Thị trường hàng hóa
Kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về Văn hóa Việt Nam
Sau hành trình 80 năm, Đề cương về văn hóa Việt Nam đã khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa mới trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng Việt Nam, với nhận thức đúng đắn rằng: sự lãnh đạo của Đảng trên lĩnh vực văn hóa vừa là một tất yếu chính trị, vừa là một tất yếu khách quan. Cách mạng muốn xây dựng thành công nền văn hóa mới dứt khoát phải do Đảng tiền phong lãnh đạo. Mặt khác, có lãnh đạo được phong trào văn hóa, Đảng mới lan tỏa được tư tưởng cách mạng, tạo nên ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội.
Việc xây dựng nền văn hóa mới phải gắn liền với cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và sự nghiệp xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa. Công cuộc cải tạo xã hội, loại bỏ những gì cũ kỹ, lạc hậu, hướng tới xây dựng một chế độ xã hội mới ưu việt hơn chỉ hoàn thành khi hình thành được nền văn hóa mới: “Nền văn hóa xã hội chủ nghĩa”.
Nhìn lại chặng đường 80 năm qua, được thấm nhuần, kết tinh trong những chủ trương, đường lối của Đảng, được kiểm chứng bằng những thắng lợi vẻ vang trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta, Đề cương về văn hóa Việt Nam đã tỏa sáng những giá trị cốt lõi của một văn kiện mang tầm cương lĩnh.
Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà (tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng) được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên thế giới
Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà được UNESCO công nhận Di sản Thiên nhiên thế giới, bởi nơi đây chứa đựng các khu vực có vẻ đẹp thiên nhiên bao gồm các đảo đá vôi có thảm thực vật che phủ và các đỉnh nhọn núi đá vôi nhô lên trên mặt biển cùng với các đặc điểm karst liên quan như các mái vòm và hang động. Nơi đây chứa đựng những di sản với giá trị nổi bật toàn cầu như khu vực sở hữu 7 hệ sinh thái biển - đảo, nhiệt đới, cận nhiệt đới liền kề, kế tiếp nhau phát triển và còn là nơi chứa đựng một môi trường sống của nhiều loài động, thực vật quý hiếm.
Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà được UNESCO công nhận tại Kỳ họp lần thứ 45 của Ủy ban Di sản Thế giới (tháng 9 năm 2023), trở thành Di sản Thế giới liên tỉnh, thành phố đầu tiên ở Việt Nam, là bài học kinh nghiệm hữu ích trong việc kết hợp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị Di sản thế giới nói riêng, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh nói chung ở Việt Nam trong những năm tới.
Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” hồi hương
Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” - một báu vật hoàng cung của Triều Nguyễn đã chính thức hồi hương. Quá trình kéo dài hơn 1 năm cho việc đấu giá và tổ chức bàn giao, đưa ấn vàng về Việt Nam là điều không hề dễ dàng. Bởi vì ấn vàng Hoàng đế chi bảo là một tài sản quốc gia mang ý nghĩa lịch sử và chính trị đặc biệt, phản ánh nhiều giai đoạn lịch sử quan trọng khác nhau của Việt Nam. Lễ chuyển giao ấn vàng là một minh chứng rõ nét về sức mạnh của sự đoàn kết và tinh thần tự tôn dân tộc, bảo vệ các giá trị di sản văn hóa tốt đẹp của nhân dân Việt Nam.
Ấn "Hoàng đế chi bảo" được đúc bằng vàng ròng vào ngày 4 tháng 2 năm Minh Mạng thứ 4 tức ngày 15/3/1823. Đây là Bảo ấn lớn và đẹp nhất của triều Nguyễn, nặng 10,78kg. Theo quy định của triều Nguyễn, ấn "Hoàng đế chi bảo" được dùng khi “Gặp khánh tiết ban ơn, đại xá thiên hạ cũng là các cáo dụ thân huân, đi tuần thú các nơi để xem xét các địa phương, mọi điển lễ long trọng ấy và ban sắc, thư cho ngoại quốc…”. Ấn được truyền từ đời vua Minh Mạng đến Bảo Đại, vị vua cuối cùng nhà Nguyễn.
Tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người lần thứ I tại tỉnh Lai Châu, năm 2023
Ngày hội Văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người lần thứ nhất tại Lai Châu. Có dự tham gia 14 dân tộc có số dân dưới 10.000 người (gồm: Ơ Đu, Brâu, Rơ Măm, Pu Péo, Si La, Cống, Bố Y, Cơ Lao, Mảng, Lô Lô, Chứt, Lự, Pà Thẻn và Ngái) đến từ 13 tỉnh: Lai Châu, Cao Bằng, Thái Nguyên, Điện Biên, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Sơn La, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Kon Tum.
Ngày hội nhằm tôn vinh và phát huy giá trị bản sắc các dân tộc rất ít người, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc. Đây là dịp giới thiệu, quảng bá tới bạn bè trong nước và quốc tế về tiềm năng, thế mạnh phát triển văn hóa, thể thao, du lịch, văn hóa truyền thống các dân tộc trong công cuộc đổi mới hội nhập và phát triển, nhất là các dân tộc có số dân dưới 10.000 người...
Các hoạt động trong Ngày hội góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của xã hội trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam; bảo vệ và phát huy văn hóa truyền thống, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước theo Nghị quyết số 33-NQ/TW, Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 đã đề ra.
Việt Nam trúng cử Thành viên Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2023-2027
Với 121/171 phiếu hợp lệ, Việt Nam đã đạt được số phiếu cao nhất trong Nhóm 4 khu vực châu Á-Thái Bình Dương, chính thức là thành viên Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2023-2027.
Sự kiện đã khẳng định đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta cũng như tinh thần của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Chỉ thị số 25-CT/TW của Ban Bí thư về đa phương hóa, đa dạng hóa, hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng, đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, triển khai đồng bộ và phối hợp hiệu quả giữa ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế và ngoại giao văn hóa, giữa ngoại giao song phương và ngoại giao đa phương.
Việc trúng cử với số phiếu cao cũng thể hiện uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, sự tin tưởng, ủng hộ của cộng đồng quốc tế với khả năng đóng góp và năng lực điều hành của chúng ta tại các thể chế đa phương toàn cầu; ghi nhận đóng góp thiết thực của Việt Nam trong quan hệ với UNESCO, trong gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị di sản ở Việt Nam, trên thế giới.
Du lịch Việt Nam đạt nhiều giải thưởng của Tổ chức Du lịch thế giới năm 2023
Trong đó, lần thứ 4 Việt Nam được vinh danh là Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới; lần thứ 5 được bình chọn là Điểm đến du lịch hàng đầu châu Á. Năm 2023 đánh dấu sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực di sản của Việt Nam.
Các giải thưởng một lần nữa khẳng định tiềm năng và sức hút hàng đầu về tài nguyên thiên nhiên cũng như giá trị di sản văn hóa lâu đời của Việt Nam. Với việc đạt được những danh hiệu này, vẻ đẹp thiên nhiên cùng nỗ lực bảo tồn và phát huy những giá trị di sản của đất nước sẽ được lan tỏa, góp phần nâng tầm du lịch Việt Nam, đưa Việt Nam tỏa sáng trên bản đồ du lịch thế giới.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm