Thị trường hàng hóa
Chiều 19/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp mặt đại diện các nhà giáo tiêu biểu nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
Tham dự cuộc gặp có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Công đoàn Giáo dục Việt Nam, và 60 nhà giáo tiêu biểu.
Báo cáo tại cuộc gặp, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, ngành giáo dục hiện có gần 27 triệu học sinh, sinh viên; khoảng 1,6 triệu nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục.
Trong đó, Giáo dục Mầm non có 14.969 trường, với 4.349.667 trẻ và 456.155 giáo viên, cán bộ quản lý; Giáo dục Phổ thông có 26.208 trường, với 17.908.236 học sinh và 957.341 giáo viên, cán bộ quản lý; Giáo dục Đại học có 244 cơ sở đào tạo, với 2.021.901 sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh và 76.576 giảng viên, cán bộ quản lý; Giáo dục nghề nghiệp có 1.911 cơ sở giáo dục nghề nghiệp với 2.751.324 học sinh, sinh viên và 83.959 giáo viên, cán bộ quản lý.
Hiện nay, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo theo Luật Giáo dục năm 2019 đối với cấp Mầm non là 82,0%; Tiểu học là 75,3%; Trung học cơ sở là 86,4%; Trung học phổ thông là 99,9%.
Cũng theo ông Phạm Ngọc Thưởng, thời gian qua, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp không ngừng lớn mạnh, chất lượng không ngừng được nâng cao. Hầu hết cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, người lao động trong các cơ sở giáo dục và đào tạo đều có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thần trách nhiệm, tâm huyết, tận tụy với nghề; luôn giữ vững đạo đức, tác phong nhà giáo.
"Nhiều thầy cô giáo không ngại khó khăn, thậm chí hy sinh cả tuổi thanh xuân của mình, hằng ngày bám bản, bám làng để gieo con chữ cho các học trò vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn", ông Thưởng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cũng cho biết, đời sống của nhà giáo, nhất là các thầy cô ở vùng sâu vùng xa còn nhiều khó khăn; tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ vẫn chưa được giải quyết triệt để;
Còn có một số giáo viên có biểu hiện vi phạm đạo đức nhà giáo gây ảnh hưởng xấu trong dư luận; chất lượng đội ngũ chưa đồng đều, một bộ phận nhỏ cán bộ quản lý, giáo viên chậm đổi mới, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển giáo dục, đào tạo trong giai đoạn hiện nay.
"Ngành giáo dục nhận thức rõ những tồn tại, hạn chế này và đang ra sức khắc phục và đề nghị các cấp có thẩm quyền quan tâm, chung tay giải quyết", ông Thưởng nói.
Trong 2 năm vừa qua, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ đã có nhiều buổi làm việc với ngành giáo dục để kịp thời chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho ngành; trình Quốc hội quyết định tăng lương cơ bản cho đội ngũ công chức, viên chức trong đó có công chức, viên chức ngành giáo dục; đồng thời đang chỉ đạo sát sao để có thể tăng phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên trong thời gian sớm nhất.
Nhân dịp này, Bộ GD&ĐT, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm hơn nữa, lãnh đạo chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương và cả hệ thống chính trị chung tay với ngành giáo dục để triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về đội ngũ giáo viên nói riêng, về lĩnh vực giáo dục và đào tạo nói chung đúng theo tinh thần giáo dục là quốc sách hàng đầu, là chìa khóa cho thành công, là tương lai của đất nước.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm