Thị trường hàng hóa
Với tổng số 1.300 học sinh, trong đó có hơn 400 em khối 12, Trường THPT Nguyễn Khuyến - TP Nam Định đã lên kế hoạch chi tiết cho việc ôn tập chuẩn bị Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Trong đó, đội ngũ giáo viên chủ nhiệm ở các lớp sẽ là người phải thực sự sâu sát, nắm bắt được thực tế học trò của lớp mình để có phương thức hỗ trợ học tập linh hoạt.
Cô Lê Thị Phương Dung - Hiệu trưởng trao đổi, nhà trường thường xuyên phối hợp với các bậc phụ huynh để quan tâm, theo dõi sát sao tình hình học tập, diễn biến tâm lý học sinh. Từ đó, tổ chức tư vấn tâm lý, hỗ trợ học tập cho các em, đặc biệt là khối 12, các em có hoàn cảnh gia đình khó khăn, đảm bảo tất cả các học sinh được học đầy đủ nội dung chương trình các môn học.
Bên cạnh đó, thầy cô cũng tổ chức ôn tập, củng cố, rà soát, bổ sung kiến thức, kỹ năng cần thiết cho học sinh, nhất là những nội dung học trực tuyến trong giai đoạn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Đặc biệt, sau khi Bộ GD&ĐT công bố đề thi minh họa ở tất cả các môn, cả thầy và trò cùng nhau bám sát vào đó để có kế hoạch ôn tập hợp lý.
"Sau khi kết thúc năm học, căn cứ tình hình thực tiễn về nhu cầu, nguyện vọng của học sinh và phụ huynh, ngày 9/4 nhà trường sẽ họp thống nhất với cha mẹ học sinh về nội dung, chương trình, thời lượng ôn tập đảm bảo trên tinh thần hoàn toàn tự nguyện và không quá tải đối với học sinh, các em có thời gian tự học. Trường sẽ không tổ chức ôn tập vào ngày Chủ nhật và sau 17h30 các ngày trong tuần; thời gian ôn mỗi buổi dài không quá 4 tiết", cô Lê Thị Phương Dung cho hay.
Tại Trường THPT B Phủ Lý (tỉnh Hà Nam), thời điểm này nhà trường đang gấp rút triển khai các giải pháp để nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệp THPT sắp tới. Cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Minh Thu chia sẻ, nhà trường luôn bám sát và cập nhật kịp thời các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn từ Sở GD&ĐT; cấu trúc, mức độ đề thi tham khảo của Bộ GD&ĐT.
Đặc biệt, chú trọng khâu phân loại học sinh để lựa chọn phương pháp giảng dạy phù hợp với từng đối tượng. Tổ chức phụ đạo cho các em yếu kém ngay từ đầu năm học để bồi đắp lại kiến thức nền. Phân công học sinh khá giỏi cùng với giáo viên bộ môn theo dõi và giúp đỡ học sinh yếu kém ở lớp học. Giáo viên dạy chắc cho học sinh nhận dạng được những câu kiến thức cơ bản để lấy điểm. Thầy cô bám sát đề thi minh hoạ của Bộ GD&ĐT và ôn tập đủ các chuyên đề cho các em.
Theo cô Thu, căn cứ vào kết quả đánh giá học kỳ I và kết quả khảo sát chất lượng lớp 12, nhà trường thực hiện phân loại học sinh theo năng lực để tổ chức ôn thi, dạy bổ sung kiến thức cho các em yếu kém. Thầy cô thường xuyên ôn luyện các dạng đề, giúp học sinh chủ động chuẩn bị đầy đủ kiến thức để sẵn sàng tham dự kỳ thi với quyết tâm cao nhất.
"Ngoài ra, nhà trường sẽ phổ biến đầy đủ quy chế thi tốt nghiệp THPT 2023 đến toàn thể cán bộ, giáo viên và học sinh; đặc biệt lưu ý đến các điểm mới của kỳ thi. Năm nay, trường phấn đấu 100% học sinh đỗ tốt nghiệp THPT và nâng các chỉ số điểm trung bình môn thi tốt nghiệp" - cô Minh Thu trao đổi thêm.
Ông Vũ Đức Thọ - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nam Định cho biết, đơn vị này đã yêu cầu các trường THPT, Trung tâm GDTX, GDNN-GDTX trên địa bàn tỉnh xây dựng kế hoạch tổ chức ôn tập cho học sinh lớp 12 phù hợp điều kiện thực tiễn. Tăng cường hướng dẫn học sinh tự ôn tập; kiểm tra, đánh giá kết quả ôn tập của học sinh. Tăng cường công tác tư vấn khối thi tốt nghiệp và đại học cho học sinh, đảm bảo học sinh lựa chọn khối thi phù hợp với năng lực. Tổ chức ôn tập cho những học sinh đã hoàn thành chương trình THPT, chương trình GDTX cấp THPT nhưng chưa tốt nghiệp có nguyện vọng ôn tập phù hợp với điều kiện thực tế.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm