Thị trường hàng hóa
Từ xưa, các cụ đã dạy "đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại". Còn trong 14 điều răn của Phật thì điều thứ 12 ghi “Lễ vật lớn nhất của đời người là khoan dung”. Tương tự, trong 8 câu Kinh thánh nói về lòng khoan dung của Thiên Chúa có câu “Nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em”… Tất cả đều nhằm răn dạy, giáo dục lòng khoan dung cho con người.
Trong lịch sử, khi giặc Minh thua trận, ta vẫn khoan hồng, không dồn họ vào đường cùng: “Thể lòng trời, ta mở đường hiếu sinh” (Bình Ngô đại cáo – Nguyễn Trãi), rồi còn cấp thuyền, cấp ngựa cho họ về nước. Giáo dục về lòng bao dung, Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng hình tượng: "Sông to, bể rộng thì bao nhiêu nước cũng chứa được, vì độ lượng của nó rộng và sâu".
Đó là chuyện xưa, còn chuyện nay, bàn về xây dựng văn hóa khoan dung, các chuyên gia cho rằng nên bắt đầu từ gia đình, lấy tấm gương của người lớn để giáo dục lòng vị tha cho trẻ nhỏ. Trẻ nhỏ chưa đủ nhận thức, dễ gây ra lỗi lầm. Chúng cần sự khoan dung của người lớn. Chứng kiến những hành động vị tha của người lớn, lòng độ lượng của trẻ cũng từ đây mà hình thành và phát triển.
Trong nhà trường, câu chuyện về một thầy giáo tìm thủ phạm lấy cắp chiếc đồng hồ là một câu chuyện nói về lòng bao dung của một thầy giáo mà có thể rất nhiều người đã được đọc.
Trong một lớp tiểu học, bạn trai nọ đánh cắp chiếc đồng hồ của một bạn gái. Thầy bảo cả lớp đứng quay mặt vào tường và nhắm mắt lại. Thầy soát từng chiếc túi của tất cả học sinh và lấy chiếc đồng hồ từ trong túi bạn trai ra. Thầy đưa chiếc đồng hồ cho cả lớp thấy và trả lại cho bạn gái ấy. Thầy đã không nêu tên người ăn cắp chiếc đồng hồ, không nói với “thủ phạm” một lời nào và cũng không đề cập chuyện đó với bất cứ ai.
Nhiều năm sau, khi được chính cậu học trò, “thủ phạm” năm xưa, nhắc lại, người thầy thổ lộ: “Thầy nghĩ rằng việc lấy chiếc đồng hồ là một hành động nhất thời bồng bột của tuổi trẻ, thầy không muốn hành vi đó lưu lại trong trí nhớ của các em như một vết nhơ mà muốn đó như là một bài học để rút kinh nghiệm. Thầy tin rằng em nào đã lấy sẽ tự biết sửa đổi để trở thành người tốt hơn. Giáo dục là làm cho con người biết hướng thiện, giáo dục không phải là sự trừng phạt!”.
Còn trong “Hồi ức Đỗ Trung Quân”, nhà thơ thú nhận, hồi còn đi học, có lần vì quá mê mẫn một tập thơ mà không đủ tiền mua nên anh đã “quyết định một quyết định chưa từng có trước đó trong đời: ăn cắp sách”. Anh lận tập thơ sau lưng áo học trò bước ra cửa. Không qua mắt được ông Hùng Trương (chủ tiệm sách Khai Trí). Ông ôn tồn: “Em học lớp mấy? Là học trò sao lại đi ăn cắp. Ăn cắp gì cũng xấu hiểu chưa? Tôi coi sổ thấy em mới phạm lần đầu ở đây nên cho em về. Ráng làm người tốt, được đi học thì đừng thành ăn cắp nghen em!”.
Hơn 30 năm sau, một ngày nọ, bỗng dưng nhà thơ được ông Hùng Trương mời đến gặp. Ông đưa một bản in tay bài thơ “Quê hương – bài học đầu cho con” để xin tác giả ký tên.
Quân kể cho ông nghe về buổi chiều nhá nhem tối của Sài Gòn hơn 40 năm trước: “Đứa học sinh ăn cắp tập thơ Phạm Thiên Thư được ông tha cho với lời khuyên bảo ân cần ngày xưa. Nó đây thưa ông!”.
Sự khoan dung trong nhiều trường hợp có thể làm thay đổi cuộc đời một người theo hướng tích cực, biến họ trở thành người tử tế. Rõ thật may mắn cho cậu học trò ăn cắp đồng hồ và cậu học trò Đỗ Trung Quân vì đã gặp được những người có tấm lòng khoan dung, độ lượng.
Khoan dung trước một hành động sai trái trong nhiều trường hợp là bài học giáo dục cho cả hai phía. Với người phạm lỗi đã đành. Với người khác là bài học nhân cách về tấm lòng khoan dung, không hành xử chấp nhặt, thô bạo, định kiến, hẹp hòi, không dồn người phạm lỗi vào đường cùng…
Không phải ngẫu nhiên mà Nhà nghiên cứu xã hội học Trịnh Hòa Bình tỏ ra lo lắng: Với thực tế đang diễn ra trong xã hội hiện nay, nhiều người băn khoăn có phải người Việt ngày càng ít khoan dung hơn, ngày càng hung hãn, ưa bạo lực hơn, khép kín tấm lòng với nhau hơn, nhìn người khác một cách e dè, sợ sệt hơn?
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm