Thị trường hàng hóa
Theo cảnh báo do Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) đây chỉ là khởi đầu của một loạt đợt nắng nóng kỷ lục sắp tới.
Với mức carbon dioxide cao hơn 5 phần triệu so với các đợt El Nino trước đây, năm 2023, nắng nóng có thể sẽ phá kỷ lục ở quy mô địa phương, khu vực và có thể là toàn cầu.
Sự phát triển của El Nino rất có thể sẽ dẫn đến một đợt nóng lên toàn cầu mới và tăng khả năng phá vỡ các kỷ lục về nhiệt độ.
Tổ chức Khí tượng thế giới đánh giá, khả năng El Nino diễn ra vào cuối tháng 7 là 60% và cuối tháng 9 là 80%.
Tổng Thư ký WMO, giáo sư Petteri Taalas, cho biết trong thông cáo báo chí: “Thế giới nên chuẩn bị cho sự phát triển của El Nino, hiện tượng thường liên quan đến việc tăng nhiệt độ, hạn hán hoặc lượng mưa ở các khu vực khác nhau trên thế giới”.
Vừa qua, khu vực Châu Âu phải hứng chịu hạn hán kéo dài do tác động của khủng hoảng khí hậu gia tăng.
Năm nay, nắng nóng diễn ra sớm bất thường tại Tây Ban Nha. Ở thị trấn vùng Catalonia, Tây Ban Nha với 3.600 cư dân, thiếu nước đã trở thành vấn đề trong nhiều năm qua do tình trạng cạn kiệt nước ngầm. Khô hạn càng khiến tình hình trầm trọng hơn. Từ 22 giờ hôm trước đến 7 giờ hôm sau, nguồn cung nước sinh hoạt sẽ bị cắt.
“Chúng tôi trữ nước trong chai, chủ yếu để rửa mặt và đánh răng vào buổi sáng trước khi đi làm, cũng như để xả bồn cầu. Vào buổi tối, chúng tôi tắm ở nơi làm việc hoặc ở phòng gym”, chị Maria Gonzalez, người dân Tây Ban Nha chia sẻ.
Là nhà sản xuất trái cây và rau quả lớn nhất của EU, nhưng hiện 60% đất nông nghiệp của Tây Ban Nha đang khô hạn vì thiếu mưa. Các hồ chứa nước ở Tây Ban Nha giờ chỉ còn một nửa công suất.
Nắng nóng gay gắt cũng khiến con sông Po (con sông lớn nhất nước này là nơi sinh sống của các ngư dân và tàu thuyền, cung ứng nguồn nước tưới tiêu các vùng đất nông nghiệp… tại Italy) hiện đã mực nước đã hạ xuống mức thấp kỷ lục theo mùa trong 30 năm qua. Tốc độ dòng chảy chỉ bằng 1/3 mức trung bình.
Ông Giuliano Landini, người dân Italy, chia sẻ: “Tôi sinh ra trên sông Po. Nó từng rất sống động, tập trung nhiều ngư dân. Chỉ trong 10 năm tới, chúng tôi có nguy cơ chỉ còn nhìn thấy những xa lộ cát. Tôi cảm thấy đau đớn khi nhìn thấy con sông trong tình trạng như vậy”.
Năm 2022, nước này đã phải hứng chịu đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong 70 năm qua, khiến ngành nông nghiệp trong nước mất 6 tỷ Euro doanh thu.
Trong mấy tuần gần đây, tình trạng sóng nhiệt đã được ghi nhận tại nhiều nước Châu Á - Thái Bình Dương như Malaysia, Nepal, Bangladesh, Ấn Độ, Thái Lan… nhiệt độ cao kỷ lục xấp xỉ 45 độ C. Nhiều chuyên gia khí hậu cho rằng, tình trạng nắng nóng cực đoan ngày càng trầm trọng có nguyên nhân chính là do biến đổi khí hậu.
Nhiệt độ cực cao với chất lượng không khí kém ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh kế của người dân, đe dọa sức khỏe của hàng triệu người khi làm gia tăng các ca bệnh về đường hô hấp, sốt xuất huyết, tim mạch và thậm chí tử vong.
Nắng nóng bất thường cũng đặt ra gánh nặng chưa từng có cho ngành nông nghiệp khiến nhiều nước gặp khó khăn do hạn hán, mất điện, thiếu nước..
Bộ Giáo dục Malaysia đã yêu cầu các trường học ở nước này ngưng tất cả hoạt động ngoài trời do thời tiết nắng nóng kéo dài. Theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục nước này, các trường học phải tạm dừng các hoạt động ngoài trời cho học sinh và giáo viên nếu nhiệt độ từ 35 độ C - 37 độ C trong 3 ngày liên tiếp…
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm