Thị trường hàng hóa
Việt Nam có tỷ lệ dân số trẻ đáng mơ ước cho những nhà làm phim hoạt hình bởi giới trẻ luôn là nguồn khán giả giá trị. Tuy nhiên, dù được đánh giá là giàu tiềm năng nhưng thị trường hoạt hình Việt lại không có chỗ đứng ngay trên sân nhà. Thực tế chứng minh, vô số tác phẩm hoạt hình ngoại như Kẻ cắp mặt trăng, Pokemon, Bí kíp luyện rồng, Nữ hoàng băng giá… đều có doanh số ngất ngưởng tại Việt Nam. Mới đây nhất, Minions: Sự trỗi dậy của Gru nhanh chóng chiếm lĩnh top 1 phòng vé Việt ngày đầu ra rạp và chỉ sau 10 ngày chiếu chính thức đã cán mốc 100 tỉ và trở thành bộ phim hoạt hình có doanh thu cao nhất từ trước đến nay, áp đảo cả các phim hành động và siêu anh hùng có kinh phí lớn. Rõ ràng, “cuộc chơi” trong lĩnh vực này hoàn toàn thuộc về đối thủ ngoại quốc.
Có thể thấy, hoạt hình Việt dường như vẫn “mắc kẹt” trong tư duy, cách làm, cách xử lý nội dung không hề có sự đột phá. Kịch bản theo lối mòn, hình ảnh thiếu tính sáng tạo, nhân vật loanh quanh với những truyền thuyết, cổ tích, truyện cười… đã quá quen thuộc. Nhân vật cũng thiếu sự đa dạng về tính cách, cá tính, nội dung đơn điệu, quá nhiều lời thoại, ít khơi gợi cảm xúc của người xem. Và dường như các nhà làm phim quá xem trọng mục tiêu giáo dục nên coi nhẹ tính giải trí, dẫn đến hoạt hình Việt mới chỉ dừng lại ở mức độ làm sao cho dễ hiểu mà thiếu sự sâu sắc, lôi cuốn, hấp dẫn. Đầu ra cho thể loại này hiện nay khá hẹp, gần như chỉ có chuyển tải qua kênh truyền hình hay YouTube, vì thế tộc độ lan tỏa và quảng bá vẫn còn nhiều hạn chế.
Kinh phí đầu tư cũng là điều khiến các nhà đài, xưởng phim hoạt hình “đau đầu”, bởi chi phí của nhiều tác phẩm hoạt hình thế giới có thể lên tới hàng chục thậm chí hàng trăm triệu USD, không hề thua kém số tiền đầu tư cho thể loại “bom tấn” hành động. Ở Việt Nam, con số đầu tư cũng không phải là ít, trong khi đầu ra lại rất bấp bênh. Bên cạnh chi phí đầu tư cao, đòi hỏi công nghệ, kỹ xảo tiên tiến thì một khó khăn lớn mà nhà sản xuất phim hoạt hình phải đối mặt là nguồn nhân lực cực kỳ khan hiếm. Hiện Việt Nam chưa có trường lớp hoặc khóa đào tạo chuyên ngành về biên kịch hoạt hình. Chính vì vậy, nguồn nhân lực này chủ yếu là từ phương thức truyền nghề. Điều đáng buồn hơn, nhà sản xuất nội địa luôn bị hãng ngoại quốc hớt tay các biên kịch tài năng bởi chính sách đãi ngộ của họ quá hấp dẫn.
Để có bước đi dài hơi, phim hoạt hình Việt cần phải thay đổi mạnh mẽ. Việc đầu tư cho nguồn nhân lực đang là yêu cầu vừa cấp bách, vừa có tính chiến lược. Chúng ta cần sự “lột xác” để có những kịch bản hay, nội dung sâu sắc, mang hơi thở cuộc sống và thời đại. Bên cạnh đó, cũng rất cần đến vai trò “bà đỡ” của Nhà nước và các cơ quan liên quan, hỗ trợ từ chính sách đào tạo đến tài chính, bảo hộ để phim đủ điều kiện tiếp cận rộng rãi khán giả trong và ngoài nước.
Trên thực tế, thời gian gần đây, hoạt hình trong nước đã có nhiều tiến bộ. Các họa viên bắt đầu định hình được cách làm, có sự tìm tòi để cho ra đời những tác phẩm chất lượng. Có thể thấy, tại LHP Việt Nam 2021 và giải Cánh Diều 2021, các tác phẩm tham dự đã có chất lượng đồng đều hơn. Cũng trong năm 2021, kênh của Hãng phim Hoạt hình Việt Nam trên trang YouTube có gần 200 triệu lượt theo dõi mới. Càng bất ngờ hơn, sê-ri Wolfoo - sản phẩm của ê kíp sáng tạo người Việt - được dịch ra 10 thứ tiếng đã thu hút tới hơn 2 tỉ người xem. Cuối tháng 5 vừa qua, nữ đạo diễn Mai Vũ với phim hoạt hình ngắn Giấc mơ gỏi cuốn (Spring roll dream) đã gây chú ý khi vượt qua 1.500 đối thủ, trở thành một trong 16 phim ngắn được chiếu và tranh giải trực tiếp tại La Cinef - hạng mục dành cho tác phẩm đến từ các trường đào tạo về phim ảnh. Trong tháng 7 này, ba phim hoạt hình ngắn gồm Giấc mơ gỏi cuốn, U linh tích ký: Bột thần kỳ, Tàn thể: Tiền truyện sẽ cùng được chiếu và đưa ra thảo luận trong sự kiện Giấc mơ hoạt họa do Công ty Xine House tổ chức. Đây được coi là cơ hội tốt để các nhà làm phim trẻ nói riêng hoặc người yêu phim, yêu hoạt hình nói chung giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, hiểu biết với những đạo diễn tài năng, có kinh nghiệm. Các hoạt động này cho thấy đã có rất nhiều nỗlực để góp phần bù lấp lỗ hổng kịch bản đang được tiến hành, tạo dựng tiền đề quan trọng cho chiến lược lâu dài để sản xuất phim hoạt hình.
“Vạn sự khởi đầu nan”, hoạt hình Việt muốn bứt phá phải hội đủ yếu tố, quan trọng nhất là đột phá về tư duy sáng tạo, đáp ứng được thị hiếu và sự quan tâm của khán giả, có như vậy mới có thể định vị được thương hiệu để bước ra thế giới.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm