Thị trường hàng hóa
Hoạt động khai quật khảo cổ tại thành Na Lữ (huyện Hòa An), thành Bản Phủ và Di tích cự thạch Bản Thảnh (thành phố Cao Bằng) từ ngày 27/11 - 25/12/2023 do các nhà khoa học thuộc Viện Khảo cổ học và Sở VH-TT&DL Cao Bằng tiến hành.
Kết quả khai quật thành Na Lữ (lần thứ 2 ở vị trí mới) gồm 2 hố. Hố khai quật 1 nằm vị trí cửa thành phía Đông Nam, thành Na Lữ, diện tích khai quật 220m2. Đoàn khảo cổ khai quật phát hiện một kiến trúc cổng thành, ủng thành và kỹ thuật đắp tường thành; tìm ra dấu vết của móng thành, chân cổng thành, lòng cổng thành và các dải bó cổng thành. Đồng thời, phát hiện nhiều di vật cổ gồm: Gạch, ngói, đồ gốm men, đồ sành, kim loại… thuộc nhiều giai đoạn lịch sử thời Đường, Minh (Trung Quốc) và Trần, Lê sơ, Mạc...
Hố khai quật thứ 2, nằm ở khu vực Vườn Đạn của nội thành Na Lữ, cách Đền Vua Lê khoảng 250m về phía Nam, cách hố 1 khoảng 400m, diện tích 180m2. Qua khai quật xuất lộ 26 dấu tích có hệ thống kiến trúc nhà Trần và nhà Mạc có diện tích khoảng 300m2, nhà 7 gian, 2 gian trái, dấu tích tìm thấy 15 móng cột, 3 dải ngói đổ, 2 nền kiến trúc, 1 cụm đạn đá, 4 hố chôn cột và 1 hố đất đen. Đây có thể là công trình kiến trúc hình thái cung điện có 2 tầng văn hóa của 2 giai đoạn lịch sử, lớp văn hóa nhà Trần (thế kỷ XIII, XIV) và lớp văn hóa thời nhà Mạc (thế kỷ XVI, XVII). Ngoài ra, còn tìm thấy đồ gốm, men, đồ kim loại, đạn đá phản ánh các giai đoạn lịch sử từ thế kỷ thứ IX - XVII. Kết quả hố khai quật 2 có thể nhận diện rõ hơn diện mạo bên trong thành Na Lữ, cung cấp tư liệu chân xác cho những nghiên cứu và hoạch định trong tương lai về nghiên cứu vương triều nhà Mạc trên vùng đất Cao Bằng, đặc biệt là kinh đô Na Lữ.
Kết quả khai quật lần thứ nhất, thành Bản Phủ thuộc hố khai quật góc Nam của tòa thành, xóm Hồng Quang 1, xã Hưng Đạo, diện tích khai quật 150m2. Đoàn khảo cổ đã đào sâu xuống chân thành khai quật phát hiện 7 lớp đất đắp có màu sắc khác nhau; khai quật nhiều hiện vật đá, gốm men, thời Lý, Trần, Lê sơ và Mạc trong các lớp đất đắp tại thành Bản Phủ; gốm men Trung Quốc được phát hiện thuộc thời nhà Minh, thế kỷ XVII.
Kết quả khai quật lần thứ nhất, địa điểm Bản Thảnh, Hố khai quật diện tích 50m2 được mở cạnh suối chảy qua guốc đá Bản Thành, xã Hưng Đạo. Qua 4 lớp đào sâu 90cm cho thấy địa tầng khu vực guốc đá Bản Thành gồm có 5 lớp, diễn biến các lớp trầm tích địa tầng khu vực guốc đá Bản Thảnh có xu hướng cao ở phía Tây và thấp dần phía Đông, có thể là bờ sông cổ của sông Bằng Giang (dòng chảy hiện nay gần di tích có thể đã bị đổi dòng). Tìm được các hiện vật đá cuội, đá vôi, mảnh sứ (thời nhà Minh, ghi “Vĩnh Lạc Niên Chế”); tiền đồng, gạch vồ, cọc gỗ..., gắn với lịch sử thành nhà Mạc, thế kỷ XVII.
Tại cuộc họp, đại diện Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, chuyên gia Viện Khảo cổ học, lãnh đạo huyện Hòa An, thành phố Cao Bằng ghi lại kết quả khai quật có nhiều phát hiện mới về lịch sử phong kiến Việt Nam, cụ thể là quá trình nhà Mạc đóng đô tại Cao Bằng thế kỷ XVI, XVII, xây dựng chế độ xã hội phong kiến phát triển và giao thương kinh tế với nước ngoài. Đặc biệt, phát hiện mới về kiến trúc cổ tại hố khai quật 1, 2, thành Na Lữ; thành Bản Phủ, đôi guốc đá Di tích cự thạch phát hiện nhiều cổ vật khẳng định Cao Bằng là vùng đất cổ rộng lớn.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm