Thị trường hàng hóa
Theo dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (USAID LinkSME), DNN&V trong lĩnh vực nông nghiệp và hộ gia đình gặp nhiều khó khăn, hạn chế trong chuyển đổi số.
Về con người, để áp dụng công nghệ thành công cần có các nhân sự để hỗ trợ vận hành và hướng dẫn các hộ nông dân/hợp tác xã xuyên suốt quá trình triển khai.
DNN&V hiện đang gặp nhiều hạn chế trong việc tuyển dụng nhân sự với các kỹ năng chuyển đổi số và giữ chân các nhân sự trong thời gian dài.
Nông dân hạn chế về năng lực sử dụng công nghệ, việc sử dụng các ứng dụng đơn giản trên điện thoại cần có sự hướng dẫn chi tiết, kịp thời. Việc thuyết phục nông dân sử dụng các thiết bị công nghệ cần nhiều thời gian và việc chứng minh tăng doanh thu, giảm các chi phí mua phân bón, hóa chất thông qua sử dụng công nghệ còn khó khăn.
Khảo sát của Ngân hàng Thế giới cho thấy, 60% nông dân Việt Nam sẵn sàng chi tiền cho các dịch vụ tư vấn và thông tin dự báo. Tuy nhiên, nông dân sẽ có xu hướng không dùng các dịch vụ mà họ nghĩ nên được cung cấp miễn phí hoặc bởi Chính phủ.
Về thị trường, khảo sát của dự án USAID LinkSME nhận thấy, tỷ lệ người tiêu dùng sẵn sàng bỏ ra nhiều tiền hơn để mua các sản phẩm nông sản với chất lượng tốt, thông tin đầy đủ còn thấp. Hầu hết người tiêu dùng còn lưỡng lự về giá khi quyết định lựa chọn sản phẩm.
Để vượt qua được các thách thức này và chuyển đổi thành công, ngoài sự nỗ lực của DNN&V còn cần sự hỗ trợ về mặt chính sách liên quan đến tài chính, thuế, và truyền thông từ các cơ quan ban ngành.
Dự án USAID LinkSME khuyến nghị: DNN&V trước tiên cần xác định mục tiêu chiến lược trong ngắn hạn (1-3 năm) và dài hạn (3-5 năm), với mục tiêu bao gồm: Tăng trưởng thị phần và doanh thu; tăng sự hài lòng của khách hàng và mức độ nhận diện thương hiệu; cải thiện hiệu quả vận hành của doanh nghiệp; xác định các thay đổi cần thiết trong mô hình kinh doanh và hoạt động để đạt được mục tiêu chiến lược.
Cùng với đó là phân tích sử dụng mô hình kinh doanh Canvas (khung chiến lược đồ hoạ, giúp thể hiện và hệ thống thông tin) để xác định các thay đổi cần thiết.
Theo xu hướng thị trường và sự phát triển của công nghệ, doanh nghiệp cần tập trung vào thay đổi kênh phân phối và việc quản lý khách hàng.
Đối với doanh nghiệp một thành viên, mục tiêu là đạt mức tăng trưởng doanh thu kép 15% (CAGR) và trở thành thương hiệu nông sản sạch được người dùng tin cậy. Thị trường mà doanh nghiệp tập trung tăng trưởng doanh thu bao gồm thị trường cao cấp trong nước (siêu thị/cửa hàng thực phẩm sạch) và thị trường tiêu dùng Châu Âu.
Với mục tiêu này, doanh nghiệp cần thay đổi kênh phân phối, chuyển sang bán hàng đa kênh (kênh thương mại điện tử, mạng xã hội, website, tổng đài) để tiếp cận được tập khách hàng lớn hơn.
Đồng thời, chuẩn hóa quy trình sản xuất, phân phối, đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường trong nước (VietGAP) và các yêu cầu của thị trường Châu Âu.
Áp dụng công nghệ để truy xuất nguồn gốc nông sản, nhằm ghi nhận đầy đủ các thông tin trong quá trình sản xuất, vận chuyển, phân phối và đem đến sự minh bạch cho khách hàng.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm