Thị trường hàng hóa
Bất ngờ về tốc độ tăng trưởng tại TP.HCM
Sau khi công bố tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong quý I/2023, ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP.HCM đã nói không ngờ tăng trưởng kinh tế quý I/2023 của TP.HCM xuống sâu như thế và nhận định thành phố đã thua đậm trận đầu. Dù vậy, ba trận còn lại (quý II, III và quý IV/2023) phải lấy lại những gì đã mất.
Phát biểu tại phiên họp, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhận định, ba năm nay, tình hình diễn biến theo đúng tinh thần dự báo của các chuyên gia, đó là biến động, bất định, phức tạp và có những điều mơ hồ. Thành phố cũng hội nhập sâu rộng, bởi vậy, các hoạt động đều chịu ảnh hưởng ít nhiều bởi tình hình thế giới và trong nước.
"Do lường trước được tình hình, nên năm 2023, thành phố đề ra mục tiêu thấp hơn năm 2022 nhưng không ngờ kết quả quý 1 lại xuống sâu như thế", ông Nên nói.
Trong Hội nghị lần thứ 20 Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa XI, nhiệm kỳ 2020-2025 diễn ra vào đầu tháng 4, Bí thư Nguyễn Văn Nên tiếp tục đề nghị làm rõ những nguyên nhân cả chủ quan lẫn khách quan, nguyên nhân trực tiếp và sâu xa để đúc rút kinh nghiệm và đề xuất những giải pháp khả thi và hiệu quả để thực hiện thời gian tới.
"Với tinh thần nghiêm túc, cầu thị, chúng ta cần đánh giá đúng mức những mặt khó khăn, hạn chế, yếu kém vì sao chưa làm được một số nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra như đầu tư công còn thấp hay vướng mắc trong tháo gỡ những vụ việc liên quan đến doanh nghiệp", ông Nguyễn Văn Nên nói.
Từ những tồn tại, hạn chế đã được làm rõ, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng cần đặc biệt khắc phục nguyên nhân chủ quan. Về nguyên nhân, ông Mãi nêu rõ TP.HCM là trung tâm kinh tế, dịch vụ và những lĩnh vực liên quan đều bị ảnh hưởng rất lớn. Ngành bất động sản đóng băng, tăng trưởng của ngành ngân hàng cũng chật vật.
Trong khi đó, ngành du lịch chưa thể phục hồi được quy mô như trước dịch, sản xuất công nghiệp trên cả nước đều bị ảnh hưởng và TP.HCM cũng không ngoại lệ.
Nhìn nhận rõ những nguyên nhân trên, Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng thành phố phải quay lại những trụ cột tăng trưởng là đầu tư, đồng thời khai thác nhiều hơn nguồn lực thị trường hơn 10 triệu dân của thành phố, tập trung một số thị trường xuất khẩu trọng tâm, đẩy mạnh giải quyết khó khăn của người dân và doanh nghiệp để kích đầu tư nội địa và hoạt động sản xuất kinh doanh.
Dự báo tình hình quý II vẫn còn tiếp tục khó khăn, phức tạp, ông Mãi đánh giá lượng người mất việc, giảm việc sẽ nhiều hơn, những tác động phức tạp cũng nhiều hơn, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự.
"Do đó chúng ta sẽ phải tập trung những điều mình 'có trong tay', phải đi đầu trong đầu tư công, đẩy mạnh xuất khẩu, xúc tiến thương mại. Xác định những động lực tăng trưởng và thúc đẩy trong thời gian tới", ông Mãi nêu rõ.
Sự sụt giảm đáng quan ngại
Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo và Công luận về vấn đề này, TS Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết: Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong quý I/2023, khối công nghiệp chế biến, chế tạo có sự sụt giảm, tuy nhiên ngành dịch vụ lại tăng trưởng khá mạnh.
Trong khi đó, về cơ cấu, TP.HCM lại có thế mạnh về các ngành dịch vụ, như doanh thu bán lẻ, du lịch, lưu trú, ăn uống. Vì vậy, ông Hiếu khá bất ngờ về GRDP của TP.HCM trong quý I/2023 chỉ tăng 0,7%.
TS Phan Đức Hiếu cho rằng, trong quý I/2023, sự sụt giảm của ngành nghề sản xuất ô tô, xe máy, linh kiện điện tử đã ảnh hưởng mạnh vào các địa phương có thế mạnh với các ngành này, như Quảng Nam hay Bắc Ninh.
“Nhưng TP.HCM lại không dựa vào những lĩnh vực này, do đó, sự sụt giảm của TPHCM rất đáng quan tâm. Phải chăng TP.HCM có cả vấn đề nội tại của chính TP mà nó tạo ra một kết quả như vậy”, ông Hiếu nói.
Trong bối cảnh đó, ông Hiếu đánh giá: Nhu cầu cấp thiết hiện nay là cần tìm ra đâu là điểm nghẽn, là sự cản trở sự phát triển của TP.HCM - một đầu tàu kinh tế được kỳ vọng sẽ dẫn dắt, thúc đẩy sự tăng trưởng chung.
“Để đánh giá về TP.HCM, sẽ không ai hiểu rõ hơn chính thành phố này. Lãnh đạo thành phố sẽ phải tìm ra căn nguyên vấn đề, để từ đó có được đề xuất về cơ chế nào, điểm nào, điều gì đang thực sự kìm hãm TP.HCM”, ông Hiếu nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) khẳng định: Mức tăng trưởng GRDP trong quý I/2023 của TP.HCM là 0,7% là thấp.
Theo ông Cường, TP.HCM là cực tăng trưởng quan trọng của Việt Nam, là đầu tàu kinh tế của cả nước. Do đó, mức tăng trưởng thấp như trên là rất đáng quan ngại.
“Trong báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, số doanh nghiệp phá sản tương đối lớn, nhất là trong ngành xây dựng, bất động sản số lượng doanh nghiệp rút lui có thể lên tới hàng trăm. Điều này tạo ra sức ép tăng trưởng của TP.HCM”, ông Cường nói.
Đồng tình với quan điểm này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết: Tăng trưởng tín dụng quý I/2023 của toàn nền kinh tế tuy tăng 11.7% so với quý 1/2022, nhưng lại chỉ tăng 2,06% so với cuối năm 2022, đạt khá thấp so với mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 là 14-15%.
“Kết quả tăng trưởng GRDP thấp của TP.HCM có thể nhận định do kết quả giải ngân đầu tư công trong quý 1/2023 chỉ đạt 2% không đáng kể, mà đầu tư công là một động lực dẫn dắt nền kinh tế”, ông Châu nói.
Bên cạnh đó, trong quý, kinh doanh bất động sản sụt giảm 16,2% kéo theo ngành xây dựng sụt giảm 17%. Sự sụt giảm sâu của thị trường bất động sản kéo theo sự sụt giảm mạnh của ngành xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, trang thiết bị nội ngoại thất.
Ông Châu phân tích: Chỉ tính 156 dự án xét bất động sản, đô thị, nhà ở thương mại, nhà ở xã hội của 121 doanh nghiệp chủ đầu tư tại TP.HCM đang bị ách tắc, nếu bình quân giá trị mỗi dự án là 2.000 tỷ đồng thì tổng mức đầu tư lên đến khoảng 312.000 tỷ đồng.
Nếu tháo gỡ được vướng mắc để triển khai thực hiện trở lại bình thường thì Nhà nước có thể thu thuế GTGT 10% được 31.200 tỷ đồng.
“Nếu đạt lợi nhuận 20% thì Nhà nước còn có thể thu thuế thu nhập doanh nghiệp được 12.480 tỷ đồng và các khoản thu thuế phái sinh khác, tạo công ăn việc làm…”, ông Châu nói.
Ông Châu cho rằng, những động thái mới đây trong việc gấp rút hoàn thành Luật Đất đai 2013 và một số luật liên quan sẽ trở thành động lực cho thị trường bứt phá trong thời gian tới. Bởi lẽ, khó khăn lớn nhất của thị trường chính là các nút thắt về pháp lý, chiếm tới 70% khó khăn của doanh nghiệp.
“Tháo gỡ cơ chế, chính là giải pháp ít tốn tiền ngân sách nhà nước nhất, nhưng lại mang lại hiệu quả, có tính lan tỏa rất lớn và để làm được điều này thì phải xây dựng được Luật chuẩn - chỉnh”, ông Châu nói.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm