Thị trường hàng hóa
Du lịch chăm sóc sức khỏe (hay còn gọi là du lịch Wellness) đây là hình thức du lịch kết hợp giữa tham quan, khám phá địa đểm thắng cảnh kết hợp với ngành chăm sóc sức khỏe giúp cải thiện tâm trạng, chữa lành những tổn thương thể chất và tinh thần. Mặc dù mô hình này không mới nhưng những năm gần đây, xu hướng du lịch sức khỏe ngày càng phát triển mạnh. Hình thức du lịch mới này đã và đang đóng góp một phần quan trọng trong ngành kinh tế chăm sóc sức khỏe toàn cầu. Trong đó ngành spa thu về hơn 94 tỷ USD và ngành công nghiệp suối khoáng thu về hơn 50 tỷ USD.
Theo Global Data, đây là thị trường khách du lịch có tốc độ phục hồi nhanh nhất và có thể phục hồi hoàn toàn vào cuối năm 2022 với số lượng khách du lịch chữa bệnh bằng năm 2019. Một số quốc gia trên thế giới đã nhanh chóng xúc tiến quảng bá ngay các sản phẩm du lịch này cùng với khi mở cửa du lịch quốc tế như Ấn Độ, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ…
Nhiều chuyên gia dự báo, trong thời gian tới, xu hướng du lịch sẽ có sự thay đổi rõ rệt. Những chuyến đi dài ngày của du khách sẽ không chỉ là tham quan đơn thuần mà còn là du lịch tận hưởng kết hợp chăm sóc, cải thiện sức khỏe.
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cũng khẳng định năm 2022 có xu hướng tăng lên về nhu cầu sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, du lịch xanh, du lịch sinh thái, nhu cầu về du lịch chữa bệnh, du lịch chăm sóc sức khỏe. Đặc biệt, nhu cầu về phục hồi sức khỏe và du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch chữa bệnh sẽ tăng lên trong năm 2022 và những năm tiếp theo do nhiều người mắc các triệu chứng hậu COVID-19.
Không chỉ đón lượng khách du lịch chăm sóc sức khỏe ngày càng cao, theo thống kê của Viện Nghiên cứu Sức khỏe Toàn cầu, trong năm 2013, ước tính 87% các chuyến du lịch chăm sóc sức khỏe là của khách du lịch coi đây là mục đích phụ, chiếm 84% tổng doanh thu của loại hình du lịch này trên toàn thế giới.
Khách du lịch đi chăm sóc sức khỏe có thể chia thành hai nhóm, bao gồm khách du lịch có mục đích chính và khách du lịch có mục đích phụ là chăm sóc sức khỏe. Bên cạnh những khách du lịch lựa chọn điểm đến với mục đích duy nhất hoặc mục đích chính là để duy trì và cải thiện sức khỏe bản thân, có những khách du lịch coi chăm sóc sức khỏe là mục đích phụ, họ tham gia vào các hoạt động chăm sóc và duy trì sức khỏe trong quá trình đi du lịch.
Những du khách chọn hình thức du lịch này nhìn chung có mức chi tiêu cao. Chi tiêu của khách du lịch quốc tế là 1.639 USD/ chuyến du lịch nghỉ dưỡng, cao hơn 65% so với mức chi tiêu bình quân của khách du lịch quốc tế. Chi tiêu của khách du lịch nội địa khoảng 688 USD/ chuyến du lịch, bằng 150% so với mức chi tiêu bình quân của khách du lịch nội địa (Viện Nghiên cứu Sức khỏe Toàn cầu, 2013).
Theo một cuộc khảo sát gần đây từ American Express được đăng tải trên Forbes cũng cho thấy, 70% người được hỏi cho biết họ đang thực hiện nhiều mục tiêu gắn liền với sức khoẻ hơn những năm trước đại dịch; 76% muốn chi tiêu nhiều hơn cho việc đi du lịch để cải thiện sức khoẻ và 55% sẵn sàng trả thêm tiền cho các hoạt động chăm sóc sức khoẻ trong các kỳ nghỉ tương lai.
Thị trường khách du lịch chăm sóc sức khỏe hiện nay chủ yếu là những người trung niên, có mức thu nhập cao, có trình độ. Do đó, đây chính là cơ hội mới để ngành du lịch các nước đề ra mục tiêu tăng doanh thu mạnh mẽ từ nay đến cuối năm. Biết cách kết hợp khéo léo giữa hình thức chăm sóc sức khỏe với vẻ đẹp độc đáo của các di tích, thắng cảnh sẽ giúp doanh nghiệp thu về lợi nhuận lớn từ những khách hàng sẵn sàng chi tiêu cho hoạt động tự chữa lành về thể chất và tinh thần.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm