Thị trường hàng hóa
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, giá xăng dầu trong nước liên tục được điều chỉnh giảm từ tháng 7/2022 làm cho chỉ số giá tiêu dùng tháng 8/2022 chỉ tăng nhẹ 0,005% so với tháng trước. Nhờ đó mà lạm phát 8 tháng năm 2022 được kiểm soát ở mức 2,58%, áp lực các chi phí đầu vào được giảm đáng kể.
Trong 8 tháng năm nay, giá xăng dầu được điều chỉnh 22 đợt, trong đó có 8 đợt giảm giá, làm cho giá xăng A95 tăng 1.370 đồng/lít; xăng E5 tăng 1.170 đồng/lít và dầu diezen tăng 6.180 đồng/lít. Giá xăng dầu liên tục được điều chỉnh giảm liên tục tháng 7/2022 do Chính phủ giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu và theo biến động giảm của giá nhiên liệu thế giới.
Từ ngày 21/6, giá xăng A95 III ở mức 32.870 đồng/lít, dầu diezen ở mức 30.010 đồng/lít giảm xuống với các mức giá tương ứng là 24.660 đồng/lít và 23.750 đồng/lít. Giá xăng dầu giảm là yếu tố chủ yếu kiềm chế tốc độ tăng của CPI tháng 7 và tháng 8/2022.
Tuy nhiên, nhóm thực phẩm có tháng thứ 4 liên tiếp ghi nhận mức tăng so với cùng kỳ, ở mức 2,3%. Đây là mức tăng so với cùng kỳ cao nhất của nhóm thực phẩm kể từ tháng 11/2020 tới nay.
Từ đầu tháng 8, giá thịt lợn đã tăng mạnh trở lại so với cùng kỳ. Tính tới ngày 24/8, giá thịt lợn trung bình đạt mức 65.584 đồng/kg, tăng 20,11% YoY (Chỉ số so sánh tài chính của một hoặc nhiều đơn vị trên cơ sở hàng năm). Điều này cũng khiến nhóm dịch vụ ăn uống ngoài gia đình ghi nhận mức tăng 6,26% YoY, cao nhất kể từ tháng 11/2020 tới nay, và trở thành nhóm tạo áp lực tăng lớn thứ 2 đối với chỉ số CPI trong tháng 8 này.
Nhu cầu tiêu dùng về lương thực, thực phẩm của người dân đang trở lại như thời gian trước khi đại dịch diễn ra. Mặc dù Việt Nam là quốc gia có nguồn lương thực, thực phẩm dồi dào nhưng sẽ không tránh khỏi những ảnh hưởng từ giá thế giới khi nguồn cung phân bón và ngũ cốc dùng làm thức ăn chăn nuôi sụt giảm mạnh.
Ngoài ra, thị trường cuối năm cũng tiềm ẩn những yếu tố có khả năng tác động làm tăng CPI. Cụ thể, giá nguyên nhiên vật liệu trên thế giới đang ở mức cao mà Việt Nam là nước phải nhập khẩu khá nhiều nguyên liệu phục vụ sản xuất nên việc nhập khẩu nguyên liệu với mức giá cao sẽ ảnh hưởng đến chi phí, giá thành, tạo áp lực cho sản xuất của doanh nghiệp và từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước tăng lên, tạo áp lực cho lạm phát toàn nền kinh tế như các nhóm hàng: giá thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc trừ sâu…
Giá xăng dầu có thể giảm trong ngắn hạn nhưng rủi ro tăng trở lại là khá cao do xung đột Nga - Ukraine chưa chấm dứt; sự phục hồi kinh tế Trung Quốc có thể kéo nhu cầu năng lượng gia tăng. Ngoài ra, việc điều chỉnh tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu có thể gây áp lực thêm cho lạm phát năm sau.
Kinh tế trong nước đang trong giai đoạn phục hồi rõ nét. Cùng với các gói hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng, kinh tế có khả năng sẽ còn phục hồi mạnh mẽ hơn trong các tháng cuối năm. Khi đó, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa trong dân sẽ tăng mạnh, các hoạt động dịch vụ cũng sẽ tăng cao như các hoạt động du lịch, vui chơi, giải trí, ăn uống ngoài gia đình. Điều này sẽ đẩy giá cả hàng hóa và dịch vụ lên cao và tạo áp lực lạm phát.
Với nhu cầu du lịch tăng cao và mức nền so sánh thấp trong cùng kỳ năm 2021, nhóm dịch vụ ăn uống ngoài gia đình và thực phẩm nhiều khả năng sẽ thay thế nhóm giao thông trở thành nhóm tạo áp lực tăng lớn nhất đối với chỉ số CPI của Việt Nam. Ngược lại, nhóm giáo dục và bưu chính viễn thông là 2 nhóm duy nhất vẫn đang ghi nhận mức giảm do một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương miễn, giảm học phí trong đại dịch và giá phụ kiện điện thoại thông minh giảm.
Các chính sách kiểm soát giá của Chính phủ vẫn đang phát huy được hiệu quả khi chỉ số CPI trung bình 8 tháng đầu năm 2022 vẫn đang thấp hơn so với mức trung bình trong giai đoạn 2006-2021 (khoảng 6,8%). Trong khi đó, Chính phủ vẫn còn nhiều dư địa trong chính sách tài khóa để kiểm soát giá. Trung bình 8 tháng đầu năm, chỉ số CPI đã tăng 2,58% so với cùng kỳ.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm