Thị trường hàng hóa
Hiện nay, Bộ Y tế đang dự kiến có kế hoạch tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh cảm thấy lo lắng, băn khoăn về việc này.
Chị Nguyễn Thùy Linh ở Nam Từ Liêm, Hà Nội được cô giáo ở trường mầm non nơi con chị học thông báo về việc đăng ký tiêm vắc xin cho con nhưng chị không ngần ngại từ chối.
Lý do chị đưa ra, trong dịp COVID-19 vừa rồi con chị đã bị COVID-19 nhưng triệu chứng không nặng. Chị Linh có niềm tin vào kháng thể tự nhiên của con vì thế chị quyết định không đăng ký tiêm lần này.
“Hiện nay, vắc xin COVID-19 chỉ có tác dụng làm giảm nhẹ triệu chứng, chỉ sau 6 tháng kháng thể sẽ yếu dần. Vì thế nếu tiêm tôi lo lắng cháu sẽ tiêm nhiều mũi liên tiếp và số lượng mũi tiêm không biết dừng lại ở con số nào. Chính vì thế, tôi tin vào khả năng miễn dịch tự nhiên của con” – chị Thùy Linh trao đổi.
Cũng như chị Nguyễn Thùy Linh nhiều phụ huynh khác cũng đang phân vân không biết có nên tiêm hay không. Hiệu quả của vắc xin COVID-19 hiện nay không làm cho trẻ không mắc bệnh.
Với kinh nghiệm đã qua khi đợt dịch COVID-19 vừa rồi nhiều bậc cha mẹ thấy trẻ an toàn khi được chăm sóc tốt, đúng cách. Do đó, nếu quan tâm, chăm sóc trẻ đúng cách thì có thể chung sống an toàn với COVID-19.
Trước những băn khoăn của nhiều phụ huynh hiện nay, trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, chuyên gia Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nêu quan điểm nên đưa trẻ đi tiêm.
Theo chuyên gia này, trẻ nhỏ cũng có nguy cơ mắc COVID-19 và khi mắc cũng COVID-19 dù ở lứa tuổi nào, bệnh cũng có các biểu hiện từ không có triệu chứng đến có triệu chứng, nhập viện, trở nặng, tử vong.
Thực tế đã có nhiều trẻ bị tình trạng mắc COVID-19 có triệu chứng rất nghiêm trọng đó là hội chứng suy đa cơ quan (MIS-C) khiến nhiều trẻ phải thở máy, lọc máu và can thiệp ECMO. Đáng ngại là nếu trong gia đình có người thuộc nhóm nguy cơ cao như người cao tuổi, người có bệnh nền thì trẻ nhỏ mắc bệnh cũng là nguồn lây đối với người khác.
Cũng theo ông Trần Đắc Phu, virus SARS-CoV-2 với biến thể Omicron vẫn được đánh giá là phức tạp. Qua thời gian, miễn dịch tự nhiên cũng đã giảm dần và những biến thể mới cũng đang xuất hiện.
Thời gian qua, mọi hoạt động đã trở lại bình thường, trẻ cũng đã được đi học và tham gia các hoạt động xã hội khác do đó trẻ rất dễ mắc trong tình hình hiện nay và với tình trạng ca mắc gia tăng trong thời gian gần đây thi nguy cơ lây nhiễm và tái nhiễm sẽ rất cao, nhất là với nhóm chưa tiêm vắc-xin, người có bệnh nền, người béo phì hoặc là những bệnh suy giảm miễn dịch.
Trước lo ngại về việc tiêm vắc xin cho trẻ ở độ tuổi quá nhỏ, ông Trần Đắc Phu cho rằng thực tế có những loại vắc xin đã tiêm ngay sau khi trẻ chào đời như viêm gan B và nhiều loại vắc-xin khác được tiêm khi trẻ mới chỉ 2, 3 và 4 tháng tuổi như vắc xin bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt và viêm phổi, viêm màng não do vi khuẩn Hib...
“Nhiều người cũng đặt câu hỏi “con tôi đã mắc bệnh rồi có nên đi tiêm hay không? Có miễn dịch rồi thì có tiêm hay không?", nhưng các nghiên cứu cho thấy nhiều người mắc bệnh vẫn tái nhiễm lần 2, lần 3 vì miễn dịch của COVID-19 là không bền vững, thường suy giảm sau 4-6 tháng. Vì thế ai cũng có thể mắc bệnh trở lại nếu không bổ sung kháng thể chủ động bằng cách tiêm vắc xin”- ông Trần Đắc Phu nhấn mạnh.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm