Thị trường hàng hóa
Trước khi thành danh trong lĩnh vực kinh doanh, không ít doanh nhân Việt Nam từng bắt đầu sự nghiệp của mình với vai trò người thầy, người cô trên giảng đường. Dù là trên cương vị nào, họ cũng đều có những đóng góp rất ý nghĩa cho xã hội và đào tạo, truyền cảm hứng cho những thế hệ doanh nhân mới.
Chủ tịch FPT Trương Gia Bình
Ông Trương Gia Bình sinh năm 1965, xuất thân là sinh viên khoa Toán cơ thuộc Đại học tổng hợp Lomonosov. Trước khi trở thành một doanh nhân nổi tiếng như bây giờ, ông Bình đã có một thời gian dài tham gia vào lĩnh vực giáo dục.
Năm 1979, ông bảo vệ thành công Luận án tiến sĩ tại Đại học Tổng hợp Lomonosov. Xuất phát điểm là một nhà nghiên cứu với tấm bằng tiến sĩ danh giá, ông Bình công tác tại Viện cơ học, thuộc Viện Khoa học Việt Nam vào năm 1982.
Giai đoạn 1983 -1989, ông công tác tại các viện nghiên cứu tại Nga và Đức. Sau khi về nước, ông Trương Gia Bình bắt đầu bén duyên với hoạt động kinh doanh. FPT ra đời năm 1988 với 13 thành viên đồng sáng lập, bên cạnh ông Bình còn có ông Lê Thế Hùng; ông Võ Văn Mai; ông Đỗ Cao Bảo; ông Bùi Quang Ngọc; ông Nguyễn Thành Nam; ông Đào Vinh; ông Phạm Hùng; ông Lê Vũ Kỳ…
Dưới sự dẫn dắt của doanh nhân này, FPT đang ngày càng lớn mạnh với 6 công ty con và 4 công ty liên kết có mặt tại 45 quốc gia trên thế giới. Năm 2021, doanh thu và lợi nhuận trước thuế (LNTT) của FPT đạt lần lượt 35.657 tỷ đồng và 6.335 tỷ đồng, tăng 19,5% và 20,4% so với cùng kỳ. Tính đến ngày 30/9/2021, tổng số nhân viên tập đoàn đã tăng lên 35.059 người.
Năm 1991, ông Bình được Nhà nước phong tặng danh hiệu Phó Giáo sư. Ông cũng là người có công lớn thành lập Khoa Quản trị Kinh doanh (HSB) trực thuộc Đại học quốc gia Hà Nội. Khoa được thành lập từ năm 1995 là một địa chỉ đào tạo MBA quen thuộc và có uy tín tại Việt Nam.
Năm 2006, công ty của ông đã mở trường Đại học FPT, trường đại học tư nhân đầu tiên của Việt Nam do ông nắm giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng quản trị. Ông cũng tham gia vào hoạt động giảng dạy. Một số môn học ông trực tiếp đứng lớp là môn Nghệ thuật lãnh đạo, Văn hóa doanh nghiệp…
Ông Trần Mộng Hùng - Nguyên Chủ tịch Ngân hàng ACB
Trong số các ngân hàng tại Việt Nam, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) có lẽ là ngân hàng độc nhất vô nhị với nguồn gốc giáo viên. Một số lãnh đạo của ngân hàng này như ông Trần Mộng Hùng - Chủ tịch Hội đồng sáng lập, ông Trịnh Kim Quang – Phó chủ tịch Hội đồng quản trị, ông Nguyễn Thanh Toại – Phó tổng giám đốc, ông Huỳnh Nghĩa Hiệp – Trưởng ban kiểm soát… đều có thâm niên làm nhà giáo trước khi đến với ACB.
Ông Trần Mộng Hùng, nguyên Chủ tịch Hội đồng sáng lập ACB sinh năm 1953, là cử nhân ngân hàng Trường Đại học Kinh tế TPHCM. Trước khi bước chân vào thương trường thì ông Hùng từng là giảng viên trường Cao cấp nghiệp vụ ngân hàng (1978-1980).
Cơ duyên với ACB của ông Hùng bắt đầu từ những năm 1990, khi ông nhìn ra cơ hội lúc hệ thống ngân hàng được phân thành hai cấp là ngân hàng nhà nước và thương mại. Vốn có kiến thức chuyên môn về ngân hàng, ông Trần Mộng Hùng cùng các bạn bè quyết định rời bục giảng, xây dựng ACB thành ngân hàng phục vụ các nhu cầu dân sinh.
Một trong những lý do khiến những vị lãnh đạo tài ba này bỏ nghề là: thu nhập nghề giáo quá thấp, trong khi khá vất vả. Tuy nhiên, cốt cách và đạo đức của nhà giáo vẫn được những người trong hàng ngũ lãnh đạo ACB giữ lại khi đi làm kinh doanh và quản trị, điều hành ngân hàng.
Sau 15 năm giữ chiếc ghế Chủ tịch ACB, năm 2008, ông Hùng rút lui khỏi HĐQT và chỉ giữ vị trí cố vấn quản trị. Tuy nhiên, đến năm 2012, sau khi vụ việc "bầu" Kiên khiến ACB lao đao, ông quay trở lại vị trí HĐQT từ năm 2012, để cùng ACB vượt khó.
Năm 2018, ông Trần Mộng Hùng đã rời HĐQT ACB và chuyển nhượng cổ phiếu của mình lại cho các con. Người sáng lập ACB cảm thấy mình đã hoàn thành sứ mệnh với thế hệ lãnh đạo thứ 2 của nhà băng này.
Nguyễn Tử Quảng – Chủ tịch HĐQT kiêm CEO BKAV
Ông Nguyễn Tử Quảng sinh tại xã Ninh Nhất huyện Hoa Lư, nay thuộc thành phố Ninh Bình tỉnh Ninh Bình. Với điểm xuất phát là học sinh giỏi khối phổ thông chuyên toán trường Đại học Sư phạm Hà Nội và sau đó trở thành sinh viên Khoa Công nghệ Thông tin trường Đại học Bách khoa Hà Nội, vị CEO nổi tiếng đã nuôi dưỡng niềm đam mê với công nghệ từ rất sớm.
Năm 1995, ông bắt đầu thực hiện các chương trình chống virus khi đang là sinh viên năm thứ ba Khoa công nghệ thông tin, trường Đại học Bách khoa Hà Nội và cung cấp miễn phí (đến năm 2005) cho cộng đồng mạng. Sau khi tốt nghiệp vào năm 1997, ông Nguyễn Tử Quảng được giữ lại trường Đại học Bách Khoa Hà Nội làm giảng viên. Trong suốt quá trình hành nghề giáo, ông vẫn tiếp tục theo đuổi việc nghiên cứu, phát triển phần mềm diệt virus.
Năm 2005, ông Quảng lập công ty riêng lấy tên Bkav để phát triển đội ngũ và theo đuổi đam mê an ninh mạng. Sau này Bkis cổ phần hóa với tỷ lệ 50-50 giữa đại học Bách khoa và Bkav. Tên thành lập của Bkav là Công ty TNHH An ninh mạng Bkav với 100% sở hữu thuộc về Nguyễn Tử Quảng.
Đến nay, Bkav có 6 công ty con hoạt động trong các lĩnh vực như Phần mềm, An ninh mạng, Chống mã độc, Nhà thông minh, Smartphone. Với việc tung sản phẩm smartphone Bphone đầu tiên vào năm 2015, cùng với phong cách ra mắt sản phẩm giống Apple, Bkav được ví như "Apple của Việt Nam".
Ông Đỗ Long – Tổng giám đốc kiêm nhà sáng lập Bitas
Từng làm giáo viên nhưng cuộc sống cơm áo gạo tiền đã đưa ông Đỗ Long, TGĐ Công ty Bitas, đến với nghề làm giày truyền thống của gia đình. Sau hơn 20 năm quay cuồng với kinh doanh, đã có lúc ông nghĩ đến việc quay trở về với nghề "gõ đầu trẻ”.
Đối với ông được làm thầy là một điều may mắn, dù thời gian đi dạy chỉ ngắn ngủi có 5 năm, nhưng từ đó đến nay, hơn 30 năm, nhiều lớp học trò cũ vẫn hằng năm tổ chức gặp gỡ, thăm hỏi ông vào dịp Ngày Nhà giáo 20/11.
Ngoài thương hiệu giày Bitas vợ chồng ông Long còn sáng lập nên thương hiệu thời trang Newtop (Công ty Nhật Tân). Sau gần 3 thập kỷ, thương hiệu giày Bitas không chỉ để lại dấu ấn sâu đậm cho thế hệ học sinh 7x, 8x của Việt Nam mà còn được xuất khẩu ra nhiều quốc gia trên thế giới.
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 là dịp cả nước, lớp lớp thế hệ học trò bày tỏ lòng biết ơn, tri ân sâu sắc tới các thầy, cô giáo – những người dù không sinh ra ta nhưng truyền tải cho ta nhiều kiến thức để vững bước trên đường đời. Với cốt cách, đạo đức của nhà giáo khi đi làm kinh doanh đã giúp nhiều doanh nhân chèo lái doanh nghiệp vững vàng và đều có những đóng góp rất ý nghĩa cho xã hội và đào tạo nên những thế hệ doanh nhân mới.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm