chỉ chất lượng quốc tế, một số bệnh viện có trung tâm đột quỵ đã đạt được chứng nhận chất lượng “vàng, kim cương” của thế giới.
Các cơ sở khám chữa bệnh triển khai nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh trực tuyến, từ xa, kết nối 30 bệnh viện tuyến trên với 1.500 cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc, kể cả vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo.
Những bước tiến dài trong sự phát triển về chuyên môn của đội ngũ y bác sĩ Việt Nam là điều rất tự hào, minh chứng cho sự vượt khó vươn lên, tâm huyết của ngành y tế đối với người bệnh.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm