Thị trường hàng hóa
Văn hóa đọc vốn tưởng như bị “xem nhẹ” khi có sự xuất hiện của quá nhiều thiết bị nghe nhìn thông minh. Tuy nhiên, việc tiếp nhận tri thức qua những trang sách vẫn được coi phương thức phát triển bản thân một cách toàn diện và bền vững nhất.
Tạo dựng văn hóa đọc cho thế hệ trẻ không khó nhưng cần có cách tiếp cận phù hợp, nhất là về việc đọc, học sách về lịch sử. Lịch sử, địa lý, văn hoá là kiến thức nền cho mỗi cá nhân, mỗi dân tộc, tạo nên bản sắc riêng có cho mỗi cá thể trong quá trình hội nhập. Chính vì vậy, gia đình, xã hội và cả hệ thống giáo dục cần tiếp tục nỗ lực đưa các ấn phẩm sử, địa, các hoạt động văn hoá đến gần hơn với các lứa tuổi, đặc biệt là các bạn nhỏ còn trên ghế nhà trường thông qua nguồn tri thức chính thống và có chọn lọc.
Tọa đàm “Từ Hoa Lư đến Thăng Long - Cuộc dời đô lịch sử" được tổ chức vào sáng 8/10 là một trong những hoạt động động đáng chú ý của Hội sách Hà Nội năm nay. Không chỉ gây ấn tượng bởi sự ra mắt của bộ tiểu thuyết lịch sử “Tám triều vua Lý” của nhà văn Hoàng Quốc Hải, tọa đàm còn mang tới nhiều cảm xúc và suy ngẫm cho những người tham gia hội sách bởi chương đối thoại giữa các thế hệ về việc đọc, học sách sử và nhìn nhận của thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử nước nhà.
Theo nhận định nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, thế hệ trẻ đang ở trong tình trạng phải đối mặt với việc tiếp nhận có chọn lọc các luồng văn hóa từ nước ngoài tràn vào. Nhiều người e ngại về tình trạng “dân ta không biết sử ta”. Do đó, phát huy giá trị truyền thống lịch sử dân tộc cần bắt nguồn từ những thế hệ nhỏ tuổi nhất thông qua việc học và đọc các ấn phẩm lịch sử.
Trần Lê Thảo Anh, lớp 11 chuyên Sinh, trường THPT chuyên Sư phạm tham dự tọa đàm và bày tỏ suy nghĩ về tầm quan trọng của đọc sách lịch sử: “Đối với em, đọc sách là một điều vô cùng quan trọng trong việc học nói chung và việc tìm hiểu lịch sử nói riêng. Nó luôn mang đến cảm giác thích thú khi được tự khám phá, tiếp cận với kiến thức, từ đó khơi dậy mong muốn được đào sâu hơn, hiểu biết nhiều và đa chiều hơn về vấn đề. Đặc biệt về các vấn đề lịch sử, những cuốn sách không chỉ giúp cung cấp thêm thông tin, kiến thức mà qua từng lời văn, câu chữ, ta được phép sống lại và hòa mình vào cuộc sống khi xưa. Chính điều này đã góp phần rất lớn giúp em hiểu hơn về lịch sử và xây dựng tình yêu với môn học này.”
Đỗ Yến Nhi, lớp 6 E chuyên Anh Amstecdam, chia sẻ về đam mê đọc sách lịch sử của mình: “Sách lịch sử cho ta biết thêm nhiều về quá khứ, giải đáp sự tò mò của ta về cội nguồn của mình. Đọc sách lịch sử cũng cho ta nhiều bài học quý giá, dạy cho ta những điều hay lẽ phải. Qua đó, ta càng biết ơn ông cha đã vượt qua bao gian nan thử thách để xây dựng và gìn giữ đất nước, giúp ta ý thức được rằng cần phải có trách nhiệm xây dựng đất nước ngày một phát triển và văn minh.”
Trong khi có rất nhiều bạn trẻ hiện nay còn hờ hững với việc đọc sách và tìm hiểu lịch sử nước nhà thì chia sẻ của Đỗ Yến Nhi hay Trần Lê Thảo Anh đã mang đến một cái nhìn tích cực hơn về giới trẻ hiện nay. Gia đình và nhà trường cần truyền cảm hứng, nêu gương cho giới trẻ về văn hóa đọc và việc đọc, học các ấn phẩm lịch sử. Phát triển nền văn hoá đọc hiện đại và xây dựng một xã hội ham đọc chính là chìa khóa thích ứng với xã hội thông tin đa chiều như hiện nay. Bồi đắp văn hóa đọc cho giới trẻ góp phần phát huy giá trị truyền thống lịch sử, tôn vinh truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam và xây dựng xã hội phát triển bền vững./.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm