Thị trường hàng hóa
Cơ thể trẻ trong độ tuổi mầm non đang phát triển mạnh mẽ, hệ thần kinh, cơ xương hình thành nhanh, bộ máy hô hấp đang hoàn thiện, cơ thể trẻ đang còn non yếu dễ bị phát triển lệch lạc, mất cân đối nếu không được chăm sóc giáo dục đúng đắn thì có thể gây nên những thiếu sót trong sự phát triển cơ thể khó có thể khắc phục được.
Tuy nhiên, không phải ba mẹ nào cũng thấu hiểu đặc điểm của thời kỳ đặc biệt này. Tại Việt Nam hiện nay, một trẻ mầm non trung bình chỉ có được khoảng 30 phút để vui chơi vận động ngoài trời mỗi ngày. Thay vào đó, trẻ lại trải qua rất nhiều thời gian trong ngày cùng các thiết bị điện tử hoặc tivi. Điều này hoàn toàn không tốt cho sự phát triển toàn diện của trẻ.
Theo nghiên cứu, phát triển vận động ngoài tăng cường bảo vệ sức khỏe còn góp phần giáo dục cho trẻ mầm non ở các phương diện: nhận thức, tình cảm kỹ năng xã hội, thẩm mỹ, hình thành các phẩm chất nhân cách cần thiết của người lao động ...
Nếu muốn trẻ hình thành thói quen luyện tập, gia đình và nhà trường nên cho trẻ thường xuyên chơi các môn thể thao, hoạt động ngoài trời, chơi các trò chơi đòi hỏi sự vận động của chân tay và khả năng sáng tạo phù hợp lứa tuổi và đúng thời điểm. Bên cạnh đó thì cần lưu ý cho trẻ tập các bài thể dụng buổi sáng hằng ngày, và trong mỗi bài tập sẽ tích hợp nhiều tư thế khác nhau để trẻ phát triển tốt nhất về cơ xương khớp cũng như trí não.
Thể dục buổi sáng hàng ngày có ý nghĩa to lớn với sức khỏe của trẻ. Buổi sáng sau khi ngủ dậy và thực hiện bài tập phù hợp, trẻ tích lũy được sự sảng khoái cho cả ngày. Tập luyện thường xuyên như vậy, các cơ quan cơ thể của trẻ được nâng cao hoạt động, thúc đẩy phát triển những kỹ năng vận động cần thiết, củng cố các nhóm cơ, hình thành tư thế đúng.
Trong giáo dục phát triển vận động lứa tuổi mầm non, vai trò của nhà trường là vô cùng quan trọng, bởi phần lớn thời gian ban ngày trẻ tập trung tại trường. Phát triển vận động trong các cơ sở giáo dục mầm non đã được chú trọng triển khai tại hệ thống các trường trong những năm gần đây. Nhiều trường mầm non đã có những sáng tạo riêng khi tổ chức các hoạt động phát triển vận động cho trẻ.
Cô Phạm Thị Lê Hoàn, Hiệu trưởng Trường Mầm non Lĩnh Nam (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: Ở trường, hằng tuần trẻ được học các tiết học phát triển vận động với nhiều nội dung khác nhau. Cụ thể với trẻ ở lứa tuổi nhà trẻ (từ 24 đến 36 tháng) được tập các động tác phát triển nhóm cơ và hô hấp (các động tác thở, tay, cơ, bả vai, chân…) và các vận động cơ bản (bò, trườn, đi, chạy, ném, bắt…). Trẻ ở độ tuổi mẫu giáo (từ 3 đến 5 tuổi) tập các động tác bàn tay, ngón tay phát triển hoàn thiện, khéo léo… Ngoài ra, các buổi sáng nếu nhà trường đều cho các con tập thể dục tại sân trường nếu thời tiết thuận lợi.
“Ngoài các hoạt động phát triển vận động hàng ngày, căn cứ theo chương trình của quận, chúng tôi sẽ tổ chức những hoạt động có quy mô lớn như Hội khỏe măng non, Ngày hội thể thao của bé tạo sân chơi cho các em học sinh giao lưu, học hỏi, nâng cao kỹ năng sống, thông qua hoạt động giúp các em mạnh dạn và tự tin trong giao tiếp”, cô Phạm Thị Lê Hoàn chia sẻ.
Phát triển vận động trong độ tuổi mầm non được xem như một chương trình giáo dục bắt buộc và cần được tổ chức một cách khoa học, bài bản, thậm chí chuyên sâu nhằm nuôi dưỡng, giáo dục toàn diện đức, trí, thể, mỹ cho trẻ ngay từ nhỏ. Đây là hoạt động giáo dục cần có sự thống nhất giữa nhà trường, gia đình và xã hội.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm