Thị trường hàng hóa
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam chi nhánh TP.HCM vừa có văn bản gửi Công an Thành phố, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM đề nghị phối hợp xử lý về việc một số ngân hàng bị giả mạo logo, con dấu để lừa đảo.
Theo đó, liên tiếp từ tháng 4/2024 đến nay, NHNN Việt Nam chi nhánh TP.HCM nhận được văn bản của một số ngân hàng thông báo về các thủ đoạn lừa đảo liên quan đến giả danh tổ chức.
Cụ thể, Ngân hàng Qatar National Bank tại TP.HCM cho biết, thường xuyên tiếp nhận nhiều cuộc điện thoại từ người dân phản ánh bị nhóm các đối tượng tự xưng là nhân viên của Văn Phòng đại diện ngân hàng này đề nghị kết nối qua ứng dụng Zalo trên điện thoại, gửi nhắn tin đề nghị hỗ trợ vay vốn, nhưng mục đích để chiếm đoạt tài sản.
Các đối tượng đề nghị người vay vốn đặt cọc 30% đối với số tiền vay để chứng minh khách hàng không cố ý đăng ký sai thông tin và không có giả mạo hồ sơ vay để chiếm đoạt tiền của ngân hàng.
Nếu khách hàng làm lệnh xác minh thành công thì hệ thống sẽ giải ngân số tiền cho vay và hoàn trả số tiền cọc. Tuy nhiên, thực tế nếu khách hàng thực hiện theo yêu cầu thì sẽ bị chiếm đoạt số tiền đã đặt cọc.
Khi thực hiện hành vi nêu trên, các đối tượng đã giả mạo logo, con dấu của Văn Phòng đại diện Ngân hàng Qatar National Bank.
Ngân hàng này khẳng định, con dấu được cấp hoàn toàn khác với con dấu do các đôi tượng thực hiện hành vi lừa đảo sử dụng.
Còn Ngân hàng Daegu - Chi Nhánh TP.HCM phản ánh, các đối tượng lừa đảo đã tạo trang web mang tên "Vietcombank liên kết vớị DGB Daegu Bank”, đồng thời sử dụng logo “DGB” để gửi thông báo khoản vay đến nạn nhân của chúng.
Sau đó, đối tượng giả mạo là nhân viên của Ngân hàng Daegu đề nghị những người này cung cấp thông tin cá nhân và yêu cầu nạn nhân chuyển một số tiền trước qua tài khoản của kẻ mạo danh (QR code), hoặc đặt cọc để được giải ngân khoản vay, rồi chiếm đoạt các khoản tiền đã chuyển của nạn nhân.
Ngân Hàng Daegu Chi Nhánh TP.HCM thông báo không có dịch vụ internet banking, website, Mobile banking và cũng không cung cấp khoản vay cá nhân.
Tương tự, Ngân hàng BPCE IOM Chi nhánh TP.HCM (BPCE) cũng cảnh báo thủ đoạn như trên và đã công bố khẩn cấp trên trang web chính thức của ngân hàng để cảnh báo về việc một số cá nhân hoặc nhóm người đã khai thác trái phép tên, logo và nhãn hiệu của BPCE.
BPCE nhấn mạnh, ngân hàng không cung cấp các dịch vụ cho vay cá nhân và cũng không có bất kỳ ứng dụng khách hàng nào ngoại trừ kênh ngân hàng trực tuyến chính thức.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm