Thị trường hàng hóa
Trước đây, toàn bộ khu đất tại thôn Bạch Trữ (xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh) vốn chỉ trồng lúa, thu nhập đem lại cho bà con rất bấp bênh.
Tuy nhiên, hàng chục năm trở lại đây, nhận thấy rau gia vị đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn vì vậy trồng các loại rau này đã trở thành một nghề gắn bó mật thiết, mang lại thu nhập cho đại bộ phận người dân thôn Bạch Trữ.
Diện tích trồng rau gia vị tại xã Tiến Thắng (huyện Mê Linh, Hà Nội) không ngừng tăng vì những hiệu quả kinh tế mà loại rau này mang lại. Từ những vùng đất trồng lúa kém hiệu quả, nhiều gia đình đã cải tạo ruộng để tập trung phát triển các loại rau gia vị cho thu nhập cao gấp đôi gấp ba lần trồng lúa.
Hơn nữa, rau gia vị được trồng quanh năm, gần như không có thời gian cho đất nghỉ. Các loại rau gia vị tại đây có thể kể đến như: rau răm, rau ngổ, hành, các loại húng, rau mùi, rau diếp cá..., trong đó kinh giới và tía tô chiếm diện tích lớn nhất.
Theo chị Trần Thị Hợp (41 tuổi, thôn Bạch Trữ, xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh), nghề trồng rau gia vị khá vất vả nhưng đem lại công việc thường xuyên và thu nhập ổn định.
“Nếu so sánh với trồng lúa thì việc trồng cây rau gia vị sẽ vất vả hơn, thế nhưng thu nhập lại cao hơn rất nhiều. Với 1 lứa rau (từ 10 - 15 ngày) cũng có thể cho thu nhập 1 triệu đồng/sào”, chị Hợp cho hay.
“Mỗi năm chúng tôi có thể thu hoạch được từ 6 - 10 lứa rau gia vị. Doanh thu tuỳ thời điểm, nhưng tính ra thu nhập luôn cao hơn so với trồng lúa và trồng cây ăn quả. Lúc được giá, mỗi mẫu rau gia vị lợi nhuận được vài triệu. Hơn nữa, rau gia vị giá khá ổn định, không chênh lệch như các loại rau ăn lá khác”, chị Hợp chia sẻ thêm.
Tương tự, gia đình anh Nguyễn Thế Hùng (54 tuổi, thôn Bạch Trữ, xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh) là một trong những nông hộ trồng nhiều rau gia vị nhất ở thôn Bạch Trữ. Hiện, gia đình anh canh tác 4 sào các loại rau gia vị, chủ yếu là tía tô, kinh giới, mùi tàu, rau húng,...
“Việc trồng rau gia vị không cho thu nhập một khoản tiền lớn vào cùng một thời điểm nhưng là đây nguồn thu nhập hàng ngày của các gia đình trong thôn. Dù có diện tích trồng rau lớn nhưng rau sau khi được thu hoạch, sẽ được lái buôn tới tận vườn thu mua”, anh Hùng chia sẻ.
Cũng theo anh Hùng và nhiều hộ trồng rau trong thôn Bạch Trữ, rau gia vị thường để ăn sống nên luôn phải là rau “sạch”. Nếu sử dụng thuốc hóa học kích thích tăng trưởng sẽ mang lại hậu quả khôn lường cho người tiêu dùng.
Vì thế, để có được niềm tin từ thị trường, người trồng phải chú trọng việc chăm bón, bảo đảm rau không bị sâu bệnh và “nói không” với việc sử dụng các loại thuốc hóa học.
“Vì là rau gia vị nên gia đình tôi sử dụng phân bón hữu cơ thay thế phân bón hóa học, nếu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, cần tuân thủ đúng thời gian giãn cách an toàn để đảm bảo chất lượng sản phẩm”, anh Hùng nói.
Được biết, với hiệu quả kinh tế cao, nghề trồng rau gia vị đã thu hút 1.300 hộ nông dân trong xã tham gia, với diện tích khoảng 75ha.
Có thể thấy, hiếm có nơi nào người dân trồng trọt mà chỉ chuyên canh tác các loại rau gia vị như ở xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh. Thậm chí, chính từ rau gia vị đã giúp họ làm giàu và trở nên nổi tiếng khắp xa gần.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm