Thị trường hàng hóa
Sinh ra để làm nghệ thuật
Tiên sinh Lê hay nhà thư pháp Lê Thiên Lý là người con của mảnh đất Kiến Thụy, Hải Phòng - nơi từng tấc đất, địa danh đều nhuốm màu truyền thống văn hóa và lịch sử cách mạng. Năm 1962, ông bắt đầu sáng tác những tác phẩm tượng hình chỉ bằng một nét bút trên báo Thiếu niên Tiền Phong. Trở về từ quân ngũ, ông tiếp tục tích cực tham gia các động tuyên truyền cách mạng qua những bức tranh vẽ cổ động, đả kích, kẻ chữ khẩu hiệu.
Sau này khi bước vào tuổi ngũ tuần, ông bén duyên với thư pháp qua một lần tham quan triển lãm 20 bức tranh chữ của cố thư pháp gia Lê Xuân Hòa (1913 - 2008) tại Hà Nội. Như “phải lòng” với nét đẹp văn hóa này, ông dành cả mấy tiếng đồng hồ sau đó để thưởng lãm, một ý niệm lóe lên trong đầu ông: “Tôi quyết định theo đuổi thư pháp Việt từ khi ấy”.
Khi bắt đầu với thư pháp, ông khó khăn trong việc tìm người hướng dẫn, tư liệu về chữ Hán - Nôm, thư pháp rất hiếm do phong trào thư pháp chưa mạnh, tuy nhiên, sẵn với nhiệt huyết ham học hỏi, ông tự tìm tòi và nghiên cứu hàng trăm tài liệu về chữ Hán - Nôm, tự học trên báo, đài Bắc Kinh, và luyện tập viết chữ ròng rã trong thời gian dài. Mỗi ngày, ông dành từ 16 - 18h để học, luyện và nghiên cứu thư pháp, cũng dần đến ngày “mài sắt thành kim”.
Năm 2003, ông cùng nhà thư pháp Lê Đức Đôn (Chủ nhiệm CLB Hán - Nôm Hải Phòng) thành lập CLB Hán - Nôm tại Hải Phòng (thuộc Trung tâm văn hóa TP Hải Phòng), quy tụ tất cả những người có niềm đam mê với chữ Hán - Nôm. Đến năm 2007, ông thành lập CLB Thư pháp TP Hải Phòng (thuộc Cung văn hóa TP Hải Phòng).
Trong quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa, ông đặc biệt lưu tâm đến tục lệ khai bút đầu năm của dân tộc, ông đã tiên phong khai mở Lễ hội khai bút đầu xuân đầu tiên tại chính quê hương của mình là Đền Nhà Mạc (Kiến Thụy), sau đó là mở rộng tại nhiều nơi như Đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm tại thôn Trung Am, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, đền thờ Tiến sĩ Lê Đức Liêu, làng Quỳnh Hoàng, xã Nam Sơn, đền An Hồng Phúc, xã An Hồng (An Dương), đền Bát vị Đại vương, chùa Thắng Phúc (Tiên Lãng), đền thờ Chu Văn An - Vạn thế sư biểu (Chí Linh, Hải Dương),...
Ngày nay, đây đã như một nét đẹp văn hóa đầu xuân không thể thiếu ở nhiều địa phương với ý nghĩa khai bút là “khai tâm, khai trí, khai sáng”.
Làm giàu cho văn hóa thư pháp Việt với "Nhân diện thư" và "Vật điểu thư"
Tiếp nối những di sản từ những thư pháp gia đi trước, cùng niềm đam mê, vốn kiến thức uyên thâm thu được trong quá trình nghiên cứu và sự trăn trở về một lối viết thư pháp Việt hoàn toàn mới để thoát khỏi lối mòn của 5 lối viết thư pháp truyền thống: Triện thư, Lễ thư, Khải thư, Thảo thư, Hành thư. Ông khai sinh ra hai thể thư pháp mới là “Nhân diện thư” và “Vật điểu thư”. Sự ra đời của hai thể thư pháp táo bạo và sáng tạo này đã mang lại tiếng vang cho ông, như một luồng gió lạ làm phong phú cho nghệ thuật thư pháp Việt.
“Nhân diện thư” là mô phỏng hình ảnh về hình dáng, gương mặt,... thông qua chữ chỉ tên, tính cách, đức tính,... của nhân vật đó. Còn với “Vật điểu thư”, mỗi nét chữ lại mang dáng dấp của một con cá, con chim hoặc cây cối. Cái tài tình của ông là có thể nhận diện ra đặc trưng của đối tượng để mô phỏng giống chính xác nhất qua con chữ tài hoa.
Hai lối thư pháp mới này đã làm nên tên tuổi, tạo một cá tính riêng biệt cho nhà thư pháp Lê Thiên Lý. Ông đã dụng “đứa con đẻ” của mình để gửi đến Lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội 1000 chữ “Long” thể hiện qua hình tượng của các vị Vua Hùng, tướng tài đến các tầng lớp người công nhân, nông dân, hay những chiến sĩ bộ đội, biên phòng, y bác sĩ, giáo viên,…
Tiếp nối ý tưởng táo bạo đó, ông thể hiện 1000 chữ Long trên chiếc đĩa gốm Chu Đậu với đường kính 1,2 mét. Sau này, nhờ những tác phẩm “một không hai” của ông đã được xác lập kỷ lục Việt Nam và Guiness thế giới vào năm 2013 và 2019.
Từ tâm nguyện gìn giữ văn hóa thư pháp Việt đến mở lớp học ai cũng muốn… “lưu ban”!
Nhà thư pháp tâm sự: “Đến tuổi này, nhiều thư pháp gia đã già và mất, nhưng tôi không muốn nét đẹp này của Việt Nam bị hao mòn theo tháng năm, tôi muốn thư pháp Việt được lưu truyền và phát triển hơn, muốn lan tỏa nhiều đến lớp trẻ”.
Giữ tâm niệm ý nghĩa đó, ông đã có nhiều hoạt động lớn nhỏ về thư pháp. Từ cho chữ tại nhiều lễ hội văn hóa, đền, chùa, viết câu đối… Đến trực tiếp tổ chức và tham gia rất nhiều cuộc triển lãm về thư pháp Hán - Nôm, thư pháp Việt: Triển lãm nhân kỷ niệm 1000 và 1010 năm Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, 50 năm Ngày Hải Phòng giải phóng, 6 lần tham gia triển lãm thư pháp tại Festival Huế; Giao lưu thư pháp với Câu lạc bộ UNESCO Hà Nội, Câu lạc bộ thư pháp các tỉnh, Thái Bình, Quảng Ninh, Hải Dương… để lan tỏa vẻ đẹp nghệ thuật thư pháp trên khắp cả nước.
Đặc biệt là mở lớp dạy thư pháp miễn phí, nơi ông truyền thụ những điều căn bản về chữ Hán, chữ Nôm, cách cầm bút lông viết chữ Hán đẹp, cách sắp đặt bố cục, trình bày một bức thư pháp, cách viết thư pháp tiếng Việt ngày nay hay cách sáng tác câu đối, đại tự, cách đặt tên cho con. Đến nay lớp học của ông đã qua 18 khóa, học trò của ông trải dài dọc Tổ quốc Việt Nam, thậm chí có cả người nước ngoài. Ở lớp học đặc biệt này, không có sự phân biệt về nghề nghiệp và độ tuổi, chỉ có sự đồng điệu từ những tâm hồn yêu văn hóa chữ viết dân tộc.
Vinh danh nghệ nhân vàng sau gần 30 năm gắn bó với thư pháp
Ở qua tuổi “thất thập cổ lai hy”, nghệ nhân Thư pháp Lê Thiên Lý vẫn không ngừng làm giàu cho văn hóa Việt Nam, bằng nghĩa cử cao đẹp đó, ông đã 2 lần được Bộ Văn hóa và Thông tin trao tặng bằng khen vào năm 1979 và 1980. Được nhiều giấy chứng nhận, giải thưởng, cúp vàng cao quý tại nhiều cuộc thi, triển lãm văn hóa do Sở Văn hóa - Thông tin TP Hải Phòng tổ chức. Được vinh danh trong kỷ lục Việt Nam và kỷ lục guiness thế giới với 1000 chữ Long thể hiện trên đĩa gốm Chu Đậu.
Tiếp tục xác lập kỷ lục năm 2021 với danh hiệu “Người thực hiện tranh hình bình từ tên Can Chi của các năm 2010 đến năm 2021 bằng tranh nghệ thuật thư họa đầu tiên tại Việt Nam”. Được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân làng nghề Việt Nam” năm 2014; “Nghệ nhân tiêu biểu toàn quốc” năm 2022 và hiện đang giữ chức vụ Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Làng nghề TP Hải Phòng; Giám đốc Trung tâm Thư pháp Câu đối và Hán - Nôm học Hải Phòng.
Thành công của người thầy Lê Thiên Lý còn được khẳng định qua sự thành tựu của những học trò của ông, khi có đến 9 học viên được công nhận danh hiệu Nghệ nhân làng nghề TP Hải Phòng, hàng trăm môn sinh đã, đang và sẽ mang nét đẹp văn hóa dân tộc lan tỏa đến khắp mọi miền trong và ngoài nước.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm