Thị trường hàng hóa
Với nhiều người thế hệ 7X, 8X, món quà vặt mà bố mẹ mua cho vào những năm thơ bé “sang trọng” nhất phải kể đến bánh chả, quẩy xoắn đường. Mùa hè trời nóng nực, người ta thích chè đỗ đen, thích que kem hơn. Còn mùa đông, nhất là vào lúc chớm lạnh như thế này, cơ thể chưa quen với những cơn gió rét, những đồ ngọt cực kì thích hợp.
Chiếc bánh chả xinh xinh, nhỏ như quân cờ, gói trọn cả bầu trời tuổi thơ. “Nhỏ nhưng có võ”, miếng bánh chả có đủ vị ngọt, béo, bùi, ngậy, hơi cay, đặc biệt là rất thơm vị lá chanh. Thứ bánh này, ăn chơi cũng được nửa gói, chỉ biết là nên dừng lại chứ không biết chán.
Theo những người làm bánh gia truyền lâu năm tại Hà Nội, nhân chính của bánh chả là mỡ lợn, vì vậy, việc chọn được những miếng mỡ ngon là điểm quyết định cho mẻ bánh. Người làm bánh khéo sẽ biết chọn mỡ lợn thăn của con lợn ngon, dầy mỡ dày bì. Sau khi rửa sạch đem trần qua với nước sôi cho mỡ cứng lại.
Đến khi ráo nước, mỡ phần sẽ được đem đi cắt miếng nhỏ hạt lựu, rồi đem ướp đường. Theo như bí quyết của những nhà làm bánh cổ truyền chính gốc Hà Nội, để mỡ thêm dẻo, ta có thể trộn vào hỗn hợp mỡ ướp đường một chút bột nếp. Nếu làm bánh ăn chơi thì công đoạn sẽ ngắn hơn nhưng làm bánh bán, theo công thức gia truyền thì nhất định mỡ ướp đường muốn đạt độ hòa quyện cần phải có thời gian ướp khá lâu, khoảng trên dưới 10 ngày, tùy vào điều kiện thời tiết.
Để miếng bánh vừa béo vừa thơm với hương vị đặc trưng không thể trộn lẫn thì nguyên liệu lá chanh đặc biệt quan trọng, là “hồn cốt” của bánh chả. Những người làm bánh chuyên nghiệp để đảm bảo có đủ lá chanh làm bánh chả quanh năm, bất kể thời gian cây khô lá vàng, người thợ bánh thường phải đặt lá, “ém” lá chanh từ những mối hàng lá lớn. Lá chanh mua về rửa sạch, thái chỉ, trộn vào nhân bánh rồi xào cùng một chút muối trắng để nhân bánh thêm đậm đà.
Bí quyết để cho ra đời những mẻ bánh vàng nâu cánh gián hấp dẫn của thợ làm bánh là trước khi đem nướng thì phết lên bề mặt bánh một lớp mỏng trứng gà đánh nhuyễn. Vì miếng bánh nhỏ, nên nướng bánh chả không cần tốn nhiều thời gian, chỉ cần khoảng 20 phút cho một mẻ bánh. Đặc biệt, đến công đoạn cuối cùng này không thể sốt ruột mà phải chăm chút bằng việc để ý canh nhiệt độ sao cho vừa đủ lửa cho miếng bánh đạt đúng độ giòn, đúng màu vàng nâu cánh gián và ánh lên màu mỡ.
Chiếc bánh thơm ngọt đậm đà vừa giúp xua đi cái giá lạnh của mùa đông, tăng năng lượng cho người ăn, lại để lại dư vị rất riêng. Bây giờ, nhiều năm trôi qua, giữa bao nhiêu loại bánh kẹo nhập khẩu, trẻ con cũng sành miệng hơn rất nhiều, thế mà bánh chả vẫn có chỗ đứng ở Hà Nội cũng như các tỉnh thành khác.
Như vậy, đủ thấy chiếc bánh chả có sức sống lâu bền, có hương vị đặc biệt thế nào. Nhất là trong ngày lạnh thế này, tạt vào quán ven đường, nhấp một ngụm trà đặc nóng, ăn vài miếng bánh chả. Trong khi đó, tại gia đình, bên chén trà sen Hồ Tây bốc khói, đĩa bánh chả bày ra cũng khiến ta được tận hưởng những mĩ vị trên đời.
Nếu như chiếc bánh chả hấp dẫn cả người lớn, cả trẻ con, mọi người ở mọi lứa tuổi đều có thể ăn thì chiếc quẩy đường giòn tan lại hấp dẫn chủ yếu các em nhỏ, đặc biệt lứa tuổi học trò.
Tôi vẫn nhớ, lần đầu tiên tôi được ăn những chiếc quẩy này là quà của mẹ mang về khi đi khám tại Bệnh viện E Hà Nội. Hà Nội với đứa trẻ non nớt bấy giờ là những gói quẩy giòn tan, ngọt ngào. Cùng với nỗi mong mỏi mẹ điều trị nhiều ngày ở bệnh viện về, đương nhiên là tôi còn mong cả những gói quẩy ấy.
Sau này, xuống Hà Nội học rồi chọn ở lại đây, những gói quẩy này đã trở thành quen thuộc với tôi, khiến tôi cứ nhìn thấy nó lại nhớ quê nhà, nhớ mẹ. Chỉ là thứ ăn vặt rất rẻ tiền thôi, mà đã đằm trong kỷ niệm rồi, nên lúc thì nó khiến tôi mơ về Hà Nội, lúc lại làm tôi nhớ quê. Hóa ra, cứ điều gì trở thành ký ức thì đều trở nên đầy yêu thương, bất kể là đắt hay rẻ, là quý giá hay rất đỗi bình thường.
Món ăn này chẳng biết có từ bao giờ, bình dân đến độ mà hầu như quán nước trà đá, quán đồ ăn vặt vỉa hè nào cũng có. Có hai loại quẩy đường, một loại nhỏ như chiếc đũa, bánh theo cân; Loại to hơn, xoắn lại làm đôi, thường được đóng trong gói nilon, có nhãn mác hoặc không.
Dù là loại nào, hương vị cũng từa tựa nhau. Đó là giòn tan, ngọt lịm và thoang thoảng vị gừng. Nguyên liệu để làm bánh chắc giống nhau, là bột mì kèm bột nở, đường kính và vài lát gừng. Bột nặn hành hình chiếc quẩy rồi chiên lên, bánh đượm màu vàng sậm.
Miếng bánh giòn tan nhưng không vỡ vụn. Khi nhai nát, vị tinh bột, vị đường hòa quyện với nhau trong miệng, ăn mãi mà không chán. Bánh cũng giống như bánh rán mà lại không ngấy, cũng giống như chiếc quẩy ăn phở nhưng lại để ăn chơi, để được lâu.
Khắp các chợ làng quê hay tại Hà Nội, chiếc quẩy đường xoắn chưa bao giờ ế hàng. Các cô cậu học trò nhỏ không vì bim bim, nem chua rán, quẩy nóng, bánh hamburger mà quên đi món ăn rất bình dân này.
Nó không phải là thứ quà vặt có thể ăn hàng ngày. Nó cũng không phải là thứ cao sang mĩ vị gì khiến ta day dứt nhớ. Bây giờ, quẩy xoắn hay quẩy thừng còn có mặt cả trên các trang bán hàng điện tử. Thế đủ để thấy, trong nhịp sống hiện đại ngày nay, những thứ lâu năm ấy không những mất đi mà còn có giá trị, góp thêm cho sự phong phú của ẩm thực Hà thành.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm