Thị trường hàng hóa
Theo báo cáo tổng quát về thị trường bất động sản Việt Nam, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam nhận định: Trong 5 năm trở lại đây, do thiếu nguồn cung trầm trọng, giá căn hộ, giá nhà ở tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM liên tục tăng giá.
Cụ thể, kể từ năm 2017 cho tới nay, giá căn hộ tại Hà Nội đã tăng 35%, tương đương 7%/năm. Trong khi đó, giá căn hộ tại TP.HCM đã tăng 70%, tức 14%/năm.
Tuy nhiên, bà Dương dự báo, sau thời gian dài khan hiếm nguồn cung, từ cuối năm 2022 cho tới năm 2025, nguồn cung căn hộ tại TP.HCM và Hà Nội sẽ rất dồi dào. Các chủ đầu tư sẽ tung ra thị trường những dự án mới mà họ đã chào bán.
Dù vậy, bà Dương nhận định, dù nguồn cung rất dồi dào, giá căn hộ tại 2 thành phố này vẫn tăng, nhưng mức tăng không quá cao.
Chẳng hạn, giá trung bình căn hộ ở TPHCM hiện là 58 triệu đồng/m2 nhưng đến năm 2024 chỉ khoảng 62 triệu/m2. Như vậy, có thể thấy rằng, thị trường bất động sản Việt Nam đã có nghịch lý, khi thị trường dồi dào nguồn cung, giá căn hộ vẫn tăng.
Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo và Công luận, ông Nguyễn Trung Tuấn, chuyên gia bất động sản giải thích: Sở dĩ, nguồn cung căn hộ tăng mạnh trong thời gian tới, nhưng giá vẫn tăng là do nhiều yếu tố.
Ví dụ, các yếu tố khách quan như giá vật liệu xây dựng, giá nhân công, giá xăng dầu lên cao cũng làm giá nhà tăng. Hoặc, giá đất cũng đang có xu hướng tăng nhờ hạ tầng được phát triển, hoặc các dự án bán theo đợt sẽ có xu hướng tăng ở giai đoạn sau.
Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất, chính là việc thị trường bị lệch phân khúc. Trong khi căn hộ cao cấp ngày càng nhiều, thì phân khúc bình dân đã biến mất trong 2 năm trở lại đây. Rất có thể, trong vài 2 - 3 năm nữa, phân khúc căn hộ bình dân cũng không còn hiện diện.
“Các dự án mới ra mắt sẽ đi kèm theo nhiều tiện ích mới, nhưng đồng thời sẽ tăng giá theo. Đây cũng là một lý do khiến thị trường có thêm nhiều cung, nhưng giá căn hộ vẫn tăng”, ông Tuấn nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thọ Tuyển, Chủ tịch BHS Group nhận định: Về giá trên thị trường thì giá đang loạn và phụ thuộc vào địa phương và loại hình bất động sản. Giá bán sơ cấp đang đi ngang hoặc tăng. Giá bán thứ cấp có khả năng giảm ở một vài nơi.
Cũng theo ông Tuyển, thanh khoản của thị trường đang mang tính cục bộ khi sản phẩm phục vụ nhu cầu ở thực vẫn ghi nhận giao dịch tốt. Trong khi đó, sản phẩm phục vụ nhu cầu đầu tư thì đang chậm lại. Riêng sản phẩm phục vụ nhu cầu đầu cơ thì mất thanh khoản trên thị trường.
Chủ tịch BHS Group lạc quan cho rằng bức tranh thị trường bất động sản trong thời gian tới sẽ sáng khi pháp lý sẽ dần được tháo gỡ, nguồn vốn tín dụng sẽ từ từ được khơi thông trong năm 2022 và sẽ có room tín dụng mới trong năm 2023. Về mức tăng giá của bất động sản thì những khu vực nóng sẽ giảm nhiệt, những khu vực mới ra hàng sẽ không ghi nhận tình trạng giá giảm.
Theo ông Tuyển, thị trường bất động sản đang trong giai đoạn thanh lọc mạnh. Bối cảnh này là tiền đề để những dòng bất động sản tiềm năng, những chủ đầu tư có tiềm lực và đi đúng hướng, những địa phương có lợi thế bền vững “đứng” được trên thị trường.
"Thị trường sẽ trụ vững qua giai đoạn khó khăn và bật tăng trở lại khi chính sách vĩ mô ổn định và tăng trưởng kinh tế ở mức cao trong vài năm tới", ông Tuyển nói.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm