Thị trường hàng hóa
Theo chuyên gia Brian Lee Shun Rong - nhà nghiên cứu kinh tế vĩ mô về Việt Nam, Campuchia, Lào và Myanmar, đến từ Ngân hàng đầu tư Maybank, Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh để trở thành một con hổ mới của châu Á.
Các lợi thế này gồm: Nền công nghiệp Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ. Theo đó, dữ liệu của Maybank cho thấy cả nguồn vốn FDI đầu tư vào Việt Nam lẫn kim ngạch xuất khẩu trong 10 năm qua đều luôn lớn hơn các quốc gia Đông Nam Á khác. Điều đáng nói, ngành hàng điện tử, điện thoại đã vượt mặt dệt may trở thành lĩnh vực mang lại kim ngạch xuất khẩu cao nhất, chứng tỏ Việt Nam đã nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Một lợi thế khác của Việt Nam chính là môi trường kinh doanh nhất quán, với sự hỗ trợ rất lớn đối với các doanh nghiệp nước ngoài. Theo đó, chỉ số đo lường mức độ hạn chế trong chính sách đối với FDI của Việt Nam đã giảm hơn một nửa trong vòng 10 năm từ 2010 đến 2020, trong khi số lượng Hiệp định thương mại tự do chỉ đứng sau Singapore - cho thấy độ mở cao của nền kinh tế đối với thương mại và đầu tư từ nước ngoài.
Đặc biệt, so với các quốc gia trong khu vực, Việt Nam được đánh giá có vị trí chiến lược dễ dàng tiếp cận với các tuyến vận chuyển quốc tế, qua đó, trở thành điểm đến mới của hàng loạt doanh nghiệp cần đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
Thực tế cho thấy, nền công nghiệp Việt Nam phát triển mạnh mẽ đang trở thành thỏi nam châm hút vốn ngoại và hiện đang có rất nhiều doanh nghiệp từ các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ… tiếp tục “đổ vốn” vào Việt Nam. Theo ông John Campbell - Phó Giám đốc, Bộ phận Dịch vụ Công nghiệp Savills Việt Nam, các chính sách hỗ trợ nền kinh tế và chiến dịch tiêm chủng thành công của Việt Nam trong thời gian qua đã tạo cơ sở vững chắc cho các doanh nghiệp nước ngoài đặt niềm tin vào sự phát triển của kinh tế Việt Nam.
“Không thể phủ nhận rằng năm 2021 là một năm rất khó khăn, đặc biệt là với những làn sóng bùng phát mạnh mẽ của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, trong vài tháng qua, từ cuối năm 2021 đến nay, chúng ta đã có một số bước phát triển tích cực, mới nhất là việc mở lại biên giới và miễn visa cho công dân của 13 quốc gia. Điều này rất có ý nghĩa với các chủ đầu tư cũng như khách thuê là các công ty đa quốc gia chưa thể đến Việt Nam. Các công ty này có thể đến xem dự án trực tiếp, ký hợp đồng thuê, thiết lập các cơ sở tại Việt Nam cũng như hoàn thiện giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (IRC) và giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (ERC)”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.
Điển hình như Nhật Bản, ông Matsumoto - Trưởng đại diện văn phòng Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản tại TP. Hồ Chí Minh (JETRO) cho biết, có 55,3% trong tổng số doanh nghiệp Nhật Bản đã trả lời "sẽ mở rộng” phát triển kinh doanh tại Việt Nam trong 1 đến 2 năm tới, cao nhất khu vực Đông Nam Á. Nếu xét trên toàn khu vực châu Á thì con số này chỉ đứng sau Ấn Độ, Bangladesh và Pakistan.
Còn về xuất khẩu, con số từ Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, nếu như cả năm 2012 xuất khẩu hàng linh kiện, điện thoại của Việt Nam mới chỉ đạt 12,6 tỷ USD thì chỉ trong vòng 7 tháng đầu năm 2022 con số này đã đạt 33,7 tỷ USD).
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cũng chỉ ra những nhiệm vụ cần phải thực hiện trên con đường vươn mình thành con hổ mới châu Á của Việt Nam gồm: Cần tiếp tục nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, ưu tiên phát triển những ngành nghề cần lao động chất lượng cao, chú trọng cải thiện chất lượng nguồn nhân lực sẵn sàng cho chuyển đổi số.
Theo đó, về tỷ lệ nội địa hóa, do ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam chưa đủ mạnh nên doanh nghiệp đa quốc gia ở Việt Nam chủ yếu nhập khẩu nguyên vật liệu về để sản xuất, điều này làm giảm năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp.
“Các doanh nghiệp Việt Nam đang gặp một số vấn đề như chất lượng sản phẩm, kỹ thuật chưa hoàn thiện dẫn đến trở ngại cho việc thu mua linh kiện, nguyên vật liệu tại Việt Nam”- ông Matsumoto - Trưởng đại diện văn phòng Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản tại TP. Hồ Chí Minh (JETRO) nhận định.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm