Thị trường hàng hóa
Tuy nhiên, chặng đường phía trước của luật sư người Slovenia trong vai trò người đứng đầu liên đoàn châu lục hùng mạnh nhất thế giới được đánh giá rất khó khăn.
Với việc không có ứng cử viên nào chạy đua vào chiếc ghế quyền lực của UEFA, ông Ceferin tái đắc cử trong một cuộc bỏ phiếu chỉ mang tính hình thức. Đây là nhiệm kỳ thứ 3 liên tiếp của luật sư người Slovenia.
Năm 2016, UEFA tổ chức đại hội bất thường để tìm ra người thay thế cựu Chủ tịch Michel Platini, người bị cấm hoạt động bóng đá từ năm 2015. Trong cuộc đua này, ông Ceferin đã giành được số phiếu áp đảo (42 phiếu) so với ứng viên Michael Van Praag (12 phiếu), Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Hà Lan. Đến tháng 2/2019, ông Ceferin tái cử với tư cách là ứng cử viên duy nhất.
4 năm qua, UEFA và người đứng đầu Ceferin đã đối mặt với nhiều sóng gió. Đại dịch Covid-19 phủ bóng lên toàn cầu và bóng đá chịu chung số phận với rất nhiều hệ lụy. Trong một báo cáo của UEFA, đại dịch Covid-19 đã khiến các câu lạc bộ thiệt hại 7 tỷ euro trong 2 mùa giải qua (2019 - 2020, 2020 - 2021).
Mặc dù vậy, sau khi chiến dịch chống Covid-19 chuyển sang trạng thái mới, bóng đá châu Âu nhanh chóng lấy lại vị thế vốn có. Thị trường chuyển nhượng sôi động với rất nhiều hợp đồng bom tấn. Nhiều câu lạc bộ đã và sẽ được “thay máu”, với các ông chủ mới là tỷ phú hoặc nhóm doanh nhân thành đạt.
Quyền năng và bản lĩnh của luật sư người Slovenia được chứng tỏ rõ ràng hơn trong các tình huống khó. Vào giữa năm 2021, Chủ tịch FIFA Gianni Infantino đã lên tiếng về việc tổ chức World Cup 2 năm/lần, thay vì 4 năm như hiện tại.
Nhưng đến giờ, tham vọng đó của ông Infantino chưa đi đến đâu bởi không nhận được sự ủng hộ từ Ceferin. Ngoài ra, ý tưởng tổ chức European Super League cũng bị luật sư người Slovennia bóp nghẹt đến mức nhiều câu lạc bộ đã sớm rút khỏi liên minh để tránh bị phạt và tẩy chay.
Ceferin và các cộng sự trong 6 năm qua đã đạt được nhiều thành tựu để mang đến diện mạo tươi mới, khỏe khoắn hơn cho bóng đá châu Âu. UEFA Nations League ra đời năm 2018, được tổ chức 2 năm/lần đã làm thỏa mãn cả về thành tích và tài chính cho các nhóm thành viên đội tuyển quốc gia mạnh yếu khác nhau của UEFA, trong khi Vòng chung kết EURO vẫn giữ nguyên giá trị và thể thức 4 năm/lần.
Champions League với công thức mới từ mùa giải 2024 - 2025 hứa hẹn sẽ mang về nhiều tiền hơn cho các câu lạc bộ và cầu thủ.
Điều người ta chờ đợi nhất từ luật sư Ceferin ở nhiệm kỳ 3 là thiết lập một sự công bằng thông qua Luật công bằng tài chính (FFP). Được ra đời từ năm 2010, FFP gánh trên vai trọng trách bảo đảm các sân chơi của UEFA được diễn ra minh bạch, sòng phẳng, tránh nguy cơ các nhà tài phiệt đổ quá nhiều tiền vào một số đội bóng.
Tuy nhiên, FFP cho đến lúc này vẫn chưa thực sự đáp ứng được sự kỳ vọng. Một vài vụ việc được đem ra xử, song mức án dường như vẫn xoay quanh quan điểm “giơ cao đánh khẽ”, hoặc “phạt cho tồn tại”.
Mới đây, nhằm siết chặt hơn về định mức chi tiêu của các câu lạc bộ, UEFA quyết định thay thế FFP bằng luật mới có tên “Tài chính bền vững - FSCLR”.
Theo đó, FSCLR quy định những chi phí liên quan đến hoạt động của các câu lạc bộ, gồm trả lương, chuyển nhượng và hoa hồng cho người đại diện cầu thủ, sẽ không được phép vượt quá 70% tổng doanh thu của mùa giải, dự kiến từ mùa 2025.
Theo luật mới, các câu lạc bộ được phép thua lỗ 60 triệu euro trong 3 mùa giải, gấp đôi so với FFP. Những trường hợp cố tình vi phạm tùy mức độ sẽ đối mặt với những hình phạt tăng nặng hơn so với FFP.
Quy định mới của UEFA đã vấp phải sự phản đối của rất nhiều câu lạc bộ. Các ông lớn từ nhóm giải vô địch quốc gia hàng đầu châu Âu đều có ý kiến về số % được chi tiêu so với tổng doanh thu.
Nhưng nhìn chung gần như tất cả đều đòi hỏi được chi nhiều hơn quy định 70% mà UEFA đưa ra. Trong khi các bên liên quan vẫn còn tranh luận, hoặc thương thảo để tìm tiếng nói chung trước khi đưa FSCLR vào áp dụng thì nhiều đội bóng có dấu hiệu lách luật.
Ở kỳ chuyển nhượng mùa Đông 2023, Chelsea biến Enzo Fernandez trở thành cầu thủ đắt giá nhất bóng đá Anh với mức chuyển nhượng 121 triệu euro. Vấn đề ở chỗ, đội bóng nước Anh đã ký hợp đồng có thời hạn lên đến 8,5 năm với tiền vệ người Argentina và mức phí chuyển nhượng khổng lồ kia được chi trả thành nhiều đợt cho đối tác là câu lạc bộ Benfica (Bồ Đào Nha).
Điều đó giúp The Blues xé nhỏ khoản tiền hàng trăm triệu euro kia ra nhiều năm, bảo đảm không chi quá nhiều trong một năm tài chính, nghiễm nhiên tránh vi phạm FFP của UEFA.
Tất nhiên, Ceferin và UEFA nắm rõ toan tính của Chelsea, cũng như nhiều đội bóng khác. Nhưng làm gì để FFP hay FSCLR giương cao ngọn cờ công bằng vẫn là bài toán rất khó. Ngay cả Man City mới đây bị cáo buộc vi phạm 150 điều của FFP và đối mặt với nguy cơ trừ điểm, tước danh hiệu vô địch Ngoại hạng Anh.
Nhưng đội bóng của tỉ phú Sheikh Mansour vẫn “bình chân như vại”, bởi họ hiểu quá rõ FFP và những hạn chế của nó, cũng như luật sư Ceferin có thể chưa dám chơi sát ván với các ông lớn, bởi đằng sau Man City, hay PSG, hoặc Chelsea đều là những tỷ phú. Bóng đá không thể thiếu tiền!
FFP sẽ được điều chỉnh cuối cùng như thế nào? Câu trả lời nằm ở 4 năm nhiệm kỳ 3 của luật sư người Slovenia. Nhưng tất cả đều hiểu rằng, bóng đá không thể thiếu tiền. Sự công bằng đôi khi chỉ mang tính chất tượng trưng, hoặc công bằng thuộc về kẻ mạnh!
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm