Thị trường hàng hóa
Lướt qua những group liên quan tới vấn đề giao bài tập về nhà cho học sinh tiểu học sẽ thấy, số phụ huynh phản đối và ủng hộ ngang ngửa nhau. Vì sao vậy?
“Không học ở nhà, không ổn”, là nhận xét của cả giáo viên và phụ huynh đối với những học sinh đang học chương trình GD phổ thông 2018 năm học này, mặc dù nhiều gia đình vẫn kêu trời vì phải kèm con học khuya, học đến phát ốm mà còn chưa hết bài. “Cô giao viết 2 trang chính tả, học thuộc lòng bài đọc trên lớp. Ngoài ra, có hôm con phải hoàn thành bài tập môn Đạo đức, Tự nhiên & Xã hội, Công nghệ, Tiếng Anh, vẽ nốt bài tập Mỹ thuật trên lớp… Cuối tuần phiếu bài tập còn dài hơn khiến cho 2 ngày nghỉ trẻ phải bò ra làm mới hết”, một phụ huynh có con học lớp 1 ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) than thở.
Tương tự, chị Q - một phụ huynh khác có con học lớp 1 năm nay ở quận Hà Đông cho biết: “Tuy cô chỉ yêu cầu viết 1-2 trang, nhưng những tháng đầu con chưa thành thạo nên rất chật vật. Cả ngày ở trường, trong đó buổi học thứ 2 đã có những tiết tự học có hướng dẫn, nhưng con vẫn phải luyện thêm ở nhà. Điều đó khiến cho trẻ mệt mỏi, chậm chạp hơn, làm bài hay bị sai. “Biết con áp lực nhưng nhiều khi bản thân cũng mệt mỏi, căng thẳng nên hay sẵng giọng với con. Thế là lập tức con òa khóc không dỗ được. Nhiều hôm mẹ khóc, con khóc chỉ vì đã muộn mà vẫn chưa chép xong một trang chính tả”, chị Q cho biết.
Số phản đối thì đã rõ vì nhiều bố mẹ cho rằng “sức chứa” của con đã quá tải sau một ngày học tập tại trường, vì thế, có cố nạp thêm cũng ít tác dụng, thậm chí đó là việc lợi bất cập hại.
“Tôi đồng ý nên rèn học sinh thói quen tự học, nhưng không phải cách giao nhiều bài tập hoặc bắt phụ huynh kèm trẻ những nội dung lẽ ra giáo viên phải dạy trẻ trên lớp. Bài tập về nhà, nếu có, chỉ nên là những nhiệm vụ nhẹ nhàng, tạo hứng thú cho trẻ. Ví dụ như bố mẹ và con tìm một truyện có chủ đề cụ thể được cô giáo quy định. Bố, mẹ đọc cho con nghe hoặc con đọc cùng bố mẹ và có nhận xét. Ngoài ra, có thể giao cho trẻ xem trước bài học hôm sau, chuẩn bị một số vật dụng hay nội dung phục vụ hoạt động học tập của ngày mới”.
Chia sẻ này nhận được nhiều sự ủng hộ, nhưng cũng có những phụ huynh cho rằng “cần thực tế hơn”. Vì với chương trình mới, nhiều trẻ chưa nắm được bài trên lớp, nhất là với môn Tiếng Việt lớp 1, có những âm/vần khó. Tương tự, để viết được nửa trang với trẻ lớp 1 là một sự gian nan. Nếu mặc giáo viên với con mình trong giờ tự học sẽ là không ổn.
Trong số phụ huynh “mong muốn cô giao bài tập về nhà”, có những người thú nhận “bị hoang mang” khi con là số ít học sinh chưa đọc thông viết thạo trong lớp. “Nhiều trẻ được học trước nên biết đọc, biết viết rồi. Tôi lo con sẽ tự ti rồi càng thụt lùi nên phải cho con đi học thêm buổi tối. Những buổi không học thêm thì cả nhà lại bò ra ôn bài, làm bài tập”, phụ huynh trên cho biết.
Trao đổi về việc này, khá nhiều giáo viên tiểu học cũng cho rằng quy định quá cứng về việc “không giao bài tập về nhà” với trẻ tiểu học đã học 2 buổi/ngày ở trường sẽ khó cho giáo viên. Vì ở Hà Nội, có những lớp trên 50 học sinh nên cô giáo sẽ không thể kèm cặp từng em theo cách “cầm tay chỉ việc”.
“Không giao nhiều bài tập, nhưng rất cần giao nhiệm vụ cho trẻ có thói quen tự học, chuẩn bị trước những việc cần cho hoạt động học tập ngày hôm sau”, một giáo viên ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) chia sẻ quan điểm. Nhưng theo giáo viên này, vì quy định của Bộ là “không giao” nên giáo viên không dám phạm quy định. Có trường hợp trẻ chưa làm xong bài trên lớp cũng đành để lại buổi sau làm tiếp. Việc này khiến giáo viên vất vả hơn trong việc triển khai bài mới với cả lớp trong trường hợp còn học sinh chưa hiểu, chưa làm xong bài cũ.
Về vấn đề này, thầy Đào Chí Mạnh, Hiệu trưởng trường Tiểu học Hội Hợp B (Vĩnh Phúc) chia sẻ, giáo viên tiểu học cần hiểu rõ giao bài tập (với số lượng nhiều, lặp lại nội dung/dạng bài đã luyện tập trên lớp) và giao nhiệm vụ cho học sinh ôn luyện, chuẩn bị cho buổi học sau là hai vấn đề rất khác nhau. Nhưng trên thực tế, trình độ, hiểu biết của giáo viên không đồng đều. Nhiều người nôn nóng, sốt ruột nhưng không có giải pháp phù hợp nên dẫn tới cách làm chưa đúng quy định và không hiệu quả.
“Chúng tôi tổ chức họp tổ chuyên môn 2 tháng/lần để cùng nhau xây dựng danh mục bài tập theo các mức độ của từng lớp. Hiệu trưởng là người khống chế “mức trần” của bài tập về nhà, quy định chỉ “giao nhiệm vụ vừa sức” cho trẻ, không bắt trẻ làm quá nhiều bài tập, nhất là bài nâng cao. Giáo viên không giao bài cho học sinh nằm ngoài nội dung danh mục đã thống nhất”, thầy Mạnh chia sẻ.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm