Thị trường hàng hóa
Tết chính của người Mông Mộc Châu thường được diễn ra trong 3 ngày đầu tháng Chạp âm lịch, tuy nhiên để chuẩn bị được một cái Tết đủ đầy, người dân đã chuẩn bị từ rất sớm trước đó.
Từ khoảng ngày 26/11 Âm lịch, người Mông nghỉ nương nghỉ rẫy để bắt đầu đón Tết. Thường thì phụ nữ sẽ đảm nhận các công việc như hoàn thiện trang phục truyền thống. Công việc này không chỉ là trong vài ngày mà có khi họ phải chuẩn bị cả vài tháng trước đó.
Đàn ông thường lo mua sắm, cỗ bàn. Họ đi chợ, mua lợn mua gà làm cơm cho gia đình. Cỗ Tết của người Mông không thể thiếu được bánh dày, giống như bánh chưng ở miền Bắc và bánh tét ở miền Nam. Người Mông quan niệm, bánh dày tròn tượng trưng cho mặt trăng và mặt trời - là nguồn gốc sinh ra con người và vạn vật trên mặt đất.
Gạo nếp nương trắng ngần được đồ thành xôi, sau đó dùng sức trai tráng giã đến khi dẻo mịn, sau đó gói bằng lá chuối rừng. Người Mông thường thờ 6 cặp bánh, tượng trưng cho 12 tháng trong một năm. Phần bánh đã làm còn lại sẽ được bảo quản trong hộp gỗ pơ mu để đãi khách trong cả Tết.
Đến ngày 30 Tết, khi các công việc chuẩn bị đã xong, người Mông chọn việc dọn dẹp nhà cửa và trang trí bàn thờ tổ tiên làm trọng. Họ chọn một cành tre còn xanh lá và buộc 3 sợi dây có màu xanh, đỏ, vàng cắm thêm một que hương để làm chổi quét nhà. Theo quan niệm của người Mông, chổi lá tre có thể quét đi những điều không may, bệnh tật ốm đau cũng như mang lại niềm may mắn mới. Để điều này “linh nghiệm” thì người chủ gia đình sẽ làm điều này trong khoảng 3 đến 4 giờ sáng ngày 30 Tết.
Sau khi nhà cửa sạch hết vết tích năm cũ, họ sẽ bắt đầu trang trí bàn thờ tổ tiên. Người Mông đã chuẩn bị giấy trắng cắt hình hoa văn từ trước đó khoảng một tháng, và đến đúng ngày 30 Tết thì họ sẽ dán lớp giấy này, đều đặn mỗi năm một lần.
Để đón Tết, người Mông Mộc Châu sẽ rửa dụng cụ lao động sạch sẽ, trang trí bằng mảnh giấy đỏ dán lên sau đó đưa lên bàn thờ. Nông nghiệp là sinh kế của người Mông, vì vậy họ chọn tri ân những người bạn đã giúp mình tạo ra của cải vật chất trong suốt một năm. 10 ngày sau Tết, các công cụ này mới được lấy ra để sử dụng.
Những ngày đầu năm mới, đàn ông Mông thường dậy làm hết mọi việc thay phụ nữ, từ cho lợn gà ăn đến nấu cơm… bởi họ quan niệm rằng, con trai là trụ của gia đình nên tất cả mọi việc trong gia đình họ phải chịu trách nhiệm để giữ được truyền thống cho cả năm.
Sau đó, người già người trẻ, tất cả tập trung đi chơi. Từ ngày 4 Tết, các trò chơi dân gian sẽ làm rộn rã khắp các bản làng Họ chơi khèn, chơi sáo, và rất nhiều trò chơi dân gian như đánh tu lu (đánh cù), ném pao, đánh quay… Nếu đến du lịch tại Mộc Châu vào dịp Tết, rất có thể bạn sẽ được mời cơm, mời ngủ qua đêm vì người Mông rất mến khách, và cọ có quan niệm Tết có khách lạ đến chơi thì cả năm sẽ gặp nhiều may mắn.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm