Thị trường hàng hóa
Nửa năm trước, văn phòng này gần như không khi nào tắt điện. Hơn 30 người trẻ làm việc ngày đêm để gia công cho các dự án game blockchain, metaverse. Công ty của Tuấn thành lập từ cuối 2020, ăn nên làm ra trong suốt năm 2021 cho đến hai tháng trước. "Mùa đông tiền số" ập đến, cuốn trôi toàn bộ tài sản tích lũy của startup non trẻ do khách hàng yêu cầu tạm dừng dự án, nhân sự cũng lần lượt rời đi.
Trong cộng đồng blockchain Việt Nam, các trường hợp như Tuấn không hiếm. Trung Vương, CEO một startup tại TP HCM, đã ấp ủ dự án move to earn trong vài tháng và định cho ra mắt đầu tháng 6, nhưng phải bỏ ngỏ vì thị trường liên tục lao dốc. "Giai đoạn đầu, mọi thứ vẫn diễn ra theo đúng lộ trình để ra sản phẩm và kêu gọi đầu tư. Tuy nhiên lúc này, ngay cả các dự án dẫn dắt thị trường còn sụp đổ, chúng tôi gần như không có cơ hội", Vương nói.
Vương cho biết anh vẫn may mắn vì quy mô dự án không lớn và vẫn có thể rút lui mà không mang nợ. "Trung bình cứ 10 dự án blockchain ra đời cuối năm ngoái, tôi ước tính đến giờ chỉ còn hai dự án cầm cự. Nhiều người lặng lẽ rời khỏi thị trường, số khác thậm chí dính vào tranh chấp, nợ nần", anh nói.
Lê Quang Khải Minh, chủ một công ty chuyên về blockchain, cho biết đang làm việc với luật sư để đòi lại số tiền gần hai tỷ đồng từ một nhà phát hành game blockchain. Công ty anh nhận gia công cho một dự án GameFi từ tháng 12 năm ngoái, đến nay đã hoàn thiện bản vẽ 3D, blockchain cơ bản, đủ để ra sản phẩm và gọi vốn, nhưng đối tác thấy thị trường ảm đạm, dự án không còn khả thi nên tìm cách hủy hợp đồng. Một dự án khác cũng đã xong, hóa đơn chứng từ đầy đủ nhưng khách không chịu chuyển nốt 35% còn lại. Tổng hai dự án, công ty của anh Minh đang bị khách "bùng" gần 2 tỷ đồng.
"Có dự án hàng chục tỷ đồng nhưng khách hàng thấy không khả quan nên tìm mọi cách để 'chạy làng'. Nhiều người thậm chí khóa tài khoản mạng xã hội, các đối tác, nhà đầu tư không thể liên lạc để lấy lại tiền", Khải Minh cho biết.
Theo ông Phan Đức Trung, Phó chủ tịch trường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam, trong giai đoạn này, các startup phải luôn cảnh giác và chuẩn bị cho sự hỗn loạn đang càng quét thị trường. "Các startup phải điều chỉnh lại mục tiêu dự án, thời gian tới sẽ thật sự khó khăn để có thể tồn tại. Nếu vẫn giữ tư duy hoạt động như giai đoạn cuối 2021, dự án sẽ khó tồn tại và nuôi dưỡng được các sản phẩm tốt cho tương lai", ông Trung cảnh báo.
Tuy nhiên nhìn ở góc độ lạc quan, những người từng trải qua các "mùa đông" trước cho rằng đây là giai đoạn cần có để thị trường thanh lọc những sản phẩm kém chất lượng. Ông Trung cho biết, một số công ty lớn trên thế giới như Celsius hay 3 Arrow Capital vừa phải nộp đơn phá sản, nhưng những công ty kỳ cựu như FTX, Binance hay Goldman Sach lại đang tìm cách mua lại các dự án.
Trong khi đó, ông Thái Thanh Liêm, CEO Topebox - một trong những công ty tiên phong trong lĩnh vực game mobile của Việt Nam, tỏ ra thích thú với giai đoạn này của thị trường. Theo ông, đây là lúc các nhà phát triển có thể nói nhiều về tính ứng dụng của công nghệ, thuyết phục được người dùng tiếp cận nhiều hơn với blockchain mà không sợ bị thổi phồng giá trị dẫn tới áp lực quá lớn khi làm sản phẩm.
"Khi những chiêu trò truyền thông và quảng cáo thổi phồng quá mức không còn tác dụng, người làm ứng dụng chân chính sẽ không còn ngần ngại để bước ra và nói về sản phẩm của mình, không sợ sẽ bị đánh đồng với những dự án kém chất lượng. Tôi yêu thích giai đoạn này vì tin đây là môi trường để phát triển sản phẩm tốt nhất và tập trung nhất", ông Liêm nói.
Nhiều dự án blockchain Việt vẫn tiếp tục phát triển, ra mắt sản phẩm mới vì họ cho rằng thị trường ứng dụng đã không còn song hành với thị trường tài chính, do đó "mùa đông càng dài càng tạo ra nhiều kỳ lân" trong tương lai.
"Chúng tôi chính thức khởi động dự án trong "mùa đông crypto" vì tin đây là lúc không thể tốt hơn để chuẩn bị, kết nối và đón những con sóng trong giai đoạn tăng trưởng tiếp theo của thị trường", ông Quang Phạm, CEO của Gamoni, nói.
Theo ông Quang, trong tương lai, các ứng dụng như game blockchain sẽ phải định hình là một sản phẩm giải trí, có yếu tố "game play" đủ hấp dẫn để người chơi thay vì chỉ tập trung nói về lợi nhuận, cách kiếm tiền như giai đoạn trước. "Giai đoạn tiếp theo của thị trường sẽ cần một nền tảng tốt giúp xây dựng những sản phẩm game chất lượng, vừa giúp người chơi giải trí vừa nhận được những lợi ích tích cực mà blockchain mang lại, thay vì câu chuyện đầu tư, kiếm tiền", ông Quang nói.
"Blockchain không chỉ có ứng dụng trong tài chính mà còn truyền tải giá trị ứng dụng vào những ngành nghề khác như y tế, logistics.... Giá trị của sản phẩm sẽ phụ thuộc nhiều vào sự kết hợp của người làm dự án và chuyên gia trong ngành. Người tham gia nên học cách quản trị tổ chức nhiều hơn, thay vì chỉ học và nghiên cứu về token", ông Trung lưu ý.
Nhiều nhà phát triển blockchain Việt tin sau giai đoạn "downtrend", thị trường blockchain Việt sẽ tiếp tục phát triển mạnh và được dẫn dắt bởi những đội ngũ cứng tay, can đảm. "Đây là lúc công nghệ blockchain thực sự tạo dựng niềm tin với thế giới truyền thống. Các công ty blockchain nên trân trọng thời gian này và tập trung vào việc giải quyết vấn đề bằng công nghệ để phát triển một cách bền vững", ông Thái Thanh Liên nói.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm