Thị trường hàng hóa
Tại hội thảo “Điện ảnh Nhật Bản - Kinh nghiệm thành công và hướng hợp tác sản xuất phim hoạt hình với Việt Nam” mới đây, ông Kosuke Kishiwara, nhà quảng bá phim hoạt hình Nhật Bản, cho biết các công ty Nhật Bản luôn chào đón các tác phẩm hoạt hình đến từ khắp nơi trên thế giới và Nhật Bản thường xuyên thiếu hụt nguồn nhân lực có kỹ năng vững vàng, điều mà hiện nay Việt Nam có tiềm năng và đang làm rất tốt.
Ông Kosuke Kishiwara cũng mong muốn các công ty hoạt hình của Việt Nam sáng tạo nên các nhân vật anime mới, các sản phẩm hoạt hình chất lượng gây tiếng vang trên toàn cầu.
“Qua thời gian theo dõi và tìm hiểu về ngành hoạt hình tại Việt Nam, tôi thấy Việt Nam quy tụ nhiều nhà sáng tạo tài năng và đã sản xuất những tác phẩm rất ấn tượng. Tôi tin rằng sự kết hợp giữa Việt Nam và Nhật Bản sẽ tạo nên nhiều sản phẩm truyền hình, thậm chí là điện ảnh làm say lòng khán giả thế giới”, ông Kishiwara phát biểu.
Đồng thời ông cũng bày tỏ sự tin tưởng: “Việt Nam có tiềm năng rất lớn để phát triển văn hóa hoạt hình và tôi biết những tác phẩm tuyệt vời khác của Việt Nam. Chính vì vậy, tôi tin rằng không chỉ hoạt hình, mà những tác phẩm nội dung khác cũng có thể xuất khẩu ra thế giới thu hút được nhiều người xem”.
NSND Phạm Ngọc Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty CP Hãng phim Hoạt hình Việt Nam, bày tỏ sự đồng tình và thể hiện mong muốn có được sự hỗ trợ của Nhật Bản giúp Việt Nam khắc phục những hạn chế về mặt cơ sở vật chất và kỹ thuật hiện đại, cũng như chia sẻ kinh nghiệm về quá trình phát triển phim hoạt hình cho doanh nghiệp Việt Nam.
Sự phát triển mạnh mẽ của anime, loại hình nổi tiếng của Nhật là nhờ sự đầu tư tập trung và chính sách ưu đãi của chính phủ dành cho hoạt hình. Có đến 350 công ty hoạt động trong lĩnh vực hoạt hình tại Nhật và nhà nước rất chú ý đầu tư, kêu gọi vốn cho các kịch bản phim tiềm năng. Phim hoạt hình cũng được ưu tiên những khung giờ tốt để phát sóng trên truyền hình tại Nhật.
Cơ chế ưu tiên đó cộng với văn hóa yêu thích hoạt hình trải rộng từ trẻ nhỏ cho tới người già tại Nhật đã giúp hoạt hình trở thành một trong những biểu tượng văn hóa của đất nước này.
“Hiện Việt Nam 1 năm sản xuất khoảng 20 bộ phim hoạt hình, ngắn thì 10 phút, dài thì 30 phút, tôi rất mong có thể hợp tác với Nhật Bản để Việt Nam thực hiện hóa ấp ủ sản xuất những bộ phim hoạt hình dài chiếu rạp lên đến 90 phút”, NSND Phạm Ngọc Tuấn chia sẻ.
Đồng quan điểm với ông Phạm Ngọc Tuấn, ông Tạ Mạnh Hoàng, Chủ tịch Liên minh Sáng tạo Nội dung số Việt Nam, nhà sáng lập, Tổng giám đốc Sconnect, cho biết hiện Sconnect đang làm việc với mạng lưới hơn 100 DN tương đối mạnh và đa dạng các dòng phim hoạt hình. Với sự liên kết, hợp lực các doanh nghiệp Việt Nam có đủ khả năng để phát triển mạnh mẽ hơn nữa ngành phim hoạt hình của nước nhà.
“Dựa trên thành tựu phát triển của Sconnect, tôi cho rằng đây chính là thời điểm có những bước chuyển biến rất mạnh trong mảng phim hoạt hình. Trước đây, hoạt động kinh doanh hoạt hình của chúng ta sản xuất chủ yếu dựa trên ngân sách nhà nước và những mô hình kinh doanh phổ biến là gia công. Hiện tại các DN Việt Nam đã có những mô hình kinh doanh mới khác trước, có thể sản xuất những sản phẩm do chính người Việt làm chủ toàn bộ, tự kinh doanh, tự xuất bản hoặc là xuất bản qua một nền tảng khác”, ông Tạ Mạnh Hoàng nhấn mạnh.
Bên cạnh tiềm năng đáng mong đợi khi hợp tác với Nhật Bản, ông Tuấn cũng bày tỏ niềm vui khi thị trường hoạt hình Việt Nam hiện nay còn có sự tham gia của rất nhiều công ty sản xuất hoạt hình, có những định hướng phát triển tương tự như Nhật Bản.
Tổng giám đốc hãng phim hoạt hình Việt Nam mong muốn các DN trong nước có thể đồng lòng đồng sức, quy tụ những thế mạnh hiện có để cho ra những sản phẩm hoạt hình chất lượng cao.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm