Thị trường hàng hóa
Theo đó, dù đã gần 80 tuổi đời nhưng học viên Nguyễn Mạnh Trí vẫn chưa dừng lại sự nghiệp học tập của mình. Ông Nguyễn Mạnh Trí theo học "Luật hợp tác kinh tế và Kinh doanh quốc tế" khóa 21 tại Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội vì muốn phát triển bản thân, với ông muốn đất nước giàu mạnh thì mỗi cá nhân cần phải học tập suốt đời.
Theo thông tin từ Đại học Quốc gia Hà Nội, học viên Nguyễn Mạnh Trí từng tâm sự, để đem kiến thức của mình đóng góp cho sự phát triển của đất nước, mỗi cá nhân cần kiên trì với mục tiêu mà mình đã lựa chọn, cần say mê, chăm chỉ và tập thói quen nghiên cứu khoa học ngay từ năm thứ nhất đại học.
“Tôi và các bạn đồng môn thuộc thế hệ sinh viên của những năm 60 của thế kỷ trước. Hồi đó thế hệ sinh viên chúng tôi thấm nhuần câu nói nổi tiếng của V.I. Lenin: “Học, Học nữa, Học mãi” mà ngày nay chúng ta đang tích cực hưởng ứng phong trào “Học tập suốt đời” - Học viên Nguyễn Mạnh Trí bày tỏ.
Người học viên đặc biệt này luôn ý thức được, trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam luôn có truyền thống hiếu học, tiếp thu các tinh hoa văn hóa của nhân loại.
Cá nhân ông cũng được kế thừa truyền thống quý báu đó của gia đình - nơi có nhiều thế hệ đã và đang đóng góp tích cực cho sự phát triển của nước nhà.
Được biết, thời trẻ, cậu thanh niên Nguyễn Mạnh Trí yêu thích và say mê các môn Khoa học Tự nhiên. Với những kiến thức được trang bị tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Nguyễn Mạnh Trí từng đứng trên bục giảng, truyền thụ kiến thức cho các thế hệ học trò của mình.
Làm việc trong ngành sư phạm một thời gian, Nguyễn Mạnh Trí được điều động sang hoạt động trong lĩnh vực ngoại thương. Để phục vụ cho công việc, ông tiếp tục học tại Trường Đại học Ngoại thương, sau đó tu nghiệp tại Trường Đại học Kinh tế quốc dân Plekhanov, Moskva (LB Nga). Quá trình này giúp Nguyễn Mạnh Trí được trang bị kiến thức chuyên môn về thương mại quốc tế.
Năm 2005, ông Trí được nghỉ hưu theo chế độ của Nhà nước. Thời gian này ông tập trung đọc và nghiên cứu những vấn đề về văn hóa và xã hội.
Cơ duyên đến với luật học với ông Trí, vào năm 2019, PGS.TS Nguyễn Tiến Vinh – Trưởng Bộ môn Luật Quốc tế, Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội đã giới thiệu ông đăng ký học chương trình đào tạo cử nhân Luật. Tháng 6/2022, ông tốt nghiệp cử nhân Luật với tấm bằng loại Giỏi.
Theo ông Trí, trong quá trình học tập tại Khoa Luật, ông nhận thấy các kiến thức này rất hấp dẫn và bổ ích trong cuộc sống của mình và hữu ích cho xã hội.
Đất nước đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tăng cường và chủ động hội nhập với thế giới trong nhiều lĩnh vực, do đó, hệ thống pháp luật của nước ta cũng cần tương thích, hài hòa với các quy định của các cam kết và thông lệ quốc tế.
Quá trình hội nhập về kinh tế và bảo vệ chủ quyền đất nước, mọi tranh chấp phát sinh đều cần được giải quyết trên nền tảng của Luật pháp quốc tế chứ không thể giải quyết dựa trên sự đe dọa hay sử dụng vũ lực.
“Nắm vững luật pháp quốc tế là một vũ khí quan trọng và sắc bén để bảo vệ quyền và lợi ích của đất nước, chủ động hội nhập và khiến cho các nước khác phải tôn trọng” – ông Nguyễn Mạnh Trí chia sẻ.
Ông Trí quan niệm, thế hệ trẻ là tương lai của đất nước, sự phát triển, thịnh vượng của đất nước phụ thuộc phần lớn vào việc thế hệ trẻ học tập, tiếp thu, kế thừa các kiến thức của các thế hệ đi trước.
Đặc biệt, trong thời đại Cách mạng công nghệ 4.0, vai trò của công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo ngày càng quan trọng. Đây là những lĩnh vực mà các thế hệ trẻ Việt Nam có thế mạnh, cần liên tục trau dồi và cập nhật kiến thức mới.
Đến với ngành Luật một cách tình cờ rồi thích thú và đam mê lĩnh vực tưởng chừng khô khan ấy lúc nào không hay, ông Nguyễn Mạnh Trí quyết định tiếp tục theo học chương trình thạc sĩ Luật hợp tác và kinh doanh quốc tế.
Ông cho hay, chương trình mà ông đang theo học là chương trình đào tạo liên kết quốc tế giữa Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội với 3 trường đại học có uy tín của Cộng hòa Pháp (ĐH Bordeaux, ĐH Toulouse 1 và ĐH Lyon 3), được thực hiện rất thành công từ năm 2001.
Ở tuổi 77, theo học bậc thạc sĩ đã là một sự nỗ lực, cố gắng lớn, chưa kể chương trình được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Pháp thì thực sự là một thử thách không hề nhỏ đối với ông Nguyễn Mạnh Trí. Tuy nhiên, với ông, đây là cơ hội để ông trau dồi và nâng cao vốn tiếng Pháp đã được tích lũy từ hơn 50 năm trước.
“Chặng đường học tập còn đang ở phía trước và tôi sẽ cố gắng để hoàn thành với kết quả tốt nhất”, ông Nguyễn Mạnh Trí bày tỏ quyết tâm.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm