Thị trường hàng hóa

  • Vàng 2,007.50 +11.50 +0.58%
  • XAU/USD 1,998.53 +9.13 +0.46%
  • Bạc 25.317 +0.246 +0.98%
  • Đồng 3.8457 -0.0158 -0.41%
  • Platin 1,112.70 +6.70 +0.61%
  • Paladi 1,513.28 +4.88 +0.32%
  • Dầu Thô WTI 74.55 +0.25 +0.34%
  • Dầu Brent 78.06 +0.34 +0.44%
  • Khí Tự nhiên 2.311 +0.006 +0.26%
  • Dầu Nhiên liệu 2.3770 +0.0078 +0.33%
  • Xăng RBOB 2.5190 +0.0065 +0.26%
  • Dầu khí London 693.00 +1.62 +0.23%
  • Nhôm 2,312.00 -15.00 -0.64%
  • Kẽm 2,602.00 -43.00 -1.63%
  • Ni-ken 23,721.00 +75.00 +0.32%
  • Copper 8,492.50 -60.00 -0.70%
  • Lúa mì Hoa Kỳ 634.60 -6.40 -1.00%
  • Thóc 17.030 -0.040 -0.23%
  • Bắp Hoa Kỳ 597.00 -3.00 -0.50%
  • Đậu nành Hoa Kỳ 1,409.50 -4.50 -0.32%
  • Dầu Đậu nành Hoa Kỳ 51.78 -0.72 -1.37%
  • Khô Đậu nành Hoa Kỳ 425.55 -1.85 -0.43%
  • Cotton Hoa Kỳ loại 2 78.62 +0.26 +0.33%
  • Ca Cao Hoa Kỳ 2,947.50 -2.50 -0.08%
  • Cà phê Hoa Kỳ loại C 188.80 -2.80 -1.46%
  • Cà phê London 2,382.00 -143.00 -5.66%
  • Đường Hoa Kỳ loại 11 26.66 +0.15 +0.57%
  • Nước Cam 269.85 -10.00 -3.57%
  • Bê 174.45 +0.15 +0.09%
  • Heo nạc 78.40 +1.52 +1.98%
  • Bê đực non 233.70 +4.38 +1.91%
  • Gỗ 348.00 -15.70 -4.32%
  • Yến mạch 327.90 +0.60 +0.18%
18:00 29/11/2022

Người xưa đo đường bộ thế nào?

Thời xưa, quãng đường được đo bằng đơn vị thước, tầm, dặm. Khoảng cách giữa các nơi đều được ghi chép cụ thể và ước lượng bằng “ngày đường”.

Thời phong kiến người dân thường tính khoảng cách bằng ngày đường. Ảnh minh họa.

Trong bộ địa chí đầu tiên của nước ta, “dư địa chí” của Nguyễn Trãi, mới chỉ ghi về hành chính, đất đai, sản vật của từng địa phương chứ không ghi chép về quãng đường. Đến cuối triều Lê, đầu triều Nguyễn, phần “Dư địa chí”, nằm trong bộ “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú cũng khảo cứu về đất đai, phong thổ và lịch sử địa lý Việt Nam qua các đời; nhưng chưa ghi rõ về khoảng cách giữa các địa phương.

Đến bộ “Hoàng Việt nhất thống dư địa chí” của Lê Quang Định, bộ địa chí đầu tiên của triều Nguyễn được hoàn thành năm Gia Long thứ 5 (1806) có 10 quyển thì đã dành đến 3 quyển từ quyển 2 đến quyển 4 là phần “Dịch lộ” để chép về hệ thống đường trạm, tức đường chính từ kinh đô Huế đến các dinh trấn, gồm cả đường bộ và đường thủy.

Ngoài ra, trong 6 quyển còn lại, tác giả gọi là phần “Thực lục”, chép về các dinh trấn, cũng ghi chép chi tiết về đường bộ và đường thủy từ lỵ sở các dinh trấn đi các nơi.

Việc đắp đường được ghi trong chính sử nước ta từ thời Tiền Lê. Thời nhà Hồ, năm 1402, vua Hồ Hán Thương đã cho sửa sang lại con đường thiên lý từ kinh đô Thanh Hóa đến Thuận Hóa (Huế). Con đường thiên lý dọc đất nước cứ nối dài mãi ra theo bước chân của những người mở đất, và thời Nguyễn, nhiều lần chính sử ghi việc nhà vua cho “căng dây, đóng cọc, đắp đường”.

Việc đo đường được sử nhà Nguyễn, “Đại Nam thực lục”, chép vào đời chúa Ninh Nguyễn Phúc Chú, vào tháng 2 năm 1731, chúa đã sai chỉ huy ba ty Tướng thần lại, Xá sai, Lệnh sử là Nguyễn Văn Đạo, Nguyễn Văn Tịnh, Nguyễn Văn Diễn chia nhau đi các sở tuần ở thượng đạo, chiếu theo thời khắc đồng hồ để nghiệm xem dặm đường gần xa.

Khi còn đang tranh đấu với triều Tây Sơn, vào mùa thu năm (1799), chúa Nguyễn Ánh đã sai các dinh Bình Thuận, Bình Khang, Phú Yên đo đường sá xa gần để tâu lên. “Đại Nam thực lục” cho biết: “Bình Thuận từ trạm Du Quân đến trạm Xích Lam dài 79.680 trượng, Bình Khang từ mốc giới đỉnh đèo Đại Lãnh đến trạm Du Quân dài hơn 39.317 trượng, Phú Yên từ đỉnh núi Cù Mông đến mốc giới đỉnh đèo Đại Lãnh dài hơn 20.737 trượng” (Theo Giáo sư Lê Thành Khôi thì mỗi trượng là 10 thước, và thước thời chúa Nguyễn quy định bằng 0,425m, sau đó thống nhất bằng 0,4m).

Về đường thủy, thì sau khi vua Gia Long thống nhất đất nước, năm Gia Long thứ 15 (1816), nhà vua đã sai các dinh trấn, xem đo đường biển cách nhau xa gần bao nhiêu, vẽ bản đồ dâng lên.

Đến tháng 6 năm Gia Long thứ 16 (1817), nhà vua tiếp tục sai Hữu tham tri bộ Công Nguyễn Đức Huyên và Tả tham tri Đoàn Viết Nguyên làm sách “Duyên hải lục”, phía Nam đến Hà Tiên, phía Bắc đến Yên Quảng (Quảng Ninh ngày nay), phàm các cửa biển, mực nước khi triều lên triều xuống sâu nông thế nào, dặm đường xa gần bao nhiêu, đều chép cả. Sách “Duyên hải lục” được làm hai quyển, ghi chép về 143 cửa biển suốt chiều dài đất nước. “Lấy 540 trượng là một dặm, thành số hơn 5.902 dặm”, sách viết.

Còn về đường bộ, trong bộ “Hoàng Việt nhất thống dư địa chí” của Lê Quang Định hoàn thành năm 1806, việc kê cứu đường đi từ kinh đô đến các dinh trấn, từ sở lỵ dinh trấn đến các nơi trong dinh trấn đã được thể hiện rất tỉ mỉ. Đơn vị đo đạc trong sách dùng “tầm” là chứ không dùng “trượng” nữa, và có chỗ chi tiết đến cả đơn vị “tấc”.

Theo chú thích của dịch giả Phan Đăng, thì sách “Từ Nguyên” giải thích 1 tầm bằng 8 thước (tương đương 6 feet của Anh), tức bằng 1,825m.

Phần “Phàm lệ” trong sách “Hoàng Việt nhất thống chí” viết: “Theo phép đo đạc thời xưa thì 1 bộ là 5 thước, 360 bộ là 1 dặm, tức là 1.800 thước. Nhưng so với thước xưa, nay thước có dài hơn, một bộ chỉ còn 3 thước, cho nên mỗi dặm chỉ là 1.080 thước, tức 216 tầm (394,2m)”.

Năm 1802, sau khi vua Gia Long lên ngôi, Lê Quang Định từ chức Hữu tham tri được thăng lên Thượng thư bộ Binh và cử làm Chánh sứ, cùng Lê Chính Lộ và Nguyễn Gia Cát sang sứ nhà Thanh. Do đó, trong phần “Phàm lệ”, ông viết: “Tuy chẳng dám sánh cùng phép đo xưa nhưng cứ nghiệm trong lần đi sứ sang Bắc năm trước thì đại để mỗi ngày đi chừng 80 - 90 dặm (khoảng 34 km), tuy khoảng cách giữa các trạm ở nước ta dài ngắn không đều, nhưng cũng có thể ước chừng 8.000 - 9.000 tầm, xê xích trong khoảng đó cũng có thể định thành dặm, và như vậy mỗi trạm cách nhau chừng 40 dặm đường (15,7km), mỗi ngày đi qua 2 trạm, không kể đến thời gian sớm hay chiều, người đi mệt hay khỏe. Như vậy, cứ 216 tầm là 1 dặm, vả cách tính ấy cũng giống phép đo của Trung Quốc (nhà Thanh) thời nay vậy”.

Trong lời “Tựa” của sách, Lê Quang Định viết: “Trộm nghĩ, ghi chép địa dư có trong Chu Lễ, Chức Phương Thị giữ việc sổ sách đã ghi chép đường sá, đất đai thổ sản của khắp thiên hạ rồi dâng lên vua để dùng, kế đến các đời Hán Đường cũng đều có ghi chép, há chỉ để khoe đất rộng người đông sao? Ghi chép trung thực về sự dễ khó của núi sông, xa gần của đường sá, giới hạn của bờ cõi, nguồn gốc của biển sông, sao cho thống nhất đầy đủ rộng khắp, làm thành đồ bản rõ ràng như lòng bàn tay, vì đó là mấu chốt để cầm giữ thiên hạ nên không thể thiếu sót được”.

Sách của Lê Quang Định ghi chi tiết khoảng cách giữa các địa phương, tuy nhiên, đó là theo đường đi cách đây trên 200 năm. Ngày nay, các tuyến đường bộ đã thay đổi nhiều, nhờ kỹ thuật hiện đại, phần lớn khoảng cách đều được rút ngắn. Nhưng qua những ghi chép này, ta có thể có được những số liệu chi tiết, như quãng đường từ kinh sư (Huế) đến thành Gia Định lúc đó là 2.344 dặm (thừa 95 tầm), đi hết 30 ngày; hay khoảng cách từ kinh sư đến Thăng Long là 380.383 tầm 4 thước, tức 1.427 dặm rưỡi, thừa 43 tầm 4 thước, đi hết 19 ngày rưỡi.

---------------------------------

1. Dinh Bình Khang, sau là dinh Bình Hòa, rồi trấn Bình Hòa, nay là tỉnh Khánh Hòa.

2. Tức là Đèo Cả, ranh giới hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa ngày nay.

3.Tức là Đèo Cù Mông, ranh giới hai tỉnh Bình Định và Phú Yên ngày nay.

Xem nhiều

Đọc thêm

Xem thêm