Thị trường hàng hóa
Theo đó, Cục Di sản Văn hoá cho biết: Nếu đây là Ấn “Hoàng đế chi bảo” (thông tin cần được xác định chính xác thông qua các đánh giá và giám định chuyên môn) thì bên cạnh những ý nghĩa về lịch sử, văn hoá…, xét về khía cạnh chủ quyền sở hữu, chiếc ấn “Hoàng đế chi bảo” được dùng cho các hoạt động công quyền, chính sự của đất nước trong suốt một giai đoạn lịch sử.
Ngay khi nắm được thông tin về việc đấu giá hai cổ vật, Bộ VHTTDL đã có Công văn gửi Bộ Ngoại giao. Công văn nêu rõ về “hành trình” của cổ vật kim ấn “Hoàng đế chi bảo”: Sau ngày Toàn quốc kháng chiến (tháng 12 năm 1946), hai cổ vật đã rơi vào tay người Pháp và đến ngày 8/3/1952, người Pháp tổ chức lễ trao lại ấn kiếm cho cựu hoàng Bảo Đại, rồi được đưa sang Pháp vào năm 1953. Trước khi qua đời (năm 1997), Bảo Đại đã di chúc để lại toàn bộ tài sản ở Pháp (trong đó có kim ấn “Hoàng đế chi bảo”) cho vợ là bà Monique Baudot, người Pháp. Bà Monique Baudot qua đời năm 2021, các tài sản trên thuộc về những người thừa kế và được mang ra bán đấu giá.
Bộ VHTTDL nhấn mạnh, “Chiếc ấn ‘Hoàng đế chi bảo’ được dùng cho các hoạt động công quyền, chính sự của nhà Nguyễn trong suốt một giai đoạn lịch sử, có ý nghĩa về lịch sử, văn hoá. Vì vậy, việc tìm cách đưa ấn về Việt Nam là cần thiết…”.
Cũng tại Công văn này, Bộ VHTTDL đề nghị Bộ Ngoại giao chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp kịp thời làm việc trực tiếp với hãng đấu giá Millon để xác minh rõ thông tin liên quan đến việc đấu giá hai cổ vật nêu trên như thông báo của Hãng (gồm các thông tin về chủ sở hữu, tính hợp pháp của 2 cổ vật, giá dự kiến bán, khả năng đàm phán mua trực tiếp không qua đấu giá…).
Bộ VHTTDL đề nghị: “Nhanh chóng tìm hiểu và đề xuất phương án phù hợp nhất phù hợp với pháp luật nước sở tại và thông lệ quốc tế) để hồi hương 2 cổ vật căn cứ kết quả làm việc với hãng đấu giá”.
Trước đó, trên website chính thức của hãng đấu giá MILLON (Pháp), đăng tải thông tin sẽ đưa ra đấu giá 329 cổ vật, trong đó có hai cổ vật của nhà Nguyễn (1802 - 1945), gồm 1 ấn vàng đúc năm 1823 triều Minh Mạng (1820 - 1841) và 1 bát vàng triều Khải Định (1917 - 1925). Phiên bán đấu giá hai cổ vật nêu trên dự kiến sẽ được tiến hành vào 11 giờ trưa ngày 31/10/2022 (giờ Paris).
Căn cứ thông tin đăng tải trên website của hãng đấu giá MILLON và ý kiến của một số chuyên gia về cổ vật, chiếc ấn vàng (lô số 101/329) chính là chiếc kim ấn “Hoàng đế chi bảo” được vị hoàng đế cuối cùng của vương triều Nguyễn là Bảo Đại, trao cho đại diện của Việt Minh là ông Trần Huy Liệu cùng với thanh bảo kiếm của vua Khải Định vào chiều ngày 30/8/1945.
Việc hãng đấu giá MILLON đưa "Hoàng đế chi bảo" ra đấu giá ngay lập tức thu hút sự quan tâm giới sưu tầm đồ cổ và những người quan tâm, bởi đây là cổ vật Việt Nam có giá trị nhất từ trước đến nay được đưa ra đấu giá.
Kim ấn "Hoàng đế chi bảo" bằng vàng, nặng 10,78 kg, được coi là chiếc kim bảo lớn và đẹp nhất của triều Nguyễn, đúc vào năm Minh Mạng thứ 4 (1823). Đây là một trong những chiếc ấn có ý nghĩa quan trọng nhất của triều Nguyễn, chỉ được sử dụng cho các sắc phong và văn bản quan trọng nhất. Ấn được truyền từ đời vua Minh Mạng đến đời vua cuối cùng nhà Nguyễn là Bảo Đại.
Theo các nhà nghiên cứu, "Hoàng đế chi bảo" có hình vuông, quai ấn là một con rồng uốn khúc (rồng đoanh), đầu ngẩng cao, mắt nhìn thẳng về phía trước. Đỉnh đầu rồng khắc hình chữ vương; kỳ (vây lưng) và đuôi dựng đứng, vây đuôi uốn cong về phía trước; 4 chân rồng đúc rõ 5 móng, tư thế chống chân xuống mặt ấn rất vững vàng. Mặt dưới của ấn khắc 4 chữ triện “Hoàng đế chi bảo”.
Mặt trên của ấn, phía 2 bên quai khắc nổi 2 dòng chữ: “Minh Mạng tứ niên nhị nguyệt sơ tứ nhật cát thời chú tạo” (đúc vào giờ tốt ngày mồng 4 tháng 2 năm Minh Mạng thứ 4). “Thập thành hoàng kim, trọng nhị bách thập lạng cửu tiền nhị phân” (Đúc bằng vàng, trọng lượng 280 lạng 9 chỉ 2 phân).
Chống buôn bán trái phép cổ vật
Liên quan đến vấn đề giải pháp nhằm hạn chế vấn nạn “chảy máu cổ vật”, Cục Di sản Văn hoá cho biết, Việt Nam đã tham gia Công ước UNESCO 1970 về Chống buôn bán trái phép tài sản văn hóa từ năm 2005. Từ khi Luật di sản văn hóa năm 2001, được sửa đổi, bổ sung năm 2009 với hàng loạt các văn bản liên quan khác, việc quản lý di vật, cổ vật và bảo vật quốc gia ở Việt Nam đã được thực hiện tốt, với sự tham gia của người dân và các cơ quan quản lý nhà nước liên quan.
Việc quản lý, bảo vệ di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia tại bảo tàng, di tích đã có những bước tiến rõ rệt hơn. Theo thống kê, số vụ mất cắp cổ vật tại bảo tàng, di tích những năm gần đây đã giảm hẳn cả về số lượng và mức độ nghiêm trọng, hầu hết các vụ vi phạm đều được các cơ quan điều tra giải quyết kịp thời, nhiều vụ việc được xử lý, trả lại cổ vật bị mất cắp.
Hầu như không còn tình trạng thăm dò, khai quật địa điểm khảo cổ không có giấy phép của Bộ trưởng Bộ VHTTDL (trường hợp khai quật thông thường), của Chủ tịch UBND cấp tỉnh (trường hợp khai quật khẩn cấp). Việc tự ý tìm kiếm, đào bới làm sai lệch hoặc gây nguy cơ xâm hại, hủy hoại địa điểm khảo cổ, di vật khảo cổ; trao đổi, mua bán và vận chuyển trái phép di vật khảo cổ đã giảm hẳn.
Ngoài ra, với sự tham gia tích cực của Việt Nam trong việc thực thi các hướng dẫn của Công ước UNESCO 1970, một số nước đã điều tra và hoàn trả một số cổ vật có nguồn gốc Việt Nam, như Nhật Bản (chuông chùa Ngũ Hộ, tỉnh Bắc Ninh năm 1978), Đức (18 cổ vật năm 2018), Hoa Kỳ (trao trả cổ vật buôn bán trái phép vào Hoa Kỳ năm 2022),…
Những năm gần đây có một số cá nhân, tổ chức đã tham gia đấu giá cổ vật có nguồn gốc Việt Nam và hiến tặng cho các bảo tàng, di tích, như xe kéo của Hoàng Thái hậu Từ Minh được đưa về Huế năm 2015, cổ vật mũ quan đại thần và áo Nhật Bình triều Nguyễn cho Huế năm 2022.
Theo Cục Di sản Văn hoá, trong hồ sơ sửa đổi, bổ sung Luật di sản văn hóa thời gian tới đây sẽ chú trọng nội dung bổ sung, sửa đổi những quy định về chống buôn bán trái phép cổ vật, để hạn chế vấn nạn “chảy máu cổ vật”. Những bất cập trước đây sẽ sớm được các cơ quan liên quan nghiên cứu, hoàn thiện để khắc phục, với mục tiêu lớn nhất là đưa những di sản văn hóa vô giá của Việt Nam sớm được “hồi hương”.
Tag
ĐANG HOT
Đọc thêm