Thị trường hàng hóa
Tham dự Hội nghị, về phía Trung ương có các đồng chí: Nguyễn Trùng Khánh – Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam; Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn Vietravel; Trương Quốc Hùng – Chủ tịch CLB Lữ hành UNESCO Hà Nội.
Về phía tỉnh Nghệ An có các đồng chí: Nguyễn Thị Thành An – Phó Giám đốc Sở Du lịch; Nguyễn Mạnh Lợi - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh; cùng đại diện các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn.
Nghệ An với diện tích lớn nhất Việt Nam, nằm ở vị trí trung tâm vùng Bắc Trung Bộ, sở hữu nhiều tiềm năng tự nhiên và văn hóa đặc sắc, là điểm sáng trên bản đồ du lịch quốc gia. Tỉnh nổi bật với đường bờ biển dài hơn 82 km và nhiều bãi biển đẹp như Cửa Lò, Cửa Hội, Diễn Thành, Bãi Lữ, rất thích hợp để phát triển du lịch nghỉ dưỡng và thể thao dưới nước…
Ngoài tiềm năng thiên nhiên phong phú, Nghệ An còn là vùng đất giàu di sản văn hóa - lịch sử. Đây là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại với các địa điểm nổi tiếng như làng Sen, Khu di tích Kim Liên, nghệ thuật hát Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Cùng với các lễ hội truyền thống và văn hóa đa dạng của các dân tộc thiểu số cũng là yếu tố thu hút du khách yêu thích khám phá bản sắc văn hóa; phát triển du lịch cộng đồng và nông nghiệp…
Hội nghị “Phát triển sản phẩm du lịch Nghệ An gắn với thương hiệu du lịch quốc gia trong liên kết vùng du lịch Bắc Trung Bộ” là cơ hội để các địa phương, doanh nghiệp và cơ quan quản lý trao đổi, đề xuất các giải pháp hiệu quả nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của du lịch vùng Bắc Trung Bộ nói chung và Nghệ An nói riêng, gắn với thương hiệu du lịch quốc gia, qua đó tạo sức hấp dẫn cho các sản phẩm du lịch vùng, thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Mạnh Lợi - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Nghệ An nêu rõ: Đối với du lịch, liên kết chính là yêu cầu khách quan để phát triển. Liên kết giúp mở rộng không gian du lịch, phát huy lợi thế của các bên để hình thành sản phẩm đa dạng, hấp dẫn, nâng cao lợi thế cạnh tranh, tạo sức mạnh cho việc quảng bá điểm đến, thu hút đầu tư và thúc đẩy sự lan tỏa kinh tế liên vùng.
Thời gian qua, Nghệ An đã đẩy mạnh truyền thông, tạo dựng hình ảnh “Nghệ An điểm đến văn hóa, thiên nhiên và lịch sử”, tỉnh đã quảng bá hình ảnh du lịch qua các kênh truyền thông, sự kiện du lịch quốc gia và quốc tế.
Trong đó, chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển sản phẩm du lịch mới. Đồng thời, chú trọng các hoạt động liên kết vùng Bắc Trung bộ, hợp tác xây dựng tour liên tỉnh để tạo ra các tuyến du lịch kết nối di sản, khai thác loại hình di sản thiên nhiên và văn hóa.
Tính đến nay, toàn tỉnh Nghệ An có 928 cơ sở lưu trú với 22.032 buồng phòng, trong đó có 4 khách sạn 5 sao, 10 khách sạn 4 sao, 28 khách sạn 3 sao và gần 16 khách sạn 1 - 2 sao, 69 công ty và chi nhánh lữ hành; có 30 điểm du lịch được UBND tỉnh công nhận.
Trong 11 tháng đầu năm 2024, lượng khách du lịch đến với Nghệ An đạt 9.110.000 lượt, bằng 114% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó khách lưu trú đạt 5.740.000 lượt, bằng 113% so với cùng kỳ năm 2023; khách quốc tế đạt 107.200 lượt, bằng 154% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 27.841 tỷ đồng, trong đó doanh thu du lịch ước đạt 10.865 tỷ đồng.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, trao đổi các giải pháp xây dựng sản phẩm mới, thúc đẩy sự phát triển các loại hình du lịch là thế mạnh của vùng Bắc Trung Bộ và Nghệ An như: Du lịch biển, du lịch văn hóa tâm linh, du lịch sinh thái và cộng đồng...
Phát biểu kết luận Hội nghị, Cục trưởng Cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh đề nghị, tỉnh Nghệ An cần phải phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng, định vị thương hiệu du lịch Nghệ An trong vùng Bắc Trung Bộ.
Đồng thời chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch đặc sắc, gắn với bảo vệ môi trường, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống và đặc biệt là nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo ra những trải nghiệm thực sự ấn tượng cho du khách. Xây dựng hình ảnh “Nghệ An - điểm đến của di sản, thiên nhiên và trải nghiệm cộng đồng” nhằm tạo dấu ấn riêng trong bản đồ du lịch Bắc Trung Bộ.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển và đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ hướng dẫn viên địa phương với kiến thức sâu rộng về văn hóa, lịch sử. Đây là điều kiện quan trọng để đảm bảo chất lượng sản phẩm của du lịch, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh.
Đồng thời, đẩy mạnh liên kết với các tỉnh trong khu vực nhằm tận dụng lợi thế vùng, tạo sức mạnh tổng thể để phát triển du lịch bền vững.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm