Thị trường hàng hóa
Theo số liệu được Tổng cục Thống kê, tính chung 6 tháng năm 2022, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 8,48% so với cùng kỳ năm trước (quý 1 tăng 6,97%; quý 2 tăng 9,87%). Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,66%, đóng góp 2,58 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 6,1%, đóng góp 0,24 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,51%, đóng góp 0,04 điểm phần trăm; ngành khai khoáng tăng 2,28%, đóng góp 0,08 điểm phần trăm trong mức tăng chung. Chỉ số sản xuất 6 tháng năm 2022 của một số ngành trọng điểm thuộc ngành công nghiệp cấp II cũng tăng cao so với cùng kỳ năm trước.
Trong tháng 8, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 2,92% so với tháng 7 và 15,57% so với cùng kỳ năm trước. Tương tự, sản xuất trong hầu hết các ngành công nghiệp đều tăng trưởng tích cực.
Động lực chính của sản xuất công nghiệp là ngành công nghiệp chế biến – chế tạo cũng ghi nhận mức tăng 10,39% từ đầu năm đến nay. Sản xuất trang phục tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng mạnh nhất, 22,45%. Tăng trưởng theo tháng của một số ngành sản xuất có phần chậm lại so với tháng 7 như sản xuất kim loại, xe có động cơ và sản xuất trang phục.
Đáng chú ý, sản xuất kim loại so với cùng kỳ ghi nhận mức âm trong tháng thứ 2 liên tiếp. Giá nguyên vật liệu đầu vào của sản xuất kim loại vẫn đang có diễn biến tăng cao là một trong những yếu tố có tác động tiêu cực đối với sản xuất mặt hàng này.
Trong báo cáo vĩ mô của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) mới công bố, nhóm chuyên gia tại đây đánh giá trong tháng 9 tới đây, chỉ số sản xuất công nghiệp sẽ tiếp tục ghi nhận tăng trưởng so với cùng kỳ do nền so cùng kỳ năm 2021 ở mức thấp. Nhưng đà tăng của chỉ số này có thể sẽ chững lại trong quý cuối cùng của năm do lạm phát thế giới vẫn đang tăng cao, làm tăng lo ngại suy thoái kinh tế cũng như ảnh hưởng tới nhu cầu tiêu dùng trên thế giới.
Thêm vào đó, nhu cầu chậm lại do tiêu thụ tại thị trường xuất khẩu sắt thép lớn của Việt Nam là Trung Quốc giảm mạnh trong thời gian vừa qua cũng đã có ảnh hướng tới sản xuất kim loại. Chuyên gia BVSC cho rằng, tổng mức bán lẻ sẽ tiếp tục tăng mạnh trong tháng 9 tới đây, khi so với mức nền thấp trong cùng kỳ năm 2021.
Gói giảm 2% thuế VAT kéo dài tới cuối năm vẫn sẽ hỗ trợ cầu tiêu dùng trong các tháng còn lại của năm 2022. Thêm vào đó, dịp Tết nguyên đán 2023 tới sớm ngay trong tháng 1/2023 cũng sẽ là yếu tố giúp cầu tiêu dùng duy trì diễn biến tích cực trong tháng 11 và tháng 12 tới đây.
Về đầu tư công, BVSC dự báo giải ngân đầu tư công sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, khi xu hướng giải ngân trong các năm gần đây, lượng vốn đầu tư công thường tập trung chủ yếu và tăng mạnh vào nửa cuối của năm nay. Giá của nhiều loại nguyên vật liệu xây dựng đã có diễn biến giảm, sẽ giúp cho việc giải ngân diễn ra thuận lợi hơn trong các tháng cuối năm nay.
Theo BVSC, cả năm 2022, đầu tư công sẽ hoàn thành 90 - 95% kế hoạch. Nhóm phân tích cũng đánh giá đánh giá triển vọng xuất khẩu của Việt Nam trong các tháng cuối năm sẽ gặp khó khăn hơn khi lạm phát ở các đối tác xuất khẩu chính – Mỹ và EU đang ở mức rất cao và chưa có dấu hiệu lập đỉnh.
Hiện tại, nền kinh tế Mỹ - đối tác xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam cũng đã rơi vào suy thoái kỹ thuật khi có quý thứ 2 liên tiếp. Diễn biến này sẽ tác động tiêu cực tới cầu tiêu dùng, qua đó ảnh hưởng tới triển vọng xuất khẩu của Việt Nam.
Bên cạnh đó, sản xuất công nghiệp trong nước vẫn còn những hạn chế, khó khăn nhất định với các “điểm nghẽn”. Một số điểm nghẽn chính của sản xuất công nghiệp Việt Nam bao gồm: nội lực của nền công nghiệp trong nước còn yếu, phụ thuộc nhiều vào các doanh nghiệp FDI; sản xuất công nghiệp chủ yếu là gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng không cao; năng lực của các doanh nghiệp còn ở mức thấp…
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm