Thị trường hàng hóa
Theo TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, miễn dịch cộng đồng đối với Covid-19 đang bắt đầu có xu hướng giảm. Cụ thể, tính đến tháng 9/2022 miễn dịch cộng đồng người dân TP là 98,7%, đến nay giảm xuống còn 96,7%.
Bên cạnh đó, hiện TP.HCM xuất hiện của biến thể phụ XBB.1.5. Theo các chuyên gia y tế, biến thể phụ XBB.1.5 không nguy hiểm, song mức độ lây lan nhanh hơn các chủng khác.
"Trước tình hình dịch bệnh, việc xem xét kích hoạt trở lại "chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ" cần được đặt ra trong giai đoạn hiện nay", lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM nhận định.
Chiến dịch này từng được TP.HCM triển khai vào nửa cuối năm 2021, khi Covid-19 trong giai đoạn bùng phát tại TP. Thời điểm đó, mỗi ngày TP ghi nhận hàng nghìn ca nhiễm, hàng chục ca tử vong.
Theo Sở Y tế, khi đó phân tích dữ liệu cho thấy phần lớn ca tử vong thuộc nhóm người trên 50 tuổi, có bệnh nền, chưa được tiêm chủng, chưa được sử dụng thuốc kháng virus.
Từ thực tế này, ngành y tế quyết định triển khai "Chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ". Mục đích là ngăn ngừa và phát hiện sớm người thuộc nhóm nguy cơ mắc Covid-19 để kịp thời điều trị bằng thuốc kháng virus và theo dõi sức khỏe, hạn chế thấp nhất ca tử vong. Người chưa tiêm vaccine được thuyết phục tiêm tại nhà, hoặc tại cơ sở y tế, người mắc Covid-19 nhưng không biết đã được điều trị bằng thuốc kháng virus. Một tháng sau, TP.HCM giảm số ca tử vong.
Tiếp nối những thành công của chiến dịch, TP.HCM tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của Chiến dịch cho đến hết năm 2022, theo đó đối tượng người thuộc nhóm nguy cơ sẽ được mở rộng theo chỉ đạo của Bộ Y tế (người có bệnh nền, người trên 50 tuổi, phụ nữ có thai, người trên 18 tuổi chưa tiêm đủ vaccine Covid-19).
Do đó, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu đánh giá việc xem xét kích hoạt chiến dịch này là cần thiết.
Ngoài ra, trước tình hình ca mắc Covid-19 có xu hướng gia tăng, Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo các bệnh viện sẵn sàng tiếp nhận, cách ly, điều trị ca bệnh. Đối với các ca bệnh nặng, ca bệnh nghi ngờ Covid-19, khi kết quả test nhanh âm tính nhưng vẫn nghi ngờ Covid-19, khuyến cáo thực hiện xét nghiệm PCR để chẩn đoán mắc Covid-19 tránh bỏ sót ca bệnh làm dịch bệnh lan rộng.
Các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến cuối điều trị Covid-19 cần theo dõi, đánh giá lâm sàng các ca bệnh Covid-19 nặng nhập viện hiện nay và gửi xét nghiệm giải trình tự gene để đánh giá mức độ nặng, nguy kịch báo cáo Bộ Y tế để xem xét điều chỉnh các hướng dẫn chuyên môn.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm