Thị trường hàng hóa
Tại buổi họp báo công bố tình hình lao động việc làm quý I/2023 của Tổng cục Thống kê ngày 6/4, ông Phạm Hoài Nam - Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động cho biết, mức thu nhập quý I tăng 197 nghìn đồng so với quý trước và tăng 640 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân tháng của lao động nam cao gấp 1,36 lần thu nhập bình quân tháng của lao động nữ (8,0 triệu đồng so với 5,9 triệu đồng). Thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị cao gấp 1,41 lần khu vực nông thôn (8,6 triệu đồng so với 6,1 triệu đồng).
"Quan sát thường thấy, thu nhập bình quân của người lao động thường tăng trong các dịp tết Nguyên Đán, so với quý IV/2022, quý I năm nay, thu nhập bình quân của người lao động tiếp tục ghi nhận tốc độ tăng, nhưng thấp hơn tốc độ tăng thu nhập bình quân của quý I/2022", ông Nam nhận định.
Trong khi quý I/2022, cùng với nỗ lực triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội theo tinh thần của Nghị quyết 11/NQ-CP, thị trường lao động dần đạt được mức tăng của thời kỳ trước khi chưa xuất hiện đại dịch, thu nhập của người lao động tăng mạnh so với quý IV/2021, tăng 20,1%. Bước sang quý I/2023 tốc độ tăng thu nhập bình quân của người lao động so với quý IV/2022 chỉ tăng 2,9%, thấp hơn nhiều so với tốc tăng thu nhập bình quân của quý I/2022 so với quý IV/2021.
Đại diện Tổng cục Thống kê cũng chỉ rõ một điểm xám trong bức tranh thu nhập của người lao động trong quý đầu năm 2023. Đó là thu nhập bình quân của lao động trên cả nước tăng, tuy nhiên có sự sụt giảm tại một số địa phương tập trung nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp như TP. Hồ Chí Minh, Bắc Ninh...
Quý IV/2022 đã chứng kiến sự sụt giảm tốc độ tăng thu nhập bình quân của người lao động tại vùng Đông Nam Bộ, quý I năm nay đời sống người lao động tại vùng này được cải thiện khá chậm.
Cụ thể, quý I/2023, thu nhập bình quân của người lao động tại vùng Đông Nam Bộ là 8,9 triệu đồng, tăng 1,9% so với quý trước. Tốc độ tăng thu nhập của lao động tại vùng này khá thấp so với các vùng còn lại, chỉ cao hơn tốc độ tăng thu nhập bình quân của lao động tại vùng Trung du và miền núi phía Bắc.
Trong đó, một số địa phương có sự sụt giảm về thu nhập bình quân so với quý trước như: thu nhập bình quân của lao động làm việc tại TP. Hồ Chí Minh là 9,1 triệu đồng, giảm 1,4%, tương ứng giảm là 127 nghìn đồng so với quý IV/2022; lao động làm việc tại Bình Phước có thu nhập bình quân 6,8 triệu đồng, giảm 2,8%, tương ứng giảm 197 nghìn đồng so với quý trước.
Trong khi đó, 2 vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung ghi nhận tốc độ tăng lên về thu nhập bình quân của người lao động so với quý trước.
Quý I/2023, lao động làm việc tại vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung có thu nhập bình quân là 6,2 triệu đồng, tăng 3,7% so với quý trước; lao động làm việc tại vùng Đồng bằng sông Hồng có mức thu nhập bình quân là 8,3 triệu đồng, tăng 3,1% so với quý trước.
Trong đó, lao động làm việc tại Hà Nội có mức thu nhập bình quân là 9,7 triệu đồng, tăng 5,7%, tương ứng tăng 521 nghìn đồng so với quý trước.
Bên cạnh đó, so với quý trước, quý I/2023 một số địa phương tại vùng Đồng bằng sông Hồng thu nhập bình quân của người lao động có mức giảm như: lao động làm việc tại Bắc Ninh có thu nhập bình quân là 8,4 triệu đồng, giảm 2,3%, tương ứng giảm 197 nghìn đồng; lao động làm việc tại Quảng Ninh có mức thu nhập bình quân là 7,2 triệu đồng, giảm 3,2%, tương ứng giảm 237 nghìn đồng.
Thu nhập bình quân của người lao động tăng ở đa số các ngành kinh tế, ngoại trừ một số ngành như ngành hoạt động kinh doanh bất động sản, ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và ngành xây dựng.
Tính chung quý I/2023 thu nhập bình quân của người lao động tăng ở cả ba khu vực kinh tế. Tuy vậy, sự gia tăng thu nhập của người lao động trong quý này không diễn ra ở tất các ngành kinh tế. Trong khi thu nhập bình quân của người lao động một số ngành kinh tế tăng, một số ngành kinh tế khác có sự sụt giảm thu nhập bình quân so với quý trước.
Trong ba khu vực kinh tế, lao động làm việc trong khu vực dịch vụ có tốc độ tăng thu nhập cao nhất. So với cùng kỳ năm 2022, thu nhập bình quân tháng của lao động làm việc trong dịch vụ là 8,3 triệu đồng, tăng 10,1%, tương ứng tăng 766 nghìn đồng. Lao động làm việc trong ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản có thu nhập bình quân là 4,1 triệu đồng, tăng 9,2%, tương ứng tăng khoảng 345 nghìn đồng. Lao động làm việc trong khu vực công nghiệp và xây dựng là 7,9 triệu đồng, là khu vực có tốc độ tăng thấp nhấp trong ba khu vực kinh tế, tăng 9,0%, tương ứng tăng khoảng 655 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước.
Xét theo ngành kinh tế, một số ngành kinh tế ghi nhận tốc độ tăng so với quý trước và cùng kỳ năm trước như: lao động làm việc trong ngành khai khoáng có thu nhập bình quân là 10,3 triệu đồng, tăng 6,7%, tương ứng tăng 640 nghìn đồng so với quý trước và tăng 19,5%, tương ứng tăng 1,7 triệu đồng so với cùng kỳ năm 2022; thu nhập bình quân tháng của lao động trong ngành bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy là 8,2 triệu đồng, tăng 3,8%, tương ứng tăng 300 nghìn đồng so với quý trước và tăng 10,2%, tương ứng tăng 764 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước; ngành vận tải, kho bãi lao động có thu nhập bình quân tháng là 9,6 triệu đồng, tăng 2,7%, tương ứng tăng 255 nghìn đồng so với quý trước và tăng 12,5%, tương ứng tăng 1,1 triệu đồng so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, so với quý trước, quý I/2023 chứng kiến sự sụt giảm về thu nhập bình quân của người lao động trong một số ngành kinh tế như: thu nhập bình quân tháng của lao động ngành hoạt động kinh doanh bất động sản là 10,5 triệu đồng, giảm 2,6%, tương ứng giảm 275 nghìn đồng; thu nhập bình quân của lao động ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước là 9,8 triệu đồng, giảm 1,3%, tương ứng giảm 125 nghìn đồng; ngành xây dựng lao động có thu nhập bình quân là 7,8 triệu đồng, giảm khoảng 1%, tương ứng giảm 41 nghìn đồng./.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm