Thị trường hàng hóa
Ghé thăm vùng đất cổ Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) những ngày này, nhắc tới nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát (SN 1983) với bộ sưu tập 2023 chú mèo sơn mài ai nấy đều biết và tỏ ra vô cùng thích thú. Nhiều năm gần đây, anh là một trong số ít những nghệ nhân, liên tục giới thiệu tới những người yêu nghệ thuật các tác phẩm sơn mài mang đậm hơi thở dân gian truyền thống.
Chia sẻ về con đường sáng tạo nghệ thuật, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát tâm sự: “Từ nhỏ, mình đã được theo ông nội đi vẽ tượng, đắp tượng ở các đền, chùa nên niềm đam mê văn hóa truyền thống đã ăn sâu vào tiềm thức của mình, đặc biệt là sơn mài. Hơn nữa sơn mài Việt Nam đã trải được các thế hệ tìm tòi, thể nghiệm, sáng tạo. Đây cũng được xem là loại chất liệu được coi là thuần Việt nhất. Bản thân mình cũng theo đuổi sáng tác với chất liệu sơn mài suốt hơn 20 năm qua”.
Ai đó yêu mến Phát đều có thể cảm nhận rất rõ, gỗ và sơn mài không chỉ là nguyên liệu, phương tiện để anh làm ra dấu vết của mình. Nó còn khiến tác phẩm của Phát bất chấp nắng mưa, sự khắc nghiệt của thời gian. Và quan trọng hơn cả nó cho phép tác giả đối thoại với người thưởng lãm một cách vô cùng chân thực. Từ cảm giác gai gai trên đầu ngón tay tới từng nhát đục trên tác phẩm và cả sự mát rượi, mịn màng của những chi tiết hoa văn.
Phát làm sơn mài theo cách và chất truyền thống, tức là sơn mài để tạo ra hồn cốt, ra thẩm mỹ chứ không phải mài để sơn lên như sơn ô tô, xe máy…. Sơn mài càng kỳ công, chất liệu càng tốt thì tạo ra sản phẩm càng giá trị. Thế là, nghệ thuật sơn mài đã kén người chơi, lại còn tiếp tục tạo ra những phân khúc riêng của nó.
Cách đây 2 năm, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát lên ý tưởng mỗi năm, anh sẽ ra mắt bộ sưu tập linh vật tương ứng với con giáp của năm đó. Năm 2023 - năm Quý Mão, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát tiếp tục thực hiện bộ sưu tập 2023 tác phẩm về mèo. Sự đồ sộ và tính độc bản gây ấn tượng mạnh mẽ với giới sưu tầm và những ai yêu mến nghệ thuật điêu khắc, sơn mài.
Quy trình sáng tác chính là điểm chung duy nhất của hơn một nghìn tác phẩm này! Đầu tiên người nghệ sĩ cần lên ý tưởng và phác họa hình tượng trên giấy. Công đoạn đục đẽo tạo hình trên gỗ sẽ chiếm thời gian hơn cả, rồi phủ nhiều lớp sơn. Cuối cùng là đánh bóng và trang trí hoa văn để chuyển tải trọn vẹn thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm tới người xem. Trong quá trình đó việc sử dụng chất liệu khảm như vỏ trứng, vỏ trai, dát vàng, dát bạc sẽ vừa lưu giữ được nét đẹp truyền thống của dân tộc lại rất thân thiện với môi trường. Nâng niu những chú mèo trên tay, chàng họa sĩ trẻ cười: “Mình quan niệm nghệ thuật là đặt con mắt thẩm mỹ trong những thứ bình dị, nhỏ bé nhất”.
Ở bộ sưu tập mèo năm nay, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát cho biết tác phẩm mất nhiều thời gian nhất của anh là bộ bàn ghế mèo với 7 chiếc ghế mèo và 1 bàn cá, được anh đặt tên là Bữa tiệc ngày xuân. Mỗi chiếc ghế tương ứng với một màu sắc, kiểu dáng hoàn toàn khác biệt để giữ được tính độc bản của từng sản phẩm. Trên chính chiếc ghế, Nguyễn Tấn Phát đưa vào đó một số tranh dân gian Đông Hồ đã được thay đổi kích thước nhằm tăng thêm giá trị, tính thẩm mỹ cho tác phẩm.
“Triết lý làm việc của Phát là nghệ thuật sinh ra để phục vụ con người. Do đó, ngoài trang trí, , tác phẩm phải có công năng sử dụng như ghế, bàn… Gần đây, Phát dành thời gian với các con giáp, vì vào dịp lễ tết, mọi người thường tìm đến con vật cho năm mới. Từ đó, tác phẩm sẽ dễ tiếp cận từng cá nhân, văn hóa cũng vì thế mà dễ lan tỏa”, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát chia sẻ.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm