Thị trường hàng hóa
Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội (LĐ-TB&XH) cho biết, nhu cầu tuyển dụng năm nay của các doanh nghiệp là gần 1,3 triệu lao động, tăng 18% so với năm 2021.
Về chất lượng, cung lao động chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của các doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi kinh tế, đặc biệt đối với lao động có trình độ chuyên môn cao.
Về số lượng, cung lao động được ghi nhận đang thiếu hụt lao động phổ thông ở ngành dệt may, lắp ráp linh kiện điện tử, chế biến gỗ và một số ngành bị tác động mạnh, phải dừng hoạt động dài như du lịch, giáo dục...
Như tại thị trường lao động lớn nhất cả nước là TP HCM, nhu cầu nhân lực trong những tháng cuối năm cần khoảng 135.000 chỗ làm việc (trong đó nhu cầu nhân lực trong các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao khoảng 20.000 - 25.000 chỗ làm việc).
Nhu cầu nhân lực tập trung ở khu vực thương mại - dịch vụ chiếm 65,41% tổng nhu cầu nhân lực, khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 33,63% và khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 0,96%.
Nhu cầu cao trong tuyển dụng lao động tập trung để đáp ứng các đơn hàng hoặc mở rộng quy mô sản xuất đã làm xuất hiện tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ ở một số thời điểm tại các xí nghiệp, nhà máy có sử dụng nhiều lao động.
Nguyên nhân dẫn đến vấn đề khó khăn trong tuyển dụng lao động, theo Bộ LĐ-TB&XH, hiện nay, các tỉnh đều có các khu công nghiệp, do đó người lao động có nhiều lựa chọn trong tìm kiếm việc làm cũng như tiền lương, thu nhập không có sự chênh lệch nhiều giữa làm việc tại quê nhà với thành phố.
Chính sách thu hút lao động mới tại các doanh nghiệp cũng chưa hấp dẫn người lao động, tiền lương khởi điểm bắt đầu vào làm việc thấp - bình quân từ 6 triệu đồng trở lên (nếu người lao động không làm thêm giờ).
Trong thời gian qua, số lượng lao động được tuyển vào để bù đắp cho số lao động nghỉ việc trong năm nên nguồn lao động phục vụ cho mở rộng quy mô sản xuất còn thiếu.
Bên cạnh đó, người lao động có nhu cầu được học tập nâng cao nghề nghiệp, nhu cầu nghỉ ngơi. Tuy nhiên, khi làm việc trong một số lĩnh vực may mặc, da giày, điện - điện tử, chế biến thực phẩm... bắt buộc người lao động phải làm việc theo ca kíp, đội nhóm cũng là hạn chế khi thu hút người lao động vào làm việc.
Dưới góc độ đại diện cho người lao động, trao đổi với PV báo Nhà báo & Công luận, TS. Phạm Thị Thu Lan - Phó viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho biết, nhiều người lao động không yên tâm trụ lại thành phố vì không có tích luỹ trong quá trình làm việc, kể cả những người làm lâu năm.
Đặc biệt, chi phí sinh hoạt tăng, cộng thêm các chi phí phát sinh vì dịch bệnh đã trở thành gánh nặng cho người lao động. Theo khảo sát của Viện Công nhân Công đoàn, có trên 50% người lao động phải cắt giảm chi tiêu, thậm chí là gộp bữa ăn trong ngày.
Theo TS. Phạm Thị Thu Lan, doanh nghiệp cần có tư duy phát triển bền vững, chú trọng tới việc nâng cao đời sống của người lao động. Cần tạo môi trường làm việc an toàn vệ sinh lao động và phòng chống dịch hiệu quả.
Để thu hút và giữ chân người lao động ở lại làm việc với mình, các doanh nghiệp cũng cần thực hiện đúng các quy định của pháp luật về chế độ lương, thưởng; chú trọng, điều chỉnh các chính sách, các chế độ đãi ngộ hấp dẫn hơn, để người lao động yên tâm làm việc.
TS Phạm Thị Thu Lan cho rằng, đảm bảo chế độ phúc lợi, an sinh xã hội và an toàn sức khỏe cho người lao động là giải pháp đúng đắn và kịp thời nhất để thu hút và giữ chân người lao động
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần rà soát lại trình độ năng lực lao động và có kế hoạch đào tạo lại, đào tạo nâng cao một số nguồn nhân lực cho phù hợp với nhu cầu chuyển dịch sản xuất sau đại dịch. Điều này không chỉ tạo sự gắn bó, tin tưởng của người lao động đối với doanh nghiệp mà còn thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, nhất là khi Việt Nam tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm