Thị trường hàng hóa
Với chủ đề “Tái thiết ngành du lịch… Kiên cường phục hồi du lịch”, theo Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Diễn đàn du lịch Mê Kông sẽ là sự kiện tương tác đầu tiên quy tụ các nhà lãnh đạo và chuyên gia du lịch khu vực công và tư thuộc Tiểu vùng Mê Kông kể từ khi dịch Covid-19 làm gián đoạn ngành du lịch.
Đồng thời, diễn đàn hướng tới thúc đẩy hành động thực tế và xây dựng ngành du lịch Tiểu vùng Mê Kông tự cường, toàn diện, bền vững và thành công hơn.
Tại diễn đàn, các diễn giả sẽ tập trung vào việc phục hồi du lịch sau Covid-19, chuyển đổi kỹ thuật số, nội địa hóa chuỗi cung ứng, mô hình kinh doanh doanh nghiệp xã hội và các phương pháp hay nhất để ngành du lịch phục hồi, đặc biệt là sử dụng các công nghệ mới nhất.
Các chủ đề trao đổi tại diễn đàn sẽ bao gồm các xu hướng lớn ảnh hưởng đến sự phục hồi của ngành du lịch. Các thành viên tham gia thảo luận và các chuyên gia sẽ đề xuất các chính sách, quy định và đầu tư cần thiết để khôi phục hoạt động du lịch và lữ hành; các giải pháp dựa trên tự nhiên và áp dụng công nghệ.
Theo đại diện Tổng cục Du lịch, đây là cơ hội rất lớn để quảng bá du lịch Quảng Nam nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung. Đặc biệt hơn, đây là diễn đàn đầu tiên diễn ra từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát nên nếu làm tốt sẽ lan tỏa hình ảnh du lịch Việt Nam mới mẻ, thân thiện hậu đại dịch.
Được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1996, Diễn đàn du lịch Mê Kông là sự kiện thường niên do lãnh đạo chính phủ dành riêng cho ngành du lịch ở Tiểu vùng Mê Kông mở rộng (GMS). Sự kiện cung cấp một nền tảng hợp tác cho các bên liên quan đến du lịch và lữ hành để thảo luận về phát triển du lịch trong khu vực, cùng với việc tiếp thị và quảng bá du lịch đến, đi và trong GMS.
Tiểu vùng Mê Kông mở rộng bao gồm Campuchia, Trung Quốc (cụ thể là các tỉnh Vân Nam và Quảng Tây), Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam. Năm 1992, với sự hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), sáu quốc gia đã tham gia vào một chương trình hợp tác kinh tế tiểu vùng nhằm tăng cường quan hệ kinh tế.
Với sự hỗ trợ của ADB và các nhà tài trợ khác, Chương trình GMS hỗ trợ việc thực hiện các dự án tiểu vùng có mức độ ưu tiên cao trong lĩnh vực nông nghiệp, năng lượng, môi trường, y tế và phát triển nguồn nhân lực, công nghệ thông tin và truyền thông, du lịch, giao thông vận tải và thuận lợi hóa thương mại, và phát triển đô thị.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm