Thị trường hàng hóa
Dựa trên cuộc điều tra ngắm vào Man City, đội chủ sân Etihad được cho là có liên quan tới hơn 100 cáo buộc vi phạm các quy tắc tài chính của Premier League (EPL) trong khoảng thời gian 2009-2018. Cụ thể, “The Citizens” đã thổi phồng thu nhập từ nhà tài trợ, không tuân thủ Luật công bằng tài chính của UEFA (FFP) từ mùa 2015/2016 đến 2017/2018. Đồng thời, MC tăng gấp đôi tiền lương của cựu HLV Roberto Mancini một cách tinh vi và phá vỡ các quy tắc chuyển nhượng cầu thủ trẻ.
Ban tổ chức EPL đã chuyển hồ sơ điều tra lên Ủy ban kỷ luật. Quá trình tố tụng được bảo mật và xử kín. Quyết định cuối cùng sẽ được công bố trên trang chủ của EPL.
Tháng 2/2020, UEFA từng ban hành án cấm Man City dự Champions League trong 2 mùa giải vì vi phạm FFP. Tuy nhiên, ban lãnh đạo MC đã kháng cáo thành công và chỉ phải nộp phạt 9 triệu bảng.
Về phía Man City, đội bóng tỏ ra bất ngờ trước lời buộc tội. Một tuyên bố 75 chữ được đăng trên trang chủ “The Citizens” có nội dung: “Manchester City ngạc nhiên trước việc Premier League ban hành cáo buộc vi phạm tài chính, đặc biệt sau khi CLB đã cung cấp cho BTC số lượng lớn tài liệu cần thiết. CLB hoan nghênh Ủy ban kỷ luật vào việc xem xét vấn đề này, từ đó đánh giá khách quan về toàn bộ bằng chứng. Chúng tôi mong muốn vấn đề được giải quyết một lần và mãi mãi.”
Stefan Borson, luật sư kiêm cựu cố vấn tài chính của Man City, chia sẻ: “Cáo buộc lần này chả khác gì một “doping tài chính”. Manchester City đã đi quá xa và khả năng CLB chịu án phạt là tương đối cao”.
Dựa trên quy tắc của Premier League, nếu các cáo buộc là đúng sự thật, Man City hoàn toàn có thể bị giáng xuống hạng hoặc tước danh hiệu. Danh mục W.51 trong bộ quy tắc giải đấu nêu rõ “Ủy ban sẽ đưa ra bất kỳ lệnh cấm nào mà họ cảm thấy phù hợp với tính chất sự việc”.
Với bóng đá Anh, hình phạt trừ điểm ít khi xảy ra. Middlesbrough là trường hợp hiếm hoi bị trừ 3 điểm ở mùa giải 1996/1997 vì “hoãn trận đấu sai luật". Đội bóng gần nhất rơi vào hoàn cảnh giống Man City là Juventus, CLB đã bị trừ 15 điểm sau cuộc điều tra về sai phạm chuyển nhượng trong quá khứ.
Stephen Taylor Heath, người đứng đầu bộ phận luật thể thao tại JMW Solicitors, khẳng định: “Không thể dự đoán hình phạt cho MC vào lúc này. Phải đợi đến sau phiên điều trần đầu tiên, chúng ta mới biết rõ mức độ nghiêm trọng thật sự của vụ việc. Mọi hình phạt nằm trong quyền hạn của ban hội thẩm và được quy định rõ trong phần W.51.”
Quá trình giải quyết vụ lùm xùm của Man City dự kiến sẽ mất nhiều thời gian, khoảng 1-3 tháng. Tất nhiên, MC không hề muốn chịu bất cứ đòn trừng phạt nào. Ban lãnh đạo và luật sư của CLB đều đang cố gắng tìm giải pháp tháo gỡ tình thế. Song, nửa xanh thành Manchester đang ở thế khó.
Theo quy định của Premier League, các câu lạc bộ không được phép kháng cáo bất kỳ lệnh trừng phạt nào lên Tòa án trọng tài thể thao (CAS). Thay vào đó, đội bóng phải tìm cách giải quyết vấn đề thông qua Tòa án luật London.
Hiện tại, Man City chỉ còn biết chờ đợi kết quả điều tra từ ban tổ chức Premier League và mong những phán quyết không gây ảnh hưởng quá tiêu cực đến CLB. Gregory Ioannidis, luật sư thể thao hàng đầu thế giới, giải thích: “Vụ việc này do Premier League điều tra, do đó CLB bị cáo buộc vi phạm phải tuân thủ theo luật của giải đấu. Nếu là đấu trường châu Âu, phạm vi ngoài lãnh thổ Anh Quốc, Man City hoàn toàn có thể kháng cáo lên CAS như cách họ đã làm vào năm 2020”.
Man City vươn mình trở thành thế lực đáng gờm ở bóng đá Anh kể từ khi các ông chủ UAE rót tiền vào đội bóng. Trong 10 mùa giải, từ 2011 đến 2021, MC đăng quang Premier League tới 6 lần. Tuy nhiên ở mùa 2022/2023, MC thi đấu không ổn định và có nguy cơ đánh mất danh hiệu vô địch vào tay Arsenal. |
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm