Thị trường hàng hóa
Lễ hội Bà Chúa Xứ - An Giang
Lễ hội Bà Chúa Xứ (còn gọi là lễ Vía Bà Chúa Xứ) được tổ chức hàng năm bắt đầu từ đêm 23/4 đến 27/4 âm lịch tại Miếu Bà Chúa Xứ thuộc phường Núi Sam (trước là xã Vĩnh Tế), TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang.
Miếu Bà Chúa Xứ tọa lạc tại chân núi Sam, đây là một di tích (lịch sự, kiến trúc, tâm linh) quan trọng của tỉnh và khu vực, hàng năm thu hút trên 2 triệu lượt khách hành hương. Năm 2001, lễ hội Bà Chúa Xứ được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam công nhận là Lễ hội cấp Quốc gia.
Được biết, phần lễ của lễ Vía Bà gồm năm lễ: lễ tắm Bà, lễ thỉnh sắc Thoại Ngọc Hầu về miếu Bà, lễ Túc yết, lễ xây chầu, lễ Chánh tế.
Trong đó, Lễ tắm Bà được tổ chức vào đêm 23 rạng sáng 24/4 âm lịch. Nói là tắm bà, nhưng thực tế là lau lại bụi bặm trên tượng thờ và thay áo mão cho Bà. Lễ tắm Bà xong, bức màn được kéo qua một bên, mọi người chen nhau đến gần để chiêm ngưỡng, khấn vái, ai cũng cố đến sát bên bệ thờ để xin lộc bà là một vài cành hoa, một vài trái cây để trên bàn. Lễ tắm Bà thường kéo dài khoảng một giờ, sau đó mọi người được tự do lễ bái.
Lễ thỉnh sắc Thoại Ngọc Hầu về Miếu Bà: Lễ này được tiến hành vào lúc 15 giờ ngày 24/4 âm lịch. Các bô lão trong làng và Ban quản trị lăng miếu lễ phục chỉnh tề sang lăng Thoại Ngọc Hầu nằm đối diện với miếu bà làm lễ Thỉnh Sắc rước bài vị của Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại, bà nhị phẩm Trương Thị Miệt, và bài vị Hội đồng. Khi vào đến Miếu Bà, các bài vị trên được an vị ngôi chính điện, Ban quản trị dâng hương thỉnh an, lễ thỉnh sắc kết thúc. Tục lệ thỉnh sắc Thoại Ngọc hầu đã có từ lâu để tỏ lòng biết ơn ông là người có công khai phá vùng đất hoang vu này.
Lễ Túc Yết: Lễ được tổ chức 0 giờ ngày 25 rạng ngày 26/4. Tất cả các bô lão trong làng và Ban quản trị lăng miếu lễ phục chỉnh tề, đứng xếp hàng hai bên trước tượng Bà. Vật cúng gồm có: một con heo trắng (đã được cạo lông mổ bụng sạch sẽ, chưa nấu chín), một đĩa đựng huyết có ít lông heo gọi chung là "mao huyết", một mâm xôi, một mâm trái cây, một mâm trầu cau, một đĩa gạo muối. Ông chánh bái làm lễ dâng hương, chúc tửu, hiến trà, dâng tế, sau đó thì hóa một ít giấy vàng bạc.
Lễ xây chầu: Sau cúng Túc Yết là lễ xây chầu. Để chuẩn bị cho lễ này, người ta khiêng bàn tổ ra ngoài và thay vào đó một cái trống chầu.
Vào lễ người xướng nội hô to "ca công tựu vị", ông chánh bái ca công liền bước tới bàn thờ đặt giữa võ ca, hai tay cầm dùi trống nâng ngang trán khấn vái. Phía bên trái bàn thờ có một tô nước và một nhành dương liễu. Ông chánh bái ca công cầm nhành dương nhúng vào tô nước rồi vảy nước ra xung quanh, vừa đọc to những lời cầu nguyện. Đọc xong, ông chánh bái ca công đặt tô nước, cành dương trở lại bàn thờ, ông đánh ba hồi trống và xướng "ca công tiếp giá", lập tức đoàn hát bộ nổi chiêng trống rộ lên và chương trình hát bộ bắt đầu. Các tuồng hát bộ sau đây thường được diễn tại miếu bà: Trần Bình Trọng, Sát Thát, Lưu Kim Đính, Trưng Nữ Vương…
Lễ Chánh tế: Đến 4 giờ sáng ngày 26 cúng Chánh tế (nghi thức giống như cúng "Túc yết"). Chiều ngày 27 đưa sắc Thoại Ngọc hầu về Sơn Lăng.
Lễ hội Bà Chúa Xứ núi Sam là một lễ hội mang bản sắc dân tộc đậm nét, nhưng cũng chứa đựng nhiều màu sắc địa phương Nam Bộ. Đây thực sự là một lễ hội văn hoá dân gian đáp ứng nhu cầu văn hoá xã hội, đời sống tinh thần của nhân dân. Đáng chú ý, Lễ hội thu hút hàng ngàn lượt du khách đến viếng thăm, dâng lễ cầu xin tài lộc, may mắn và chiêm ngưỡng cảnh sắc thiên nhiên xinh đẹp của vùng đất An Giang.
Lễ hội núi Bà Đen - Tây Ninh
Hàng năm tại núi Bà Đen có hai lễ hội lớn tiêu biểu: hội Xuân núi Bà và hội Vía Bà.
Hội Xuân bắt đầu từ ngày mùng 4 tháng Giêng và kéo dài trong suốt tháng Giêng với các sự kiện, lễ hội truyền thống cách mạng, cùng với các sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo.
Núi Bà Đen thuộc xã Thạnh Tân, huyện Hoà Thành, TP. Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh, cách TP. Tây Ninh 11km về phía Đông Bắc. Núi Bà Đen có nhiều truyền thuyết, tín ngưỡng dân gian.
Vị thần thờ chính trên núi là Bà Đen hay còn gọi là Linh Sơn Thánh Mẫu. Bà được thờ ở Điện Bà ở khoảng lưng chừng núi.
Những ngày hội Núi Bà trong năm có rất đông du khách trong và ngoài tỉnh về tham dự, cùng với các sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo, đông vui. Những nghi lễ trong lễ hội Núi Bà vừa mang tính chất của các hoạt động tín ngưỡng và của Phật giáo, thể hiện những mong ước của người dân về một cuộc sống thịnh vượng, an khang.
Lễ hội chùa Bà Thiên Hậu - Bình Dương
Lễ hội chùa Bà hằng năm được tổ chức vào ngày rằm tháng Giêng Âm lịch tại miếu Bà Thiên Hậu “Thiên Hậu Cung” mà người dân thường gọi là Chùa Bà.
Chùa Bà tọa lạc tại số 04 đường Nguyễn Du, TP. Thủ Dầu Một và tại phường Phú Chánh, thị xã Tân Uyên (khu thành phố mới Bình Dương). Chùa do 4 ban người Hoa tạo lập để thờ vị nữ thần hiệu là Thiên Hậu Thánh Mẫu.
Theo đó, Lễ cúng vía Bà được tiến hành vào lúc nửa đêm 14 đến sáng 15 tháng Giêng, khách hành hương đa số là người Việt gốc Hoa từ các nơi. Ngôi chùa được trang hoàng cờ và đèn lồng từ cửa tam quan vào đến điện thờ. Mười hai chiếc lồng đèn lớn trang trí đẹp mắt tượng trưng cho 12 tháng trong năm treo thành một hàng dài trước sân chùa, tạo quan cảnh ngày hội thêm lộng lẫy. Ngày 15, lễ rước kiệu Bà được tổ chức theo lối cổ truyền: kiệu Bà được rước đi xung quanh trung tâm TP. Thủ Dầu Một cùng đội múa lân, mọi người làm lễ cúng, lễ cầu phúc, cầu lộc cho năm mới tại chùa và trước nhà mình nơi đoàn rước kiệu Bà đi qua.
Lễ Nguyên Tiêu tại khu người Hoa - TP. Hồ Chí Minh
Rằm tháng Giêng (Tết Nguyên tiêu) là ngày rằm lớn trong năm nên các chùa lớn nhỏ ở Sài Gòn đều tấp nập khách đến thắp hương. Đặc biệt ở phố người Hoa (khu vực Chợ Lớn), nhiều lễ hội diễn ra thu hút sự quan tâm của khá đông người.
Người ta bắt đầu nô nức đi lễ chùa Hoa ở Chợ Lớn từ chiều 14 cho tới suốt ngày Rằm tháng Giêng để cầu phúc trong năm mới. Vào dịp Rằm tháng Giêng, một số bà con người Hoa đến lễ chùa và xin vay mượn tiền của các vị thần thánh trong chùa như Ông Bổn, Quan Công để làm ăn buôn bán. Sự vay mượn này có tính chất tượng trưng, nhưng đến cuối năm vào Rằm tháng Chạp, bà con đến chùa trả lễ đầy đủ cả vốn lẫn lời bằng số tiền mặt bỏ vào các thùng phước sương.
Đối với các chùa Việt hay Hoa ở Sài Gòn, trọng tâm của lễ hội rằm tháng Giêng là lễ cầu quốc thái dân an, cầu nguyện an lành, khỏe mạnh, no đủ cho mọi người. Người đi chùa cũng là cầu an cho cả năm chứ không đơn thuần là xin lộc, hay cúng sao giải hạn cho buôn bán hanh thông.
Lễ hội Dinh Cô - Bà Rịa Vũng Tàu
Lễ hội Dinh Cô diễn ra từ ngày 10 tới ngày 12/2 Âm lịch tại thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Nơi đây thờ bà Lê Thị Hồng Thủy - sau khi chết xác trôi dạt vào bờ được người dân chôn cất cô và lập miếu thờ trên đồi cao.
Vào ngày chính hội, du khách đều cầm trên tay một cành huệ trắng – tượng trưng của sự tinh khiết của cô gái và một nén nhang để thắp trên bàn thờ. Và hàng trăm ngàn ghe thuyền xếp hàng ngay ngắn trên biển để chuẩn bị cho nghi lễ “Nghinh Cô” đầy tôn kính và linh thiêng.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm